Giờ đã là tháng Năm, và M.U đang đang đứng trước những nấc thang cuối cùng để bước lên thiên đường. Vì thế, sẽ chẳng có gì là khiên cưỡng nếu đưa ra một cuộc tranh luận rằng phải chăng Quỷ đỏ đang sở hữu một đội hình tối ưu nhất trong lịch sử.
Chinh phục kỷ lục
Trong lịch sử, có hai đội bóng Anh từng giành được cú đúp vô địch ở giải VĐQG và Cúp C1/Champions League. Đó là Liverpool ở mùa giải 1977 và 1984, và chính M.U ở mùa giải 1999 và 2008. Tuy nhiên, chưa bao giờ họ lặp lại được thành tích ấy ở mùa giải kế tiếp. Năm 1978, Liverpool từng bảo vệ thành công chiếc Cúp C1, nhưng ở giải VĐQG, họ chỉ giành được ngôi á quân, khi kém Nottingham Forest tới 7 điểm. Năm 1985, Liverpool gục ngã trước Juve ở chung kết Champions League, và kém kình địch cùng thành phố Everton tới 13 điểm. Sau mùa giải ăn ba huyền thoại 1999, M.U không khó khăn để bảo vệ ngai vàng Premier League, song tại Champions League, họ đã bị Real Madrid, đội sau đó vô địch, loại từ vòng tứ kết.
Đây là MU mạnh nhất trong lịch sử?
Nhưng chỉ 2 tuần nữa thôi. M.U sẽ có cơ hội rất lớn trở thành đội bóng Anh đầu tiên trong lịch sử giành 2 cú đúp liên tiếp. Nếu chỉ đơn thuần xét về thành tích, Quỷ đỏ cũng sẽ ăn đứt Liverpool thời kỳ đỉnh cao, và dĩ nhiên vượt qua chính họ một thập kỷ trước. Còn về đội hình hiện tại, chính Sir Bobby Charlton, một huyền thoại của thế hệ 1968, đã phải thốt lên rằng: đó chính là đội hình vĩ đại nhất trong lịch sử.
Dải ngân hà thực sự
Hè 1999, sau đêm huyền diệu ở Nou Camp, ngài Ferguson hỉ hả rằng ông đã có trong tay một đội hình đồng đều và xuất sắc nhất trong lịch sử. Đúng là khi đó Giggs là số một ở cánh trái, Becks là tiền vệ phải hàng đầu, Cole-York là một cặp trời sinh, còn Schmeichel thì là một trong những thủ thành xuất sắc nhất thế giới. Nhưng nếu so với thời điểm này, ngài Ferguson có thể sẽ phải nuốt lời. M.U hiện tại là một dải thiên hà đúng nghĩa với những ngôi sao trị giá hàng chục triệu bảng, và không ít tài năng trẻ đầy triển vọng.
Có một khác biệt lớn nhất giữa hai đội hình ấy, đó chính là đẳng cấp được thừa nhận của ngôi sao. Năm 1999 là đỉnh cao của Beckham, nhưng anh đều về sau Rivaldo ở các cuộc bầu chọn Quả bóng vàng châu Âu và Quả bóng vàng thế giới. Còn Ronaldo, người được trao chiếc áo số 7 của Becks, đã nhận được sự thừa nhận của cả thế giới bằng một loạt những danh hiệu cao quý. Ronaldo có thể không có những pha tạt bóng chính xác đến từng centimet như bậc đàn anh, nhưng nói chung, tiền vệ người BĐN toàn diện hơn nhiều, từ tốc độ, rê bóng, đánh đầu, sút phạt, và đặc biệt là nhạy cảm ghi bàn.
Hồi tháng Giêng, M.U đại thắng Chelsea 3-0, trong một trận đấu mà ngài Ferguson đã cất kỹ Michael Carrick, cầu thủ đang có phong độ cực cao và chỉ tung anh vào sân ở vài phút cuối. Giữa tuần trước, M.U cũng chấm dứt giấc mơ châu Âu của Arsenal với phong độ rất tốt của tuyến giữa gồm Park Ji-sung và Anderson. Những chiến thắng ấy đã minh chứng rằng Ferguson là một bậc thầy về xoay tua cầu thủ, và so với 10 năm trước, bản thân ông cũng mang đến những điều khác biệt về cách dùng người của mình.
Ở mùa giải 1999, có tới 9 cầu thủ của M.U (Beckham, Scholes, Butt, Schmeichel, Gary Neville, Jaap Stam, Roy Keane, Andy Cole và Dwight Yorke) chơi 30 trận trở lên . Còn ở mùa này, chỉ có van der Sar, Vidic, Ronaldo và Dimitar Berbatov thi đấu số trận tương tự. Trong khi đó, Rooney, và O’Shea chưa hề đạt tới cột mốc ấy. Cũng chẳng ai dám khẳng định Carrick là một vị trí thường xuyên thi đấu của M.U, chứ đừng nói đến Fletcher, Park hay Anderson. Còn những lão tướng như Giggs và Scholes thì dĩ nhiên chỉ có thể sử dụng một cách chừng mực do yếu tố tuổi tác. Nhưng tất cả họ đều có thể đóng vai người hùng, mỗi khi được vào sân.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)