Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Nemanja Vidic và 8 lần nhả người dại dột của Man Utd

Thứ Ba 23/09/2014 16:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Man Utd đang gặp vấn đề thực sự nơi hàng thủ, và lúc này không ít Manucians phải thấy hối tiếc khi nghĩ về Nemanja Vidic.

Sau 853 trận tại Premier League, Manchester United mới để thua sau khi đã dẫn 2 bàn. Đằng này, đối thủ của Man Utd chỉ là một Leicester City vừa được thăng hạng. Trận thua đầy xấu hổ ấy phơi bày rõ ràng rằng hàng thủ của Man Utd chẳng có lấy một thủ lĩnh ra hồn, và càng ngày người ta càng thấy Quỷ Đỏ cần Nemanja Vidic, không phải vì chuyên môn, mà là vì tố chất thủ lĩnh trong huyết quản của trung vệ người Serbia. Trong 30 năm qua, đây không phải là lần đầu tiên mà Quỷ Đỏ tiếc vì đẩy những nhân tài ra khỏi Old Trafford.

1. Jaap Stam (sang Lazio, 16.5 triệu bảng)

Jaap Stam
Jaap Stam

Jaap Stam chỉ thi đấu ở Man Utd trong 3 mùa bóng, nhưng những gì ông để lại là hình ảnh của một trong những hậu vệ xuất sắc nhất mọi thời đại tại sân Old Trafford. Trong 3 mùa Stam góp mặt tại Man Utd, Quỷ Đỏ nhờ có một hàng thủ "thép" mà vô địch 3 mùa liền Premier League, cùng với 1 FA Cup và 1 Champions League. Khi Sir Alex Ferguson bán Stam cho Lazio vào tháng Tám năm 2001, rất nhiều người đã thực sự bị choáng. Để rồi 6 năm sau đó, chính Ferguson phải thừa nhận lỗi lầm của mình: "Lúc ấy Stam vừa bị chấn thương gót chân. Tôi cứ nghĩ rằng cậu ấy đã mất đi phong độ đỉnh cao, và bán cậu ấy cho Lazio. Tôi cứ nghĩ đó là một thương vụ hời: 16.5 triệu bảng cho một hậu vệ đã 29 tuổi. Thế nhưng về sau này, tôi phải thừa nhần rõ ràng đó là một sai lầm lớn trong sự nghiệp của tôi."

2. Cristiano Ronaldo (sang Real Madrid, 80 triệu bảng)

Pha ăn mừng quen thuộc của Ronaldo sau khi gỡ hoà thành công .....
Cristiano Ronaldo

Mùa hè năm 2009, người ta có cảm giác rằng Man Utd không có lựa chọn nào khác ngoài bán Cristiano Ronaldo cho Real Madrid với mức giá 80 triệu bảng. Lúc ấy CR7 đã khát khao muốn đi tìm thử thách mới, trong khi Real sẵn sàng trả mức phí cao nhất thế giới cho một cầu thủ. Những người Manchester lưỡng lự đã bán CR7 đi mà chẳng hề tiếc nuối.

5 năm sau, người ta thấy rõ rằng Real đã hời đến mức nào trong thương vụ này. Không còn ở Old Trafford, Ronaldo vươn mình để trở thành một cầu thủ đạt đến tầm vĩ đại. Anh có 260 bàn thắng chỉ sau 253 trận khoác áo Kền kền trắng, giành thêm một Quả bóng Vàng châu Âu hồi năm ngoái. Đáng ra, Man Utd nên chiến đấu mạnh mẽ hơn để giữ lại Ronaldo thay vì chấp nhận để anh đi quá dễ dàng.

3. Paul Pogba (sang Juventus, chuyển nhượng tự do)

pogba
Paul Pogba

Trên chợ hè vừa qua, ai cũng biết Van Gaal đã phải đau đầu thế nào trong việc giải quyết bài toán ở tuyến giữa. Họ nhắm tới Paul Pogba, nhưng Juventus có quyền "hét" một cái giá thoả đáng cho tiền vệ này: 60 triệu bảng. Tới lúc ấy, Man Utd mới hiểu rằng họ đã sai lầm đến mức nào khi để cho một viên ngọc quý nhường ấy ra đi mà không mang lại bất kì lợi tức gì về mặt kinh tế. Sir Alex Ferguson không phải là không nhìn ra tài năng thiên bẩm của Pogba, nhưng lại không dám mạo hiểm dùng anh ở đấu trường Premier League. Đó hoá ra là một sai lầm quá lớn của ông, khi Pogba lúc này đang sáng rực rỡ tại Juventus, trở thành một trong những cầu thủ trẻ đắt giá nhất thế giới và được các ông lớn săn đuổi ráo riết.

4. Gerard Pique (sang Barcelona, 5 triệu bảng)

Pique là điểm sáng hiếm hoi trong trận cầu mà phần còn lại của Barca chơi dưới sức
Gerard Pique

Năm 2008, người Manchester vui mừng khôn tả khi đẩy được tài năng trẻ "hết tiềm năng phát triển" Gerard Pique về lại nơi đã đào tạo ra anh, lò La Masia của Barcelona. Lúc bấy giờ, Man Utd không hề thiếu trung vệ khi cặp Rio Ferdinand - Nemanja Vidic đang trong độ chín của thời kì đỉnh cao phong độ.

