Công bằng mà nói, sau hơn 2 tháng rưỡi ngồi lên chiếc ghế nóng ở Old Trafford, Moyes đã làm tốt công việc của một người đảm nhận cuộc chuyển giao có lẽ là chông gai nhất lịch sử bóng đá. Những thất bại trên thị trường chuyển nhượng không phải lỗi của riêng ông. Moyes chưa quen với các hợp đồng lớn, có ít quan hệ ở châu Âu lục địa, trong khi Giám đốc điều hành mới Edward Woodward chỉ là tay mơ.
Trong 2 tháng qua, cách khởi đầu của Moyes rất không ổn. |
Lực lượng vẫn rất mạnh
Nhưng ngay cả như thế, không mua được Cesc Fabregas, Thiago Alcantara hay Ander Herrera cũng không phải là tai họa gì. Đội hình đã đăng quang Premier League mùa trước vẫn còn nguyên vẹn. Marouane Fellaini, chữ ký 27,5 triệu bảng từ Everton vào ngày cuối cùng mùa chuyển nhượng, đã là một sự bổ sung đủ chất lượng.
Man United, ngay cả tính trận thua Liverpool, vẫn xứng đáng là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch Premier League. Chelsea và Manchester City có thể đã chi tiêu ồ ạt trong mùa hè, bỏ ra mỗi đội xấp xỉ 100 triệu bảng mà vẫn không có được một đội hình vượt lên hẳn so với Man United. Điều này cho thấy đội chủ sân Old Trafford đang sở hữu nhiều cầu thủ chất lượng ra sao.
Điểm mạnh của Quỷ đỏ là sự cân đối giữa ba tuyến. Hàng công với bộ tứ Robin van Persie, Wayne Rooney, Danny Welbeck và Javier Hernandez mạnh hơn bất kỳ đội nào ở Premier League. Hàng thủ là sự hòa quyện giữa kinh nghiệm và tuổi trẻ, với cặp trung vệ lão luyện Rio Ferdinand-Nemanja Vidic, những dự bị đầy tiềm năng như Johnny Evans, Phil Jones..., hậu vệ trái vào loại ổn định nhất của giải đấu nhiều năm qua, Patrice Evra và hậu vệ phải tấn công tốt nhất Premier League, Rafael. Tuyến tiền vệ, nơi được coi là nhiều vấn đề nhất của Moyes, cũng sở hữu chiều sâu đáng ghen tị. Không có siêu sao đẳng cấp thế giới, nhưng việc Shinji Kagawa chưa ra sân một phút nào ở mùa này, cho thấy HLV người Scotland có được sự xa xỉ đáng mơ ước ra sao.
Phải kiểm soát phòng thay đồ
Tuy nhiên, việc ông có thể tận dụng hiệu quả nguồn lực dồi dào đó ở Old Trafford hay không lại là một vấn đề khác. Mới đây, thông qua khoa kinh doanh Đại học Harvard, Ferguson đã chia sẻ những bí quyết giúp ông thành công trong việc quản lý Man United. Chiến lược gia người Scotland cho biết ưu tiên hàng đầu của ông phải là nắm mọi quyền lực trong tay, kiểm soát được phòng thay đồ và tỏ rõ uy quyền với các cầu thủ.
Moyes chỉ vừa đảm nhận công việc và đang trong quá trình xây dựng uy tín cũng như thể hiện cái tôi của ông. Rất nhiều xáo trộn đã xảy ra tại Old Trafford ở thời kỳ chuyển giao, với những người cũ ra đi, một ban huấn luyện mới, Giám đốc điều hành mới và cả những cầu thủ mới.
Vấn đề tương lai của Rooney vẫn khiến nội bộ bất ổn. Mới nhất là Kagawa, vốn kiệm lời, đã công khai đặt câu hỏi về việc tại sao anh phải ngồi dự bị. Đó chưa phải là một cuộc khủng hoảng trong phòng thay đồ, nhưng đều là những vấn đề tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà Moyes phải xử lý đủ khéo léo. Dưới thời Ferguson, một trong những khác biệt quan trọng với các đối thủ giúp ông duy trì sự thống trị dài lâu của Man United là chiến lược gia người Scotland luôn duy trì được sự hòa hợp trong phòng thay đồ. Ở Chelsea của Roman Abramovich, các đời HLV luôn gặp khó khăn trong việc kiểm soát phòng thay đồ. Đây cũng là nguyên nhân khiến Roberto Mancini phải rời Man City.
Ở mọi đội bóng lớn, ngôi sao nhiều đồng nghĩa sự va chạm giữa các cá tính là không tránh khỏi, dễ dẫn đến những xung đột ở nội bộ. Ở Old Trafford trước đây, những cá tính và xung đột “không có đất sống” trước quyền uy của Sir Alex. Nhưng trước khi trở thành một HLV khiến cầu thủ nể sợ và vâng lời, Sir Alex cũng trải qua sự khởi đầu đầy khó khăn như David Moyes hiện tại.
Sẽ là không tôn trọng Moyes nếu đề nghị Ferguson quay lại làm cố vấn, nhưng một cuộc trao đổi giữa họ chắc chắn sẽ mang tới nhiều gợi mở cho người kế nhiệm đang gặp khó khăn.
THEO TTVH