Chính sách phát triển “cây nhà lá vườn” của HLV Ferguson đã được đền đáp khi các cầu thủ trẻ M.U tàn sát những người đồng trang lứa bên phía Arsenal Chủ nhật tuần trước.
Tại Old Trafford hôm đó, độ tuổi trung bình của hai đội đều là 23. Có lẽ đấy là điểm chung duy nhất giữa M.U và Arsenal nếu đặt cạnh tỷ số quá cách biệt 8-2. Một là sản phẩm từ hệ thống mài giũa có chọn lọc. Còn một là bộ sự tập các cá nhân dường như được lựa chọn ngẫu nhiên để đối phó. Pháo thủ đã từng nếm trải điều này trong quá khứ. Gần 1 thập kỷ về trước, họ nhận thất bại 1-6 trên sân của M.U và phải trả giá bằng chức vô địch Premier League năm đó. Giờ đây, một tương lai khó khăn, đen tối và bế tắc đang chờ đón thầy trò Arsene Wenger ở phía trước.
Các cầu thủ trẻ của Manchester United trưởng thành nhanh chóng
Từ Highbury cho đến Emirates, HLV Wenger đã chẳng giành được gì với những chú nhóc của mình. Khi mà ngân sách bị hạn chế bởi việc xây dựng SVĐ mới, Giáo sư đã hướng tất cả nguồn lực vào việc phát triển hệ thống đào tạo. Thật đáng tiếc, họ đã tạo ra những cá nhân xuất chúng cho Premier League nhưng không giành được bất cứ danh hiệu nào. HLV Ferguson cũng luôn chú ý tới việc bồi dưỡng những học trò cưng của mình. Người ta đồn đại chiến lược gia người Scotland đã bị ám ảnh bởi chức vô địch châu Âu của Celtic khi tất cả các cầu thủ Lisbon Lions đều sinh ra trong vòng 30 dặm xung quanh CLB.
Dĩ nhiên M.U không điên rồ để viễn vông đến thế. Bên cạnh những cái tên của Vương quốc Anh như Jonny Evans, Chris Smalling, Tom Cleverley, Danny Welbeck hay Phil Jones, ông cũng mua về David de Gea và trước đó là Anderson, Nani. Tất cả những cầu thủ này đều dưới 24, tức là khi họ sinh ra thì Sir Alex đã đến với sân Old Trafford.
Giống như Welbeck và Evans, Cleverley đã là một phần của Quỷ đỏ từ khi anh 12 tuổi. Mọi cầu thủ đến với M.U đều phải học qua lịch sử của CLB, xem những thước phim về vụ thảm họa Munich, hay được huyền thoại Sir Bobby Charlton kể về những người hùng mà ví dụ gần đây nhất là Ryan Giggs.
“Tôi lớn lên xung quanh Gary Neville, Paul Scholes, Nicky Butt và David Beckham”, Cleverley, người vừa được Fabio Capello triệu tập vào tuyển Anh, nói, “Tôi đã ở CLB 10 năm qua. Tôi biết những thứ gì sẽ tồn tại được ở Manchester United và những thứ không bao giờ xuất hiện ở đây. Từng phút một, tôi luôn tự nhủ phải thật chăm chỉ nếu muốn tiếp tục ở lại”.
“Thật dễ dàng khi bạn lớn lên cùng nhiều cầu thủ đồng lứa như Danny, Chris, Phil, David và hai anh em sinh đôi Da Silva. Họ đều là bạn của tôi và điều này thật tuyệt”, Cleverley tiếp tục, “Tôi thân với Danny Welbeck nhất. Cậu ấy cũng ở CLB đã 10 năm nay và chúng tôi cùng nhau trưởng thành tại đây”.
Smalling và Jones thì khác. Bộ đôi hậu vệ này được mua về với giá tổng cộng là 31 triệu bảng. Nhưng trước đó họ đều được tôi luyện tại Fulham và Blackburn. Premier League là một thế giới nhỏ bé, đặc biệt là với các cầu thủ bản địa. Họ đều biết mặt nhau, từng chạm trán hay thậm chí là đồng đội của nhau từ khi còn bé. Nhưng đó cũng chỉ là điều kiện cần, các cầu thủ M.U phải được thử sức ngoài CLB nữa. Evans và Welbeck từng tới Sunderland còn Cleverley được gử gắm tại Wigan.
Vấn đề của HLV Wenger là ông quá coi trọng những tài năng đến từ Pháp hay khu vực châu Phi. Tại Anfield ở thời kỳ Rafael Benitez, chiến lược gia người Tây Ban Nha này dù không chú trọng đến việc đào tạo trẻ, nhưng giờ đây Liverpool vẫn hưởng lợi từ những cái tên như Martin Kelly, John Flanagan hay Jay Spearing. Jack Wilshere, một trong những ngôi sao hứa hẹn nhất của nước Anh, là trường hợp hiếm hoi thành danh từ Học viện Arsenal. Anh cũng cần học hỏi kinh nghiệm tại Bolton như Daniel Sturridge của Chelsea. Aaron Ramsey và Henri Lansbury thì phải tới giải hạng Nhất, nơi họ có thể đảm bảo một suất đá chính.
Tất nhiên, phải kể tới yếu tố may mắn cho lứa thế hệ vàng của M.U nữa. Trong chuyến du đấu mùa Hè vừa qua, từ Kuala Lumpur tới Chicago, màn trình diễn của các cầu thủ là rất ấn tượng. Sau chấn thương đầu của Javier Hernandez tại Mỹ, Sir Alex phải chọn giữa Berbatov và Welbeck xem ai là người đá cặp với Rooney. Berbatov dường như là giải pháp an toàn và logic hơn. Nhưng phong độ chói sáng của Welbeck trong chiến thắng trước Barcelona tại Washington đã làm thay đổi. Trường hợp của Cleverley cũng gần giống vậy. Nếu Wesley Sneijder chịu giảm lương thì giờ có lẽ người ta sẽ không nói đến người thừa kế của Paul Scholes nữa.
Nhưng dù thế nào, M.U sẽ không bao giờ rơi vào thảm cảnh như Arsenal. Sự cằn cỗi, cảnh trắng tay đằng đẵng và chiếc ghế lung lay là điều không tưởng với HLV Ferguson
Đội hình dự bị của M.U Cầu thủ Tuổi Trận PL Tổng số trận Premier League: 1.635 Đội hình dự bị của Arsenal: Cầu thủ Tuổi Trận PL Tổng số trận Premier League: 574 |