Thế rồi, Gerard Pique nhanh chóng phát triển thành một trong những trung vệ xuất sắc nhất thế giới chỉ trong vòng 1 năm sau đó, giành 4 La Liga, 2 Champions League với một Barcelona hùng mạnh với triết lý tiqui-taka "vô đối" dưới thời Pep Guardiola. Cũng trong khoảng thời gian đó, Pique còn vô địch cả Euro và World Cup với ĐT Tây Ban Nha. 6 năm sau khi đẩy Pique đi, Man Utd luẩn quẩn trong bài toán tìm trung vệ, sau khi đẩy luôn cả 2 công thần Rio Ferdinand và Nemanja Vidic khỏi Old Trafford.

5. Nemanja Vidic (sang Inter Milan, chuyển nhượng tự do)

vidic
Nemanja Vidic

Nhìn thấy Man Utd lọt lưới 8 bàn chỉ sau 5 trận (kém cỏi ngang với West Ham United tại Premier League), chỉ xếp thứ 12 với 5 điểm sau 5 vòng đấu, chắc chắn người ta sẽ nhớ thủ lĩnh Vidic vô cùng. Thực ra, việc bán Vidic chưa bao giờ được các CĐV hay cầu thủ ở Man Utd ủng hộ mà chỉ là quyết định đơn phương từ phía ban lãnh đạo. Lúc này, Vidic mới chỉ 32 tuổi, chắc chắn vẫn còn đủ sức để mang lại những kinh nghiệm cần thiết cho các hậu vệ trẻ quanh anh chứ không chỉ đơn thuần đóng góp về mặt chuyên môn. Nên nhớ Rio Ferdinand hơn Vidic tới 3 tuổi nhưng vẫn thi đấu tại Old Trafford đến tân năm ngoái. Việc Man Utd quyết định không gia hạn hợp đồng với Vidic để nhường sân diễn cho... Tyler Blackett rõ ràng là quá sớm.

6. Peter Beardsley (sang Vancouver Whitecaps, chuyển nhượng tự do)

Peter Beardsley
Peter Beardsley

Năm 1982, Manchester United kí hợp đồng với Peter Beardsley với mức giá 250 ngàn bảng, nhưng chỉ sau 1 năm, Ron Atkinson chỉ sử dụng chân sút này vỏn vẹn đúng... 1 lần rồi đẩy anh sang cho Vancouver Whitecaps. Trong 14 năm sau đó, Man Utd buộc phải nhìn Beardsley trở thành một trong những tiền đạo người Anh vĩ đại nhất trong thế hệ 1980-1990, toả sáng trong màu áo của Liverpool, Everton và 2 lần tại Newcastle United. Beardsley thậm chí còn khiến chính Man Utd ôm hận khi là một phần của Liverpool lên ngôi vô địch nước Anh các năm 1988 và 1990. Theo Daily Mail, năm 1992, Sir Alex Ferguson thậm chí còn cân nhắc mua lại Beardsley.

7. David Platt (sang Crewe Alexandra, chuyển nhượng tự do)

David Platt
David Platt

David Platt là sản phẩm của lò đào tạo trẻ sân Old Trafford. Năm 1984, ông được đôn lên đội Một của Quỷ Đỏ nhưng chỉ sau 6 tháng, ông bị Man Utd thải loại và cho sang Crewe Alexandra, một đội bóng... hạng Tư thời bấy giờ. Với bản tính kiên trì, không ngại gian khổ, Platt quyết tâm tìm đường thăng hạng và lần lượt toả sáng trong màu áo Aston Villa, Bari, Juventus, Sampdoria và Arsenal. Trong 62 lần được triệu tập vào ĐTQG Anh, Platt ghi 27 bàn thắng, trong đó có pha nổ súng thần thánh vào lưới ĐT Bỉ, đưa Tam sư qua khe cửa hẹp tại World Cup 1990 ở Italia.

8. Mark Hughes (sang Barcelona, 2 triệu bảng)

Mark Hughes
Mark Hughes

Tiền đạo người xứ Wales cũng là một sản phẩm của lò đào tạo trẻ sân Old Trafford. Ông ra mắt Man Utd vào mùa giải 1983/84 và ngay lập tức có một chỗ đứng vững chắc trên hàng công Quỷ Đỏ. Sau hơn 2 năm chơi cho đội Một, Mark Hughes ghi 47 bàn sau 121 trận được ra sân. Ron Atkinson bán ông cho Barcelona cũng đơn thuần vì mục đích thương mại: 2 triệu bảng thời đó là một mức giá cực kì lớn. 

Sau đó, Hughes không thể toả sáng tại Barcelona nhưng lại hồi sinh khi được cho Bayern Munich mượn. Mùa hè năm 1988, Sir Alex Ferguson khi đi tìm tiền đạo đã không ngại ngần chi ra mức phí kỉ lục của CLB (1.8 triệu bảng) để tái hợp với chân sút vĩ đại này.

Thành Nguyễn 


Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Nhận định Everton vs Nottingham (22h00 ngày 29/12): Vượt khó tại Goodison Park

Nhận định Everton vs Nottingham (22h00 ngày 29/12): Vượt khó tại Goodison Park

Nhận định Everton vs Nottingham (22h00 ngày 29/12): Vượt khó tại Goodison Park

Everton vẫn biết cách khiến cho pháo đài Goodison Park của mình trở thành một điểm đến khó chịu với các đối thủ ở mùa giải năm nay. Tuy vậy, Nottingham Forest đang đạt phong độ cao và có thể sẽ tiếp tục duy trì được chuỗi trận ấn tượng này, kể cả khi phải làm khách của Everton.

Video

Xem thêm
top-arrow
X