“Chúng tôi có còn nổi tiếng nữa đâu!”, CĐV Leeds đã đồng thanh nhạo báng từ các khán đài sân Old Trafford. Đúng là Leeds United của hôm trước không còn là đội bóng vào đến bán kết Champions League cách đây 9 năm. Và điều đó chỉ càng tô đậm thêm sự cay đắng cho thày trò ông Ferguson.
FA Cup không phải là một mục tiêu quan trọng. M.U chỉ tung ra sân đội hình 2. Ấy thế mà ông Ferguson cũng chẳng buồn vin vào thực tế ấy để bào chữa cho thất bại. Vẫn chỉ trích trọng tài như thói quen, nhưng đi kèm là những lời nhiếc móc nặng nề dành cho các học trò. Đó là một trận thua quá đau, một vết nhơ trong sự nghiệp vĩ đại của HLV người Scotland. Ông dùng từ “nhục nhã” để miêu tả trận đấu này. Máy sấy tóc đã nổ tung.
Leeds United không còn nổi tiếng nữa. Tổng giá trị đội hình của đội bóng đang chơi ở League One không bằng giá của bất cứ cầu thủ chính thức nào bên phía M.U. Và đó không phải là một trận đấu Leeds thắng vì họ chơi quá hay, mà bởi đối phương chơi quá dở.
Sự thất vọng của Sir Alex sau trận thua mất mặt trước Leeds
M.U đã chủ quan. Họ vẫn chơi chậm chạp để chờ cơ hội tung đòn kết liễu, như cách đối xử với mọi đối thủ dưới cơ những năm qua. Nhưng với quyết tâm mãnh liệt của Leeds, cộng thêm một pha xử lý sơ sểnh của Wes Brown, M.U không làm cách nào quay trở lại trận đấu được nữa. Obertan và Welbeck đông cứng ở hai cánh. Gibson và Anderson làm nền cho những tiền vệ trung tâm của đội khách. Ngay cả Giggs cũng bị khóa chặt. Đúng như lời ông Ferguson nói, chỉ có Valencia là chơi đúng với phong độ. M.U đã chơi hoàn toàn dưới sức.
Mất một đấu trường như FA Cup không phải là điều đáng ngại với M.U. Như Arsene Wenger nói, đó có thể là một lợi thế, khi lịch thi đấu của FA Cup có chút xung đột với Champions League. Nhưng vấn đề của trận thua này không nằm ở đó.
Băng ghế dự bị từng là niềm tự hào của Sir Alex Ferguson. Ba mùa giải qua, M.U thống trị nước Anh vì họ áp dụng rất thành công chính sách xoay vòng, vì họ không bao giờ hụt hơi ở những vòng đấu cuối như các đối thủ. Nhưng màn trình diễn của đội hình 2 trước Leeds khiến người ta lo ngại. Ngay cả khi có những cầu thủ tốt nhất, cũng đã có rất nhiều thời điểm M.U bế tắc. Và khi những “quân bài trong tay áo” như Gibson, Obertan hay Owen đồng loạt thể hiện sự mờ nhạt, đó là tín hiệu rất xấu cho con đường phía trước.
Danh dự của Sir Alex đã bị tổn thương. Bây giờ là lúc ông phải tính toán: Hoặc tung ra sân đội hình mạnh nhất trước người hàng xóm đáng ghét Man City ở bán kết Carling Cup hòng vãn hồi danh dự, để rồi đứng trước một canh bạc thể lực khi gặp Birmingham, hoặc lại “buông” Carling Cup để dồn sức cho Premiership, đồng thời chấp nhận nguy cơ về một sự đổ vỡ tinh thần thi đấu.
Cách M.U bắn đi tín hiệu đầu tiên hứa hẹn một năm 2010 đầy cam go. Nhất là khi bỗng nhiên Vidic vắng mặt trong danh sách thi đấu, còn HLV của anh thì lắc đầu: “Tôi không thể cho các bạn biết lý do được”. Đã từ lâu Vidic trở thành mục tiêu săn đuổi của các ông lớn khác. Đã từ lâu M.U là một con nợ khổng lồ. Đã từ lâu, khả năng bán một số trụ cột để trả nợ đã được nhắc tới.
