Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Man Utd đào tạo trẻ hay nhất nhóm đại gia Premier League?

Thứ Sáu 05/09/2014 14:22(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bất chấp trở thành đội bóng chịu chơi nhất mùa hè năm nay tại châu Âu khi vung ra đến 125 triệu bảng để mang về các "ngoại binh", nhưng M.U vẫn sở hữu 12 cầu thủ theo đúng chuẩn "home-grown" mà Premier League đặt ra, nhiều nhất trong số những ông lớn của giải đấu.

Từ cách đây vài năm, nhằm khích lệ các đội bóng tham dự Premier League phát triển dựa vào nội lực sẵn có chứ không quá phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, BTC giải đấu đã nghĩ ra điều luật mang tên "homegrown players". Theo đó, một cầu thủ dạng "homegrown" (tạm hiểu là "cây nhà lá vườn" theo ngữ nghĩa Việt Nam) được xác định không dựa trên chuyện tuổi tác hay quốc tịch, mà chỉ cần người đó thuộc biên chế một hoặc nhiều CLB trực thuộc Liên đoàn bóng đá Anh hoặc xứ Wales (gồm cả các hạng dưới hay bán chuyên nghiệp) trong khoảng thời gian liên tục hoặc gián đoạn nhưng tổng cộng phải trên 3 năm (36 tháng) trước sinh nhật thứ 21.

Sau khi kết thúc kỳ chuyển nhượng hè, mỗi đội sẽ đệ trình lên BTC giải danh sách tối đa 25 cầu thủ trên 21 tuổi (bởi dưới 21 tuổi thì có thể sử dụng tuỳ ý mà không cần phải đăng ký) thuộc đội 1 sẽ thi đấu ở Premier League (danh sách này chỉ được thay đổi 1 lần duy nhất vào cuối kỳ chuyển nhượng mùa Đông), trong đó phải có tối thiểu 8 "homegrown players". Nếu ít hơn số lượng này thì đồng nghĩa số cầu thủ đăng ký sẽ phải giảm tương ứng. Chính từ cái tên "homegrown" cùng cách diễn giải có phần hơi rối rắm mà đôi lúc có nhiều người đã lầm tưởng rằng thuật ngữ này để nhằm ám chỉ số cầu thủ do bản thân đội bóng tự đào tạo ra từ khi còn là "trẻ ranh"cho đến lúc thành danh. Nhưng trên thực tế, thì rõ ràng BTC Premier League còn khá dễ dãi và cởi mở trong quy định "homegrown".

rooney fletcher manchester united
Fletcher và Rooney là hai "homegrown" tiêu biểu của Man Utd hiện nay nhưng Rooney
mang gốc gác Everton

Chiếu theo quy định trên và cũng như theo danh sách đăng ký của Man Utd cho mùa giải này thì M.U hiện tại vẫn sở hữu 12 cầu thủ dạng “homegrown” mặc cho đã mang về tới 5 "ngoại binh chính hiệu" (tức là chẳng "homegrown" chút nào) gồm Angel Di Maria, Radamel Falcao, Marcos Rojo, Daley Blind và Ander Herrerra trong khi còn chia tay tới 5 "cây nhà lá vườn": Rio Ferdinand, Danny Welbeck, Wilfried Zaha, Tom Cleverley và Ryan Giggs – huyền thoại đã chính thức treo giày để trở thành trợ lý số 1 cho HLV trưởng Louis van Gaal. So với 4 đại gia còn lại của giải (Chelsea, Arsenal, Liverpool, Man City) thì Man Utd có quyền tự hào về số lượng cầu thủ mang gốc gác "tự đào tạo" lớn nhất. Trong đó, Chelsea "thảm nhất" khi cố lắm cũng chỉ sở hữu nổi đúng 3 "homegrown": Gary Cahill, John Terry và Cesc Fabregas đồng nghĩa phải chấp nhận danh sách đăng ký chỉ bao gồm 20 cầu thủ.

Từ đây, kiểu gì cũng có người vội vàng mà phán xét rằng: Man Utd đích thực là đại gia đào tạo cầu thủ hay nhất giải chứ còn đâu và vẫn duy trì được truyền thống "xây đội bóng từ gốc" như triết lý mà Sir Alex hằng theo đuổi. Song trên thực tế, hình ảnh của Man Utd đâu có lung linh như vậy. Trong số 12 cầu thủ "homegrown" mà Man Utd đang sở hữu thì chỉ có 7 người (Ben Amos, Jonny Evans, Darren Fletcher, Jesse Lingard, Rafael da Silva, Davide Petrucci, Marnick Vermijl) do "Quỷ đỏ" đào tạo từ A đến Z (tức là bắt đầu tính từ lúc họ hoàn toàn vô danh tiểu tốt trong giới cầu thủ và dần trưởng thành trong màu áo Man Utd). Tuy nhiên may ra Darren Fletcher thuộc diện "chất lượng cao" còn Evans hay Rafael đến thời điểm này vẫn chỉ ở dạng "tạm được" chứ không phải quá xuất sắc. Số còn lại thì vẫn chỉ là "ngọc thô ẩn sâu trong đá" mà không biết đến bao giờ mới phát lộ.

