Ăn vạ không còn là chuyện mới mẻ trong bóng đá, dù ở bất kỳ giải đấu lớn nhỏ nào. Vẫn những cái tên cũ rích, những "trò mèo" xưa như trái đất, những lời than phiền, như một căn bệnh mãn tính. Bóng đá hiện đại, giờ đây được nhiều người ví von như sân khấu tiềm năng cho các kịch sĩ trổ tài.
Ăn vạ là một trong những nghệ thuật ăn gian lâu đời bậc nhất của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, cho dù là ở thời điểm những năm 60 thế kỷ trước hay hiện tại, thì ảnh hưởng tiêu cực của nó tới trận đấu cũng không thay đổi. Truyền thông Anh thì tìm cách biện minh và đổ lỗi cho những cầu thủ đến từ những nước Nam Mỹ hay Latin. Họ cho rằng, ở một đất nước sùng bái tinh thần thể thao cao thượng kiểu Hiệp sĩ như nước Anh, những pha đóng kịch hay trò tiểu xảo của các cầu thủ này đã làm cho bóng đá Anh dần mất đi tính chất trung thực vốn có.
Những cầu thủ Nam Mỹ như Luis Suarez (trái) đã làm cho bóng đá Anh không còn trung thực nữa?
Đa số người hâm mộ Premier League đồng tình với lời tố cáo này, khi mà họ liên tục phải chứng kiến những màn đóng kịch, ngã vờ kiếm quả phạt hay penalty từ những cầu thủ ngoại quốc như Luis Suarez, Nani…Trong khi điều này không hề diễn ra ở cấp độ ĐTQG.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, đấy chỉ là quan điểm phiến diện và bị chi phối nhiều bởi báo chí nước này. Thống kê trong 3 mùa giải Premier League gần đây cho thấy, các cầu thủ Anh đã phải nhận 15 trên tổng số 33 thẻ vàng được rút cho những pha ngã vờ. Cựu tuyển thủ Anh Steve McManaman, người đã từng chơi 274 trận cho Liverpool thừa nhận: “Thật sai lầm khi chỉ biết đổ lỗi cho người ngoài trong khi rõ ràng, quốc tịch không phải là tác nhân chính trong vấn đề này".
Anh lấy dẫn chứng: "Hãy nhìn Michael Owen ở World Cup 2002, hay Ashley Young và Danny Welbeck ở thời điểm hiện tại, rõ ràng những cầu thủ Anh không hề “trung thực” như chúng ta nghĩ. Thậm chí thời điểm Glenn Hoddle giữ chức HLV ĐT Anh, ông ấy muốn chúng tôi “đừng có cố gắng chạy tiếp nếu các anh đang ở trong vòng cấm và va chạm nhẹ với đối phương. Hãy học theo các đội khác, ngã ngay xuống để kiếm một quả phạt đền”. Đó cũng là cách mà ngài Alex Ferguson hướng dẫn các học trò của mình. Ông viện cớ rằng: “Đội bóng nào cũng làm như vậy nên đấy cũng chỉ là cách để M.U đòi hỏi lẽ công bằng mà thôi.”
Khi ăn vạ trở thành trào lưu
Trên khắp các sân cỏ bóng đá thế giới nói chung, và Premier League nói riêng, ở đâu cũng thấy ngã vờ. Một Ferguson luôn miệng chỉ trích Suarez "ăn vạ khắp nơi", cũng sở hữu rất nhiều kịch sĩ. Không ai còn lạ học trò cưng của Ferguson một thời, Cristiano Ronaldo từng khôn lỏi trên sân như thế nào. “Thế hệ tiếp nối” anh giờ là Danny Welbeck, Valencia và Nani, cũng thi nhau ngã vờ. Ở Chelsea, hai tân binh Eden Hazard và Oscar rất giỏi ngã "đẹp", và đến cả một hậu vệ như Branislav Ivanovic cũng không ngại ăn vạ trong vòng cấm đối phương, chưa kể Didier Drogba một thời nổi tiếng về khả năng đóng kịch.
Ở Liga, hai ông lớn Barcelona và Real Madrid sở hữu rất nhiều chuyên gia, nổi bật là Sergio Busquets và Pepe. Ai nói sở hữu lối chơi "thêu hoa dệt gấm" như Barcelona thì không cần ăn vạ? Cây bút Juan Velhis của tờ El Mundo cam đoan: “Việc các cầu thủ Barca té ngã và nằm sân lâu hơn thường lệ là một kịch bản đã được thảo luận kỹ từ trước”. Hay nói một cách huỵch toẹt: Guardiola đã chỉ đạo các học trò phải làm như vậy.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)