Và không biết từ bao giờ, tập thể M.U đánh mất bản năng chiến thắng tưởng như đã trở thành điều tất nhiên phải có nơi họ.
Con số
1. Đây là lần đầu đội bóng của Sir Alex Ferguson bị loại khỏi vòng 3 FA Cup, cũng tức là vòng đấu đầu tiên M.U góp mặt ở đấu trường này mỗi mùa, kể từ khi ông nhậm chức năm 1986.
25.Đã 25 năm, kể từ năm 1984 tới nay, M.U chưa bao giờ thua một đội bóng hạng dưới trong khuôn khổ FA Cup.
28. Kể từ năm 1981 tới nay, Leeds United không biết đến chiến thắng trên sân Old Trafford.
44. Trên hệ thống thi đấu của bóng đá Anh, hiện Leeds (dẫn đầu League One) đang kém M.U (đứng thứ Nhì Premiership) tới 43 bậc.
Góc nhìn: Hổ chết để da
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, ở một đất nước mà bóng đá chỉ là môn thể thao đứng hàng thứ 5, thứ 6, người ta cũng đã phải nói đến Leeds United. “Leeds hướng tới thời kỳ vàng son sau khi đánh bại M.U”, USA Today giật tít. Không phải là một chiến thắng chấn động toàn thế giới, nhưng những gì Leeds làm được tại Old Trafford không khỏi khiến người ta bâng khuâng.
Đúng 10 năm trước, Leeds United bắt đầu thiên niên kỷ mới trong tư thế đội bóng dẫn đầu Premier League. Năm 2010, Leeds trở thành đội dẫn đầu League One. Không còn chút gì của quá khứ, từ ông chủ, HLV cho tới nhân sự. Chỉ còn một cái tên. Và không ai nghĩ rằng chỉ cái tên Leeds United lại có thể làm nên nhiều chuyện đến thế.
Thời kỳ vàng son của quá khứ vẫn còn cách họ một quãng đường rất, rất xa. Nhưng chiến thắng trước M.U là một điềm lành. Leeds đã vượt qua thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử, đã vượt qua nguy cơ giải thể, có một tình hình tài chính tạm ổn định và đang chuẩn bị quay về Championship. “Khi tôi đến, CLB đã ở đáy vực và không thể xuống thấp hơn được nữa”, HLV Grayson nói. Bây giờ, họ chỉ có thể đi lên. Lịch sử FA Cup đã nói lên rằng chỉ một trận đấu, dù có ấn tượng đến mấy, cũng không thể trở thành tác nhân thay đổi vận mệnh CLB. Nhưng khi trận đấu ấy chỉ là thể hiện cao trào của một sự thay đổi mạnh mẽ đã có từ trước, mọi chuyện lại rất khác.
Tinh thần chính là điều quan trọng nhất làm nên sự khác biệt giữa Leeds và M.U trong trận cầu gây sốc này. Chính Alex Ferguson thừa nhận điều đó: “Họ có nhiều khao khát hơn chúng tôi”. Khao khát được trở lại, xứng đáng với cái tên lớn đã từng tạo dựng, đó là một trong những yếu tố khiến nhiều người tin tưởng rằng Leeds sẽ tiếp tục có thành công.
Khi nhật báo lớn nhất nước Mỹ viết bài về một đội bóng hạng Ba của Anh, ta hiểu rằng Leeds United vẫn là một thương hiệu lớn. Có một lượng CĐV đông đảo trong nước và toàn cầu, đó là tiền đề cơ bản của việc trở thành một đội bóng lớn. Việc Leeds quay trở lại với những ngày tháng cũ, không phải chỉ là chuyện nói cho vui.
“Bây giờ chúng tôi không nợ. Chúng tôi làm ra tiền. Chúng tôi kiểm soát được mọi thứ. Chúng tôi có một đội bóng tốt và một HLV tốt. Bao nhiêu CLB Premiership dám đứng lên nói điều đó?”, chủ tịch Ken Bates đã không hề tự đại.
(Theo báo Bóng Đá)