Trong vài năm qua, một trong những cuốn sách về quản trị bán chạy nhất ở Mỹ là “The Dictator’s Handbook” (Sổ tay của nhà độc tài), trong đó, hai tác giả là giáo sư Đại học New York, Bruce Bueno de Mesquita và Alastair Smith, tranh luận rằng các nhà lãnh đạo, dù là nhà độc tài, được bầu ra dân chủ hay các giám đốc điều hành được bổ nhiệm, đều có một động cơ chính yếu: Duy trì quyền lực.
Để làm điều đó, họ cần sự ủng hộ, đồng nghĩa với việc họ phải xử trí với từng nhóm người theo những cách khác nhau. Tức là bạn không cần phải tử tế với tất cả mọi người. Chỉ cần tử tế với những người quan trọng, bạn sẽ có cơ hội nắm giữ quyền lực lâu hơn, dù bạn không giúp được gì cho những người kém quan trọng hơn. Đó là một bài học chúng ta được thấy nhiều lần trong bóng đá. Các HLV giữ được ghế theo hai cách.
Thứ nhất dựa trên quan hệ với các ông chủ. Đây thường là mối quan hệ một-đối-một và là ông chủ-người làm công thuần túy. HLV bán năng lực của mình hàng ngày và thuyết phục ông chủ rằng ông là người xứng đáng ở lại. Một số ông chủ suy nghĩ độc lập hơn những người khác, một số đánh giá qua các ban trợ lý, hay thậm chí chỉ là qua truyền thông, và một số người muốn tự mình điều hành đội bóng.
Cách thứ hai là qua kết quả thi đấu. David Moyes, một HLV có thành tích khá tốt trong quá khứ và thừa hưởng một đội bóng đang cần thay thế, sẽ có nhiều thời gian hơn, vì kỳ vọng thấp hơn và vị trí trên bảng xếp hạng không phải là điều thôi thúc ngay lập tức. Moyes không phải là người duy nhất. Chính Jose Mourinho kiêu ngạo cũng đã tìm cách giảm bớt áp lực của kỳ vọng lên đội bóng của ông, nói về “mục tiêu dài hạn” vào đầu mùa, rằng Chelsea chỉ là “chú ngựa nhỏ” mới đây và chắc chắn không coi về đích thứ nhì mùa này là một thất bại.
Nguyên tắc "3 đối tượng"
Nhìn chung, các HLV có 3 đối tượng phải xử lý: các ông chủ, cầu thủ và các CĐV. Tất nhiên, còn cả giới truyền thông, nhưng đó không phải là những đối tượng có lợi ích liên quan trực tiếp tới họ, và truyền thông thì có quan điểm rất khác nhau về cách đội bóng đang chơi. Những HLV giỏi sẽ phải học cách gửi đi những thông điệp khác nhau cho những đối tượng khác nhau, như lời khuyên của “Sổ tay của nhà độc tài”.
Với các cầu thủ, HLV phải khiến anh ta tin rằng anh ta đủ sức chiến thắng và tạo ra sự tự tin trong đội bóng để làm được điều đó. Đó có thể chính là thông điệp mà Moyes và Mourinho đưa ra trong phòng thay đồ của họ. Bạn sẽ không chờ đợi một HLV Man United ngồi ôm đầu, thở dài rồi nói với các cầu thủ: “Sir Alex Ferguson có Paul Scholes trong thời hoàng kim của ông ấy, còn tôi mắc kẹt với cậu, Tom Cleverley, nên tôi chỉ mong cậu đừng làm gì ngu ngốc”.
Mourinho chắc chắn cũng không nói với Eden Hazard và Oscar rằng họ chỉ là những chú nhóc ăn chưa no lo chưa tới và Chelsea đã làm được hơn sức họ khi tiến xa đến thế này với Hazard và Oscar đá chính.
Nhưng khi gặp các ông chủ lại là chuyện khác. Và khi phải đối mặt với truyền thông, những người sẽ truyền tài ý kiến của họ cho các CĐV, HLV bóng đá thường phải nói ngược lại những gì họ nói trong phòng thay đồ. Với các ông chủ, lời giải thích dễ nghe hơn có lẽ là: “chúng ta không đủ mạnh, cần tăng cường thêm lực lượng”.
Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Arsene Wenger và Manuel Pellegrini chưa hề chê trách gì đội bóng của họ mùa này (nếu có, thì cũng rất hiếm và hiếm khi nào là công khai). Nhưng điều đó không có nghĩa là Pellegrini và Wenger theo một nghĩa nào đó “giỏi hơn” so với Moyes và Mourinho. Thực ra, hành vi của họ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm vị thế của họ ở CLB.
Pellegrini là một HLV nước ngoài bị nghi ngờ đủ chuyện. Ông phải cho thấy sự tự tin hoặc ông sẽ không được giao việc, trong khi Moyes do chính Ferguson lựa chọn, ông được đảm bảo phần nào. Tương tự, Mourinho, dù có vốn chính trị rất lớn với các CĐV Chelsea và truyền thông Anh, vẫn phải nhận một phòng thay đồ mới và một ông chủ khó lường. Còn Wenger đã là vị vua không ngai tại Emirates nhiều năm qua. Ông đơn giản làm những gì mình thích.
Theo Thể Thao Văn Hoá