Đã có một thời, ở nước Anh, nhắc đến những cầu thủ trẻ, người ta nói ngay đến Arsenal, còn giờ đây, đội bóng được nhắc đến nhiều nhất phải là M.U. Với những cầu thủ trẻ, Arsenal đang tự vùi sâu mình trong cơn khủng hoảng. Nhưng cũng với những cầu thủ trẻ, M.U của Sir Alex lại đang bay cao một cách ngạo nghễ.
Đã có thể quên Scholes?
Lúc này, ở M.U, người ta không còn nhắc nhiều quyết định chia tay của Scholes. Anh giải nghệ, đó là một phần tất yếu của cuộc chơi. Anh sẽ được nhớ mãi như một tượng đài ở Old Trafford. Nhưng trên sân bóng, M.U cần phải tìm cách quên đi Scholes. Anh mãi mãi chỉ có một, nhưng không có nghĩa là 'Quỷ đỏ" không có những sự thay thế khác. Sneijder, Nasri và Modric? Họ đã được nhắc đến rất nhiều trong mùa hè vừa qua. Nhưng Sir Alex không chọn ai. Đơn giản, người thay thế được Scholes ở ngay trong đội hình mà M.U đang có.
Manchester United đủ sức thành công với những đứa trẻ
HLV Alex Ferguson tin vào những miếng ghép trong tay mình. Khi M.U khởi đầu mùa giải mới mà không có Carrick và Fletcher (do điều kiện sức khỏe), Sir Alex không hề nao núng. Ông đưa Cleverley vào đá cặp với Anderson. Mùa trước, Anderson đá trận được trận không, trong khi Cleverley thậm chí còn không có cơ hội. Tuy vậy, chỉ sau một mùa hè, tất cả đã lột xác. Anderson chơi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Sức mạnh của tiền vệ người Brazil kết hợp với sự tinh tế của Cleverley tạo cho tuyến giữa của M.U một sức sống mới.
Chính Cleverley là người đã tung ra đường chuyền quyết định để Danny Welbeck (một "tài sản" khác của M.U) phá tan hàng thủ Tottenham bằng một cú đánh đầu quyết đoán. Anderson lặng lẽ châm ngòi cho một đợt tấn công và rồi chính anh là người tung ra cú dứt điểm quyết định từ pha giật gót tinh tế của Welbeck. Chưa thể nói rằng Anderson - Cleverley sẽ là cặp Carrick - Scholes mới của M.U bởi họ vẫn còn trẻ và rất ít kinh nghiệm, song nếu như Sir Alex tiếp tục trao cơ hội, sự cọ xát và tích lũy về mặt kinh nghiệm sẽ giúp cho những cầu thủ như Cleverley "lớn" nhanh hơn rất nhiều.
Cuộc cách mạng nhiều hứa hẹn
"Bạn không thể chiến thắng với những đứa trẻ", câu nói của cựu cầu thủ Liverpool Alan Hansen hồi năm 1995 có lẽ chỉ đúng với Arsenal. Với M.U, đội bóng mà Hansen đã trực tiếp nói đến hồi đó, lại là một câu chuyện khác. Tottenham có thể vin cho việc họ thua M.U là bởi không có Luka Modric, con át chủ bài trong lối chơi. Song đó không phải là tất cả. Lý do chính là bởi M.U của HLV Alex Ferguson đã chơi một trận xuất sắc và bùng nổ hơn.
Trừ Evra đã 30 tuổi, 10 cầu thủ có tên trong đội hình chính của M.U đều chưa bước qua tuổi 26, trong đó còn có những cái tên chưa đầy 20 như trường hợp của Phil Jones. Đúng là trước một Tottenham già rơ và giàu kinh nghiệm hơn, đội bóng trẻ của Sir Alex đã có chút bỡ ngỡ. Họ chơi có phần lép vế so với đối thủ trong hiệp một và 15 phút hiệp hai. Nhưng Tottenham đã không tận dụng được sự chuyệch choạc ấy để rồi phải trả giá. M.U dần tìm được sự gắn kết và bùng nổ dữ dội trong 30 phút cuối trận.
Còn nhớ, trong trận tranh siêu cúp nước Anh, đã có thời điểm cầu thủ già nhất trên sân của M.U là Ashley Young, người vẫn đang ở tuổi 26. Trận ấy, M.U ngược dòng và hạ Man City 3-2. Một chiến thắng mang dấu ấn đậm nét của những cầu thủ trẻ như Anderson, Smalling, Nani hay Cleverley.
Ngay sau khi hoàn tất bản hợp đồng với David De Gea, HLV Alex Ferguson tuyên bố ông đã mua sắm đủ. Bỏ ngoài tai những tin đồn về việc M.U vẫn đang theo đuổi Sneijder, ông tập trung vào tour du đấu mùa hè với mục đích hoàn thiện lối chơi cho đội bóng. Những tính toán ấy giờ đang cho ra quả ngọt. Và Sir Alex càng có cớ để tin rằng cuộc cách mạng cuối cùng (của riêng ông) ở Old Trafford vẫn đang đi đúng hướng.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)