(Bongda24h) - Trước phong độ nghèo nàn và tình cảnh "khốn khổ khốn nạn" của đội nhà từ đầu mùa, ban lãnh đạo không thể làm ngơ. Được biết, những ông chủ người Mỹ đã quyết định cấp cho David Moyes khoản ngân quỹ khổng lồ mà có thể xem là kỷ lục trong lịch sử CLB nhằm thay máu lực lượng và kế hoạch sẽ được triển khai từng bước trong vòng 18 tháng tới chứ không tiến hành ồ ạt trong một thời gian ngắn để tránh sốc.
Chuyện Man Utd thi đấu tệ ra sao dưới triều đại mới David Moyes trong mùa giải năm nay có lẽ chẳng cần phải đề cập đến nữa bởi nó đã được bàn thảo quá sôi nổi suốt những tháng qua đến nỗi đã trở thành đề tài không còn hot (vì đơn giản, một ông lớn mà đã để thua quá nhiều, đặc biệt trên sân nhà thì dẫn biến thành một tiểu gia mà như thế, thì ai thèm quan tâm nữa). Vấn đề đáng bàn ở đây là liệu có nên đổ hết trách nhiệm lên đầu David Moyes. Không phủ nhận, nhà cầm quân người Scotland đã bộc lộ quá nhiều hạn chế trên cương vị HLV trưởng Man Utd nhưng nói đi cũng phải nói lại. Cái di sản mà Moyes được thừa hưởng từ Sir Alex, nếu bỏ qua những yếu tố "vô hình" như truyền thống, danh tiếng, thương hiệu, sự vĩ đại (nhưng vô hình chung, những thứ như vậy lại đặt lên Moyes một áp lực quá khủng khiếp) thì chỉ còn lại một đội hình cực kỳ "lởm khởm", vừa thiếu lại vừa yếu. Số cầu thủ đạt đến tầm cỡ "sao đương đại" có lẽ đếm không hết 1 bàn tay (Rooney, Van Persie, Carrick và cùng lắm có thêm David De Gea) còn lại là những gương mặt hoặc già cỗi sắp hết "đát" (Vidic, Ferdinand, Evra, Giggs, Young) hoặc đã trưởng thành nhưng chẳng bằng ai và trình độ chỉ đến mức trung bình khá (Evans, Valencia, Nani, Cleverley) hoặc trẻ trung, giàu tài năng, lắm triển vọng song còn non kinh nghiệm (Zaha, Januzaj, Jones, Smalling).
Moyes vẫn sẽ được giới chủ ủng hộ và cấp tiền
Thực sự với một lực lượng cỡ đó thì đến cả Jose Mourinho "thiên tài" cũng phải bó tay, huống chi một David Moyes bao năm qua chỉ làm việc ở CLB tầm trung như Everton và chưa từng được trải nghiệm cảm giác dẫn dắt một đại gia. Cần nhớ rằng, mùa này, những nhà cầm quân được xem hàng đầu thế giới hiện nay như Mourinho, Guardiola, Ancelotti khi chuyển sang chỗ làm mới cũng đã được kế thừa một đội hình cực mạnh, có chiều sâu và về mặt lý thuyết đủ sức đua tranh mọi giải đấu nên hiển nhiên, điều kiện thành công của họ cũng thuận lợi hơn Moyes rất nhiều. Không những vậy, vì nhiều lý do khác nhau mà Moyes không thể mua sắm một cách hoành tráng trong mùa hè và chỉ đem về được duy nhất Fellaini từ đội bóng cũ Everton (đặt giả thuyết, tiền vệ người Bỉ chứng minh được khả năng chứ không phải trở thành nỗi thất vọng lớn lao như bây giờ thì có lẽ, bộ mặt của Man Utd cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiều vì ngay cả "cánh én lớn" Rooney còn chẳng thể làm nên mùa xuân tươi đẹp cho đội bóng, huống chi "cánh én nhỏ" Fellaini). Bởi thế, những gì Man Utd đã trình diễn từ đầu mùa hoàn toàn nằm trong dự đoán của giới chuyên môn dù họ vẫn hơi "sốc" khi "Quỷ đỏ" thể hiện bộ mặt quá bạc nhược tại Old Trafford, biến nơi này thành "Nhà hát của những ác mộng". Nói tóm lại, với đội hình như hiện tại thì trên đời này, may ra duy nhất .... Sir Alex Ferguson mới đủ năng lực đưa Man Utd tới vinh quang. Một số người cho rằng tại sao nhà ĐKVĐ không quyết liệt trong việc thay tướng giống như Chelsea để mơ đến sự "đổi vận" nhưng vị HLV nào lên nắm quyền cũng sẽ lâm vào số phận như Moyes mà thôi nếu đội bóng không tiến hành công cuộc thay máu. Ngoài ra, đừng quên rằng, từ xưa đến nay, Man Utd luôn đề cao tính truyền thống, ổn định nên không bao giờ mong muốn bị cuốn vào vòng xoáy "thay tướng như thay áo".
Do đó, hãy đừng ngạc nhiên nếu ban lãnh đạo tiếp tục đặt niềm tin vào David Moyes và sẽ cho ông thêm thời gian, thậm chí có thể lên đến hơn một năm nữa ngay cả khi Man Utd kết thúc mùa giải với thành tích vô cùng thất vọng (chẳng hạn trắng tay và không được tham dự Champions League). Tất nhiên, chừng đó là chưa đủ và nhà Glazers còn dự định tiến hành một động thái táo bạo chưa từng xảy ra kể từ ngày họ sở hữu đội bóng số 1 nước Anh: phá két để cấp cho Moyes khoản tiền có thể lên tới 200 triệu bảng dùng vào việc mua sắm cầu thủ. Tuy nhiên, lượng ngân quỹ khổng lồ đó sẽ không đến tay Moyes ngay tức thì ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông này mà sẽ được chia làm nhiều giai đoạn bao gồm cả kỳ chuyển nhượng hè sắp tới và có thể là cả mùa Đông năm sau, tuỳ theo tình hình cụ thể.