Những gương mặt còn lại cập bến Old Trafford khi đã phần nào tạo dựng được sự nghiệp tại đấu trường Premier League. Thủ quân Wayne Rooney đầu quân cho Man Utd khi chưa tròn 19 tuổi nhưng ai cũng biết, hai năm trước đó, R10 đã nổi như cồn ở đội 1 Everton. Nói một cách khác, Rooney chính xác là một sản phẩm của lò Everton. Hay như Phil Jones và Chris Smalling đã nhẵn mặt ở đội 1 Blackburn, Fulham trước khi chuyển sang Man Utd dù thời điểm gia nhập họ cũng mới ngoài đôi mươi. Còn Michael Carrick hay Ashley Young thì còn rõ ràng hơn nhiều bởi họ đầu quân cho "Quỷ đỏ" thành Manchester lúc đã là cầu thủ hoàn toàn trưởng thành và lăn lộn nhiều năm ở giải Ngoại hạng.

Trong khi nhìn sang Arsenal, tuy chỉ đạt được mức độ tối thiểu (8 homegrown) nhưng phân tích sâu xa thì chất "tự thân vận động" cao hơn Man Utd. Gạt qua một bên Danny Welbeck, tân binh vừa gia nhập đội bóng và mang gốc gác .... Man Utd thì Gibbs, Wojciech Szczesny hay Jack Wilshere do một tay Arsenal "sản xuất" ra còn những Walcott hay Ramsey có thể đến với Arsenal lúc ít nhiều có được chút ít danh vọng song đừng quên rằng cả hai đều xuất phát điểm từ các đội bóng hạng dưới vào thời điểm cập bến Emirates (Walcott đến từ Southampton vào năm 2006 lúc mới 17 tuổi và đội bóng này khi ấy còn ngụp lặn tận giải hạng Nhất và Ramsey cũng như vậy, khoác áo đội 1 Cardiff City tại giải hạng Nhất lúc được Arsenal câu về năm 18 tuổi). Đa phần trong số họ (đặc biệt Wilshere, Walcott, Ramsey) hiện được giới chuyên môn đánh giá rất cao và nổi trội hơn so với Evans, Rafael của Man Utd. Đó là còn chưa tính đến trường hợp Cesc Fabregas, tiền vệ đang thuộc biên chế The Blues nhưng ai cũng rõ, nhờ bàn tay dìu dắt, nhào nặn của Arsene Wenger thì F4 mới có ngày hôm nay, từ chỗ chỉ là một sao trẻ bình thường của lò La Masia.

Xem ra, đội cần phải tự hào về khả năng "tự đào tạo" thứ thiệt của mình chắc chắn không phải Man Utd và cái thước đo "homegrown" chẳng nói lên quá nhiều điều cũng như không có mấy tác dụng với sự phát triển bóng đá trẻ tại nước Anh như mong muốn ban đầu của các nhà quản lý khi mà không phải hẳn là sự phản ánh thực chất nội lực của từng đội.

Danh sách "homegrown-players" của "ngũ đại gia" Premier League mùa này

Arsenal (8) - Francis Coquelin, Kieran Gibbs, Damian Martinez, Aaron Ramsey, Wojciech Szczesny, Theo Walcott, Danny Welbeck, Jack Wilshere.

Chelsea (3) - Gary Cahill, Cesc Fabregas, John Terry.

Liverpool (9) - Joe Allen, Fabio Borini, Steven Gerrard, Jordan Henderson, Glen Johnson, Brad Jones, Adam Lallana, Rickie Lambert, Daniel Sturridge. 

Manchester City (8) - Dedryck Boyata, Gael Clichy, John Guidetti, Joe Hart, Frank Lampard, James Milner, Scott Sinclair, Richard Wright.

Manchester United (12) - Ben Amos, Michael Carrick, Jonny Evans, Darren Fletcher, Phil Jones, Jesse Lingard, Rafael da Silva, Davide Petrucci, Wayne Rooney, Chris Smalling, Marnick Vermijl, Ashley Young.

Thiên Bình

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Sự sa sút trầm trọng của Manchester City là câu chuyện tâm điểm của nửa đầu mùa giải, trong khi đó Liverpool, Chelsea và Arsenal đều đang hy vọng rằng họ sẽ trở thành câu chuyện chính của giai đoạn nửa cuối mùa bằng cách giành chức vô địch. Nhưng còn 2 đội bóng đang chen chân vào giữa những ông lớn đó thì sao?

Video

Xem thêm
top-arrow
X