- Van Gaal sẽ nâng tầm Mata?
- Man Utd phiên bản Van Gaal du đấu Mỹ: Cao cả hơn mục đích biểu diễn
- Mourinho tâng bốc Van Gaal: Thật lòng hay “khen đểu”
Sức hút từ tên tuổi của M.U cũng như của chính Van Gaal (chưa kể cá tính lập dị) càng khiến nhà cầm quân người Hà Lan trở thành diễn viên chính trong số những diễn viên chính của bóng đá Anh trước mùa 2014/15. Jose Mourinho, Manuel Pellegrini, Arsene Wenger, Diego Costa, Alexis Sanchez hoặc bất kỳ ngôi sao nào sắp cập bến Premier League, tất cả đều lu mờ trước Van Gaal.
Cẩn thận đấy! Đã theo nghiệp cầm quân thì đỉnh cao cũng như vực sâu luôn song hành với bất cứ một HLV nào trong suốt sự nghiệp. Huyền thoại người Hà Lan - Johan Cruyff có lý khi nói rằng lẽ ra Van Gaal nên là diễn viên, một võ sĩ quyền Anh hơn là một HLV bóng đá. Bóng đá, suy cho cùng, không chỉ tôn vinh những kẻ nói nhiều hơn làm. Tất nhiên, Van Gaal là HLV giỏi, nhưng không có gì đảm bảo ông sẽ thành công ở M.U khi lúc nào nhà cầm quân người Hà Lan cũng sẵn sàng “cướp diễn đàn”, ra mặt sắm vai diễn viên chính của sàn diễn bóng đá lớn nhất trong các quốc gia châu Âu là Premier League.
Tạm thời, M.U chấp nhận để Van Gaal làm vedette, vì nhiều lẽ. Quỷ đỏ cần một nguồn năng lượng, một bầu sinh khí mới, một nhân vật có tài ăn nói thay vì một người cứ hễ mở miệng là lại... mắc quai như David Moyes trước kia. M.U như một chú chim ủ rũ cần tiếng hót lảnh lót để cả bầu trời chú ý đến nó, và thế là Van Gaal xuất hiện. Không phủ nhận Van Gaal sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thi đấu của M.U mùa tới, nhưng đừng cho rằng vị HLV này là tất cả. Luis Enrique, nhà cầm quân hiện nay của Barcelona và từng là học trò của Van Gaal trong 2 nhiệm kỳ ông dẫn dắt Barca, từng nói: “Sa thải một HLV bao giờ cũng dễ hơn sa thải cả một đội bóng”.
Tiếng nói của Enrique dĩ nhiên có sức nặng, vì cựu tiền vệ này từng thi đấu cho 2 CLB có môi trường bóng đá vào loại khắc nghiệt, phức tạp nhất là Real Madrid và Barcelona. Enrique cũng từng kinh qua nhiều đời HLV cá tính mà số một là Van Gaal. Điều mà Enrique muốn nhắn nhủ với ông thầy cũ là “chung sống hòa bình bao giờ cũng là giải pháp tốt hơn áp đặt sự thống trị lên một tập thể... không dễ bị thống trị”. Mata, Van Persie, Rooney và nhiều ngôi sao khác nữa của M.U vẫn còn tương lai ở phía trước bất chấp việc Van Gaal có ở lại sân Old Trafford lâu dài hay không. Họ, chứ không phải Van Gaal, mới là những người trực tiếp chiến đấu trên sân cỏ. Dù muốn dù không, Van Gaal vẫn phải dùng phần lớn cầu thủ trụ cột đã có sẵn tại M.U mùa rồi.
Quỷ đỏ hiện thiếu thủ lĩnh trong phòng thay đồ sau khi Ferdinand, Vidic và Evra ra đi. Ryan Giggs đã giải nghệ, chuyển sang công tác huấn luyện. Sir Alex Ferguson vẫn còn ảnh hưởng lớn ở M.U, dù Van Gaal không muốn điều đó. Tinh thần, tâm lý, phong độ, thể lực của các cầu thủ M.U sẽ là yếu tố quyết định thành bại của đội, còn Van Gaal chỉ là tác nhân đứng phía sau dung hòa, chọn lựa, đề ra ý tưởng. Không ai cản ông thay đổi, điều chỉnh, nhưng nếu không khôn ngoan thì rất dễ dẫn đến cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Lời nhắc nhở của Enrique không thừa, vì Van Gaal từng là nạn nhân còn Enrique ít nhất đã chứng kiến (hoặc cũng có thể là một trong các thủ phạm) chứng kiến sự sụp đổ của triều đại Hà Lan ở Catalan.
Theo Bongdaplus.vn