Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Man Utd: Ngỡ như phiên bản Arsenal 2.0

Thứ Bảy 25/01/2014 07:45(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bị loại ở 2 mặt trận Cúp, thua Chelsea, hết hi vọng bảo vệ vương miện và ngay cả tấm vé dự Champions League cũng khó, Manchester United đang chìm trong khủng hoảng. Nhưng thật kỳ lạ khi chẳng ai đề cập tới khả năng sa thải David Moyes, ngược lại các ông chủ Mỹ còn cấp tiền cho Moyes mua sắm. Chuyện lạ đời ấy là vì đâu?

Nhà Glazer chỉ muốn tiền

Những ông chủ sở hữu người Mỹ của MU rõ ràng không phải những người kiên nhẫn. Cuối năm vừa qua, nhà Glazer vừa sa thải HLV Greg Schiano của Tampa Bay Buccaneers, CLB bóng bầu dục cũng thuộc sở hữu của gia đình. Lý do được đưa ra là “kết quả thi đấu không cân xứng với tiêu chuẩn của đội”. Thành tích của “Moyes United” thì rõ ràng không cân xứng với bề dày lịch sử của “Quỷ đỏ” nhưng ghế của ông thì vẫn vững. Lý do là vì đâu?

 

Thực ra thì chuyện ấy chẳng quá khó hiểu nếu chúng ta chịu khó nhìn vào tính cách của những người Mỹ. Có tới 6 CLB Premier League đang thuộc sở hữu của những ông chủ Mỹ và tất thảy đều vượt Đại Tây Dương với cùng một mục đích.

Họ là những nhà đầu tư vì lợi nhuận (thường được gọi là “profit-driven investor”). Họ không hẳn yêu bóng đá đến mức "cuồng nhiệt", họ chỉ quan tâm đến bóng đá vì nó đẻ ra tiền. Malcom Glazer và các con trai là thế. John Henry ở Liverpool và Stan Kroenke ở Arsenal là thế. Động cơ của họ là lợi nhuận và mọi bài toán họ đặt ra đều chung một đáp số là cho doanh thu lớn hơn chi phí. Họ khác xa những tỷ phú phương Đông, những “sugar daddy” ném tiền như điên vào bóng đá chỉ để đổi lấy chiến thắng và danh tiếng.

Malcom Glazer hoàn toàn không phải là một con người lãng mạn. Sở thích kiếm tiền đã ngấm vào máu thịt của người đàn ông Do Thái nhập cư ấy từ thuở niên thiếu. Malcom cai quản xưởng sản xuất đồng hồ của gia đình từ những năm tuổi teen và sau đó mở rộng đầu tư vào chứng khoán, dịch vụ chăm sóc y tế và chuỗi cửa hàng massage. Việc ông quyết định đầu tư vào MU được giải thích là bởi tình yêu bóng đá của các con trai, Joel, Bryan và Avram nhưng trên thực tế là bởi MU là đội bóng có liên tục doanh thu lớn nhất thế giới từ năm 1997 tới 2004, theo danh sách những CLB kiếm tiền nhiều nhất (Football Money League) của Deloitte.

Gia đình Glazer có một kế hoạch đầu tư dài hơi vào MU để sinh lời và trong 8 năm đã có những dấu ấn đáng kể như tạo doanh thu lớn gấp đôi và cơ cấu khoản nợ xuống còn 500 triệu bảng. Trong những mùa giải gần đây, ngân sách của họ chỉ đứng thứ ba ở Anh nhưng lại cực kỳ thành công với 5 chức vô địch Anh và 3 lần vào chung kết Champions League trong giai đoạn 2007 - 2013.

Việc gia đình Glazer bổ nhiệm David Moyes là bởi họ hiểu rằng ông tuy không thật giỏi nhưng cũng không quá tệ, có thể đảm bảo sự ổn định dài lâu và quan trọng là không đòi hỏi phải vung tiền như nước để mua cầu thủ như Jose Mourinho.

Người Mỹ đặt niềm tin vào Moyes là bởi họ kỳ vọng ông sẽ trở thành một Sir Alex, hay ít ra là đi theo con đường của Sir Alex bằng cách phát huy hết sức mạnh nội tại và xây dựng đội bóng theo xu hướng bền vững. Kể cả Moyes có thất bại và tỏ ra không xứng lắm với một đội bóng như Man United, ông vẫn phù hợp với quy chuẩn của người Mỹ.

Nhà Glazer là những nhà kinh tế đại tài và họ tính toán rằng chẳng cần đội bóng phải vô địch, chỉ cần xếp thứ ba hoặc tư ở giải Ngoại hạng, vào tứ kết Champions League là đủ để duy trì lợi nhuận từ truyền hình và quảng cáo. Thậm chí một vài năm không có vé Champions League cũng chẳng phải là thảm họa. Điều quan trọng là ngân sách hoạt động không phình to và quỹ lương không bị phá.

Đổi ghế cho Arsenal

3 trong 4 bản hợp đồng lớn nhất của MU được thực hiện từ trước khi nhà Glazer tiếp quản, bất chấp món hời 80 triệu bảng nhờ bán Ronaldo. Mùa giải 2011-12, ngân quỹ trả lương của MU chỉ chiếm 51% tổng thu nhập, tỷ lệ thấp thứ hai trong 20 đội dự Premier League. Bản siêu hợp đồng trị giá 559 triệu USD với General Motors đã có hiệu lực. MU được dự báo sẽ thu được 430 triệu bảng trong năm tài chính này và lợi nhuận trước thuế vào khoảng 130 triệu, khối nợ được cơ cấu xuống còn 360 triệu.

Theo báo cáo Football Money League mới nhất Deloitte vừa công bố, MU xếp thứ tư thế giới về doanh thu trong mùa giải 2012-13 với 363,2 triệu bảng (423,8 triệu euro). MU vẫn làm ăn có lãi và thậm chí là siêu lãi, bất chấp sự trồi sụt về phong độ thi đấu. Kể cả giá cổ phiếu có xuống mức thấp kỷ lục 15 USD, MU vẫn là CLB thể thao có giá trị nhất trên sàn chứng khoán với 2,5 tỷ USD.

Nhà Glazer đang trông đợi vào Luật công bằng tài chính của UEFA sẽ ngăn chặn những tỷ phú dầu mỏ như Roman Abramovich hay Sheikh Mansour và không cần thiết phải chạy theo những kẻ vung tay quá trán. Đó là điểm tựa để họ duy trì mô hình bóng đá tiết kiệm về chi phí nhưng hiệu quả về doanh thu.

MU đã hết hi vọng vô địch nhưng Moyes sẽ không bị sa thải vì người Mỹ nghĩ rằng họ không nhất thiết phải vô địch để có tiền. Như vậy MU hoàn toàn có thể sẽ đi vào một thời kỳ giống như Arsenal vừa trải qua, khi Pháo thủ có 8 năm không danh hiệu nhưng lại liên tục đứng trong top 4 giải Ngoại hạng và giành vé Champions League, bù lại là giá trị của CLB liên tục tăng và chạm ngưỡng 949 triệu bảng. Trong thành công lớn về thương mại ấy có dấu ấn của một tỷ phú Mỹ, ngài Kroenke.

Arsenal có vẻ như đã đi qua thời kỳ thắt lưng buộc bụng và 42,5 triệu bảng cho Mesut Oezil chứng minh họ sẵn sàng chi mạnh cho mục tiêu vô địch. Arsenal giờ đã sẵn sàng chơi lớn, như MU trước kia. Và MU thì thu mình lại, như là Arsenal.

Theo Khám Phá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X