Lại một nhà đầu tư Mỹ nữa nhăm nhe nhảy vào Premiership. Sẽ lại có thêm những lời hứa có cánh được thốt ra. Và cơn hoang mang vô tận của một nền bóng đá nằm trong tay những người nước ngoài không biết bao giờ mới chấm dứt.
1. Ngay sau khi giành vé dự Champions League, Tottenham đã trở thành đích ngắm của những ông chủ nước ngoài. Ngay sau khi ông chủ của CLB bóng chày huyền thoại New York Yankees, George Steinbrenner qua đời cách đây 2 tuần, người thừa kế Hank Steinbrenner đã bắt đầu tìm cách mua lại Tottenham. Ông rất thích đầu tư vào bóng đá Anh, và đã từng một lần vuột mất 1/3 cổ phần của Spurs với giá chỉ 20 triệu bảng trong một nỗ lực mua hồi đầu thập kỷ 90. Lần này, cái giá mà Hank Steinbrenner chuẩn bị có vẻ đảm bảo cho thành công hơn nhiều: 450 triệu bảng.
Hank Steinbrenner (giữa) đang tìm cách mua lại Tottenham
Hank Steinbrenner không phải là một người “chơi bóng đá” theo kiểu Sheikh Mansour hay Roman Abramovich. Ông là con trai của một nhà kinh doanh thể thao lỗi lạc, người đã xây dựng New York Yankees thành CLB thể thao đắt giá nhất hành tinh, và mục tiêu của ông khi đầu tư vào thể thao chắc chắn là thu lãi. Tottenham rồi sẽ được điều khiển với một mô hình theo kiểu Hicks và Gillett hay gia đình Glazer (tìm cách vắt kiệt CLB) hoặc Randy Lerner (để mặc Aston Villa “tự sinh tự dưỡng”), chứ không có chuyện đổ hàng tỷ USD tiền túi để khiến CLB trở nên vĩ đại như Mansour hay Abramovich đã và đang làm.
2. Chuyện sẽ bức xúc một cách... bình thường, nếu như đội tuyển Anh không vừa trải qua kỳ World Cup tồi tệ nhất trong lịch sử, nếu như trong suốt 3 tuần qua, nước Anh không đau đáu về “đào tạo trẻ”, về “lịch thi đấu” hay “HLV bản địa”. Tất cả những điều có thể tạo nên một nhà vô địch thế giới ấy, Anh không có. Và họ sẽ không có chừng nào những học viện tốt nhất, những CLB danh tiếng nhất vẫn đang nằm trong tay các ông chủ nước ngoài.
Hãy nhớ lại những lời mà Sheikh Mansour đã nói khi đặt chân đến City of Manchester. Nào là “cho Mark Hughes thời gian”, nào là “hướng tới đào tạo và phát triển các cầu thủ bản địa”. Nhưng rồi Mark Hughes phải ra đi, và cầu thủ bản địa đâu không thấy, chỉ thấy một dàn sao quốc tế đổ ập xuống Eastland và chắc chắn sẽ bóp chết cơ hội của những nhân tố trẻ của Man City.
Tỷ phú Ả rập đúng là một người “chơi bóng đá” thật, nhưng cuộc chơi cũng có nguyên tắc của mình. Khi ông bỏ nhiều tiền như thế để chơi, ông không việc gì phải chờ đợi đến ngày Man City đào tạo ra một thế hệ vàng Lampard hay Gerrard.
3. Cách duy nhất mà những nhà tổ chức Premiership có để hạn chế việc các CLB của mình bị giới chủ nước ngoài thôn tính là kiểm tra nhân thân và năng lực tài chính. Và thực tế là cách ấy cũng chẳng phát huy chút hiệu quả nào, khi để cho hàng loạt những CLB rơi vào tay các ông chủ không hề có tiền hoặc có nhân thân mờ ám. Như vậy nghĩa là họ... chẳng có cách nào.
Và khi Capello nói rằng ông đang cùng FA nghiên cứu mô hình của Tây Ban Nha để tìm ra kim chỉ nam cho thành công của bóng đá Anh, đó là chuyện nói cho vui. Bởi họ không bao giờ có cái “căn cơ” của người Tây Ban Nha để làm nên đại nghiệp. Họ chuẩn bị bán tiếp đi một trong những pháo đài của mình.
(Theo báo Bóng Đá)