Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Man Utd là CLB giá trị nhất thế giới: Bóng đá vẫn là Vua

Thứ Năm 19/07/2012 13:37(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Kể từ ngày nhà Glazer tiếp quản M.U (2005), đội bóng giàu truyền thống bậc nhất xứ sương mù đã trở thành một con nợ lớn. Sắp tới, Quỷ đỏ thậm chí còn sẽ lên sàn chứng khoán New York nhằm giảm áp lực nợ nần. Nhưng bất chấp điều đó, họ vẫn là CLB giá trị nhất thế giới, theo công bố mới nhất của Forbes. Điều gì đã mang đến khác biệt ấy, nếu không phải là thương hiệu?

Quả thật là sức hút và tầm ảnh hưởng của M.U trên bình diện thế giới là rất lớn, và điều đó không chỉ thể hiện qua lượng fan khổng lồ 659 triệu người trên khắp năm châu. Theo đánh giá của Forbes, bất chấp số nợ đang è cổ phải trả, M.U vẫn được định giá lên tới 2,23 tỷ USD, cao hơn CLB xếp thứ nhì Real Madrid (1,88 tỷ), đến 19%. Danh sách này gồm 50 CLB có giá trị đắt nhất thế giới, trong đó có đa phần là các đội bóng bầu dục đang thi đấu ở giải NFL (Mỹ).

Khi nhà Glazer thôn tính M.U năm 2005, giá trị của đội bóng này trên sàn chứng khoán London (London Stoke Exchang) là 1,47 tỷ USD. Sang tháng sau, Quỷ đỏ cũng sẽ lên sàn giao dịch New York, và việc được định giá gấp rưỡi so với hồi đó, đã trở thành một cú hích thực sự đối với họ. Với giá trị thương hiệu lớn như vậy, khoản nợ 663 triệu USD (tính đến tháng Ba vừa qua) rõ ràng không còn là một gánh nặng quá lớn đối với đội chủ sân Old Trafford nữa.

M.U vẫn là CLB giá trị nhất thế giới
M.U vẫn là CLB giá trị nhất thế giới

Hiện tại, nhà Glazer đang giữ quyền kiểm soát CLB theo một phương thức rất chắc chắn thông qua cơ cấu cổ phần 2 lớp, trong đó riêng cổ phiếu của nhà Glazer có giá trị bằng 10 phiếu khác. Trong khi đó các nhà đầu tư sẽ nhận được 1 phiếu bầu cho mỗi cổ phần của họ. Số lượng các cổ đông dạng này tất nhiên không nhiều nhưng đều có tiếng tăm và lực cả. Đơn cử trong số này là Facebook, LinkedIn, và The New York Times. Nếu các cổ đông này muốn kiểm soát dần M.U, họ sẽ phải bán cổ phiếu và giúp CLB bỏ túi thêm, giảm bớt gánh nặng nợ nần.

Nhưng lý do lạc quan nhất để Quỷ đỏ tin rằng họ có thể giải quyết được món nợ ấy là những khoản tiền tài trợ đầy hấp dẫn. Hãng bảo hiểm Aon trả 31 triệu USD/năm trong hợp đồng tài trợ áo đấu, và đến năm 2014 mới hết hạn. Năm ngoái, hãng chuyển phát nhanh DHL Express cũng ký hợp đồng tài trợ áo... tập cho Quỷ đỏ với tổng số tiền 63 triệu USD trong vòng 4 năm. Đặc biệt, đó là lần đầu tiên ở xứ sương mù, có một hãng chấp nhận việc chỉ tài trợ áo tập. Nike cũng mang về số tiền không nhỏ, 39 triệu USD/năm, và bản hợp đồng với họ kéo dài đến năm 2015.

Bóng đá vẫn là Vua

Mặc dù số lượng các CLB bóng bầu dục chiếm đa số trong tốp 50 mà Forbes vừa công bố (32/50). Tuy nhiên, với việc cả hai vị trí dẫn đầu đều thuộc về các đại diện của bóng đá (M.U, Real Madrid), có thể thấy rằng tầm ảnh hưởng của môn thể thao Vua vẫn rất lớn. Người Mỹ vốn ưa bóng bầu dục, nhưng trên bình diện toàn cầu, thì bóng đá vẫn là số một.

Và vì thương hiệu là một giá trị được xây đắp theo thời gian, và mang tính truyền thống, kết hợp với những thành công về mặt thương mại nên thật dễ hiểu vì sao Chelsea, nhà vô địch Champions League 2011-12 của ông chủ giàu có Roman Abramovich lại chỉ xếp thứ 45 trong bản danh sách này. Trong số 7 CLB lọt vào tốp 50, họ cũng là đội đứng thấp nhất, sau AC Milan (27), Bayern Munich (11), Arsenal (10), Barcelona (8), Real Madrid (2) và M.U (1). Tại BXH đợt này, Barca là đội thăng tiến nhất khi leo đến 18 bậc lên thứ 8, trong khi đó, dù tụt ba bậc, nhưng Arsenal vẫn nằm trong tốp 10, với giá trị là 1,29 tỷ USD, thấp hơn đôi chút so với Barca (1,31). Pháo thủ xưa nay vẫn được coi là mạnh về đường "làm ăn kinh tế", nên việc họ duy trì thứ hạng tốp 10 cũng là điều dễ hiểu.

Đánh giá của Forbes, thật ra không chỉ dựa vào tài sản gốc mà còn dựa nhiều vào khả năng sinh lợi của chính CLB ấy. Từ việc bán bản quyền truyền hình, thu hút quảng cáo, bán sản phẩm,... Và vì thế, có thể tin rằng M.U sẽ còn nằm trong danh sách này dài dài. Dù đặt mục tiêu chiến thắng và danh hiệu trên tất cả, nhưng chưa bao giờ Quỷ đỏ sao nhãng chuyện phát triển thương hiệu của mình trên các thị trường. Để tấn công vào thị trường Trung Mỹ, họ mang về Chicharito. Khi Park đã ở bên kia sườn dốc, M.U nghĩ ngay đến Shinji Kagawa, và tiền vệ người Nhật Bản hứa hẹn sẽ là một người hùng châu Á mới ở Old Trafford.

Giá trị thương hiệu quan trọng như vậy đó!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X