(Bongda24h) - Với bản chất thực dụng đã ngấm vào trong máu ngay từ khi sinh ra, những ông chủ người Mỹ của Manchester United đang có ý định "sáng tạo" ra cách tính thu nhập mới mà có lẽ chưa từng xuất hiện trong môn Thể thao vua. Theo đó, lương của các cầu thủ sẽ gồm 2 thành phần tách biệt: phần "cứng" (khoản cố định, bất di bất dịch) và phần "mềm" (phụ thuộc vào số lần ra sân, mức đóng góp vào thành tích của đội bóng).
Đừng nghĩ cái khoản "mềm" chính là khoản thưởng phụ thêm ngoài lương mà đó là một bộ phận cấu thành nên lương. Chẳng hạn, thu nhập hiện tại của Rooney là 250.000 bảng/tuần nhưng R10 sẽ được nhận trước một phần nhất định nào đó và số còn lại. anh có đủ được nhận đủ hay không (hoặc nhiều hơn) hoàn toàn phụ thuộc vào những gì R10 trình diễn trên sân. Thi đấu ít trận hay chơi tồi, đồng nghĩa mức lương thực tế của "chàng Shrek" sẽ không thể lên đến mức 250.000 bảng/tuần. Dự kiến, nếu mọi việc suôn sẻ thì quy định mới này sẽ nhanh chóng được đi vào thực tế và sẽ áp dụng cho toàn bộ những bản hợp đồng về sau của CLB (gồm cả gia hạn hợp đồng với cầu thủ cũ).
Nhà Glazers hãy thận trọng với từng sự thay đổi lớn lao tại MU
Xét một cách khách quan, thì ý định của nhà Glazers đã tuân thủ đúng tiêu chí cơ bản nhất của lao động (bóng đá dẫu sao cũng chỉ là một nghề nghiệp): có làm có hưởng, không làm không hưởng. Thực tế, các đội bóng luôn vấp phải tình trạng phải nuôi "báo cô" một đám cầu thủ hoặc là đang phải dưỡng thương, hoặc không có giá trị sử dụng nhưng chưa đẩy sang chỗ khác được. Tuy nhiên, môn Thể thao Vua có những đặc thù riêng mà nếu giới chủ rạch ròi, sòng phẳng quá thì rất dễ mang lại hậu hoạ khôn lường. Hãy thử đánh giá một vài trở ngại mà chính sách "lương theo đóng góp" mà nhà Glazers đang ấp ủ sẽ phải đối mặt
Thứ nhất, các cầu thủ ngày càng có nguy cơ mắc chấn thương nhiều hơn, thậm chí rất nặng bởi lịch thi đấu dày đặc và áp lực thành tích khiến chẳng đội nào có nhu cầu phải chơi "nhẹ chân" với đối thủ. Nếu thu nhập bị giảm đi chỉ vì phải điều trị chấn thương một thời gian (mà làm gì có cầu thủ nào muốn rơi vào hoàn cảnh đó) thì chắc hẳn tâm lý của cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi họ luôn chiến đấu hết mình vì đội bóng những lúc khoẻ mạnh. Thứ hai, đôi khi việc các cầu thủ không được ra sân không phải do họ thiếu tài, kém đẳng cấp mà đơn giản là còn tuỳ vào ý đồ chiến thuật, đấu pháp cho từng trận đấu của mỗi HLV. Thử hỏi có ai cảm thấy thoải mái nếu tự dưng bị mất thu nhập chỉ vì phải chấp nhận ngồi trên băng ghế dự bị ngoài ý muốn. Ngay cả những trụ cột quan trọng, thường xuyên được ra sân cũng không thích bị đối xử như vậy, huống chi là các cầu thủ chuyên "đóng thế" mà giờ CLB nào chả muốn sở hữu một vài "siêu dự bị" trong đội hình.
Rõ ràng, hàng loạt vấn đề đang được đặt ra và giới chủ người Mỹ cần xem xét thận trọng, có cái nhìn toàn diện nhằm hình thành nên một cơ chế lương mới "hợp lý hợp tình", một khi họ vẫn nhất quyết theo đuổi ý tưởng "coi cầu thủ như những nhân viên bình thường ở các ngành nghề khác" (thực tế, cũng chứng minh, không ít ngôi sao bóng đá đã sinh hư, chỉ thích "ngồi mát ăn bát vàng" mà không chịu đóng góp toàn bộ công sức cho CLB trả lương cho mình). Bằng không, kế hoạch táo bạo đó sẽ phá sản hoặc gây ra tình trạng bất ổn khó kiểm soát bởi nhiều khả năng, mọi cầu thủ từ chính thức tới dự bị sẽ thi nhau phản ứng. Ngoài ra, nhà Glazers cũng cần nhớ rằng họ đang bị một lượng không nhỏ các CĐV trung thành của MU chống đối mạnh mẽ bởi không cảm thấy hài lòng về những gì họ đã làm cho đội bóng. Giờ đây, nếu mất nốt cả sự ủng hộ từ nội bộ thì coi như sớm muộn, gia đình tỷ phú này cũng sẽ bị "diệt vong" ở đội bóng thành Manchester.
Được biết, nhà Glazers đã từng bị chỉ trích dữ dội sau khi triển khai cơ chế thu nhập mới (gần tương tự như ý tưởng sẽ được áp dụng tại MU) ở đội bóng bầu dục thuộc sở hữu của họ, Tampa Bay Buccaneers bên đất Mỹ. Mà trái bóng "tròn" tất nhiên khác xa trái bóng "méo" và túc cầu dẫu sao vẫn là một thể thao số 1 thế giới nên các cầu thủ tha hồ có sự lựa chọn, đâu nhất thiết phải trung thành tuyệt đối với một màu áo, nếu cảm thấy không được trả công xứng đáng và công bằng.
Bảo Phương