Chắc hẳn, nhiều Manucians khi nghe đến thông tin này sẽ không cảm thấy quá hài lòng vì dường như, giới chủ người Mỹ vẫn quá thận trọng dù tình thế của Man Utd đã cấp bách lắm rồi (đánh giá tổng thể thì vào lúc này, Man Utd ít ra cần bổ sung thêm hai tiền vệ trung tâm, 1 hậu vệ trái, 1 trung vệ, 1 tiền đạo thì mới có thể tạm yên tâm về sức cạnh tranh trong giai đoạn còn lại của mùa giải và số tiền đầu tư ước tính cũng phải lên tới tầm 200 triệu bảng ) song rõ ràng, nhà Glazers cùng các quan chức đội bóng có cái lý của mình. Thứ nhất, kỳ chuyển nhượng giữa mùa không bao giờ là thời điểm thích hợp để thay máu đội hình bởi những mục tiêu được nhắm tới không dễ dàng được đội bóng chủ quản tạo điều kiện ra đi hoặc phải với mức giá trên trời bởi chẳng CLB nào muốn suy yếu lực lượng trong thời kỳ này. Thứ hai, lịch sử Premier League đã chứng minh tỷ lệ thất bại của các thương vụ đình đám thực hiện trong mùa Đông cao hơn rất nhiều so với mùa hè mà minh hoạ hùng hồn nhất là cầu thủ đắt giá nhất bóng đá Anh quốc, Fernando Torres. Thứ ba, một đội bóng khó tránh khỏi tình trạng sốc, nhốn nháo, rối ren, lộn xộn nếu tiến hành thay máu ồ ạt, từ đó làm nảy sinh rất nhiều hệ luỵ xấu khôn lường mà có thể làm đội bóng bị tàn phá nhanh hơn bởi xét cho cùng, sự ổn định luôn là nhân tố quan trọng ở môn Thể thao Vua. Cứ thử nhìn lại trường hợp của Chelsea thời kỳ đầu Roman Abramovich mới tiếp quản thì sẽ rõ. Cũng phải mất tới hơn 1 năm đầu tư mạnh vào nâng cấp đội hình (chắc chắn nhiều hơn số tiền 200 triệu bảng mà Man Utd định chi ra) và cộng thêm tài năng siêu việt của Mourinho (đã ở đẳng cấp cao hơn Moyes ngay từ thời điểm đó), Chelsea mới có thể gặt hái được danh hiệu. Mà càng ngày, tính cạnh tranh trong làng túc cầu giáo càng trở nên khốc liệt nên tiền bạc sẽ không còn là thứ thuốc nhiệm mùa có thể đem lại thành công nhanh chóng giống như những năm trước (hãy lưu ý Man City mất gần 3 năm, làm tiêu tốn cả tỷ bảng của các ông chủ Ả Rập mới có thể vô địch Premier League và trở thành thế lực mới của giải đấu). Cho nên, đừng mơ đến viễn cảnh huy hoàng rằng Man Utd sẽ thực sự lột xác và lại khiến tất cả phải run sợ từ giờ đến hết mùa giải 2013/2014 nếu như trong tháng 1, họ được tăng cường một loạt ngôi sao đắt giá. Thậm chí, nếu không cẩn thận thì tiền vẫn mất mà bộ mặt còn thảm hại hơn nữa bởi đâu phải tân binh nào cũng có khả năng hoà nhập nhanh vào môi trường mới, kể cả thuộc diện "sao lớn".
Bởi thế, khôn ngoan nhất và tỉnh táo nhất là vào kỳ chuyển nhượng mùa Đông, chỉ tiến hành bổ sung cho vị trí nào thực sự đang trong trạng thái "nguy cấp" cần phải "trợ lực". Nhìn vào đội hình hiện giờ của Man Utd thì rõ ràng, "Quỷ đỏ" cần mua gấp tiền vệ tấn công (cánh hoặc trung tâm) để cải thiện, đa dạng khả năng uy hiếp đối phương mà ai cũng thấy đang bị phụ thuộc quá nhiều vào Wayne Rooney. Đó cũng là giải pháp ứng phó với khủng hoảng mà đa phần các đội bóng đều lựa chọn vì thủ chắc mà công không nổi thì cũng vứt (người ta cứ bảo Chelsea của Mourinho chỉ hay khi thể hiện chất thực dụng, đề cao sự an toàn nhưng thời nào, Mourinho cũng nắm trong tay một hàng tấn công mạnh). Hy vọng, Moyes sẽ có được sự tỉnh táo cần thiết để dành cảm tình của người hâm mộ cũng như thuyết phục được ban lãnh đạo rằng ông đủ trình độ dẫn dắt Man Utd bởi "Quỷ đỏ" có thể trắng tay mùa này, hoặc đau đớn hơn là không thể lọt vào Top 4 thì tất cả vẫn tôn trọng Moyes nếu như Man Utd không bộc lộ bộ mặt quá bạc nhược, đặc biệt ở mặt trận tấn công và biến công việc ghi bàn thắng trong mọi trận đấu trở thành một điệp vụ "bất khả thi" như rất nhiều trận đấu vừa qua.
Bảo Phương - Xsbandinh.com