Real Madrid rồi Chelsea, và bây giờ là Man City, mô hình “lấy tiền đè người” đi đến đâu là vang danh đến đó. Có lẽ đã đến lúc xác tín rằng, trong lĩnh vực kinh doanh cam go này, khối lượng đồng vốn chính là thứ làm nên đẳng cấp.
Nếu chỉ hiểu đơn thuần “đẳng cấp” như trong từ điển, là thứ bậc cao thấp, thì đồng tiền rõ ràng làm nên một loại đẳng cấp. Có thể có nhiều HLV đưa một đội bóng mạnh đến chức vô địch Champions League, có thể có nhiều CLB sở hữu lượng CĐV khổng lồ và truyền thống vàng son, có thể có nhiều ông chủ sẵn sàng cho HLV của mình thời gian (thứ thường được cho là quý hơn tiền), nhưng ngân sách của Man City là thứ có rất ít đội bóng có được trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khó khăn hiện nay. Nếu không nói là chỉ mình họ có.
Và thành công của Man City, nhìn từ khía cạnh ấy, không có gì đáng ngạc nhiên. Nó đã diễn ra quá hợp lý.
Tiền bạc đã mang đến thành công cho Manchester City
Cái công đoạn “đầu tiên”, khó khăn nhất mà cả thế giới bó tay đã giải quyết xong, thì thành công sẽ đến: không phải Mark Hughes thì sẽ là Mancini, không phải Tevez thì sẽ là Balotelli.
Thành công ấy không đến quá sớm. Họ đã xây dựng trường kỳ: gần 4 năm ròng với khối lượng đầu tư như thế, mà chiến tích hữu hình mới chỉ có một trận thắng Man United và một chiếc Cúp FA, không phải là một quá trình “chóng vánh” hay “lột xác” như người ta đang lầm tưởng. Họ cũng không mù quáng trông chờ vào sức mạnh của đồng tiền: Roberto Mancini có thể không phải là HLV giỏi nhất châu Âu, nhưng ông là lựa chọn khả dĩ nhất trong thời điểm Man City tuyển HLV, và ông đã làm việc hết sức nghiêm túc. Không phải một con bù nhìn chỉ có mỗi việc là ném cả dàn sao vào sân (thứ vai trò những người cực đoan hay gán ghép cho Pep Guardiola), Mancini đã xây dựng lối chơi có dấu ấn cá nhân, đã thanh trừng nội bộ quyết liệt, đã mua người tỉnh táo.
Rất nhiều người ủng hộ Quỷ đỏ, sau trận thua cuối tuần qua, đã đưa ra tuyên bố kinh điển: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi” để bày tỏ hoài nghi với sự bền vững của mô hình Man City. Nhưng đó nhiều khả năng sẽ là một quá trình đi lên bền vững. Đầu tiên là cái “đẳng cấp” tiền kia sẽ chỉ phai nhạt chừng nào thế giới tìm được nguồn nguyên liệu thay thế hoàn toàn dầu thô (thứ làm ra sức mạnh tài chính cho Sheikh Mansour). Thứ hai là đội hình ông Mancini đang tạo dựng đều còn rất trẻ, nếu không gặp sự cố, hoàn toàn có thể giữ vững hình ảnh họ đã dựng lên ở Old Trafford thêm 4-5 mùa giải nữa.
Man City đã có một con đường, kiên quyết đi con đường đó và đã đến rất gần đích. Nếu gạt bỏ các yếu tố đạo đức về “công bằng tài chính” (thứ đang được chủ tịch UEFA Michel Platini rao giảng), “cơn động đất” ở Old Trafford có thể là một bài học quý cho các ông chủ của M.U và Arsenal, những người Mỹ tin rằng chỉ cần nhảy vào bóng đá là có thể mài thương hiệu cũ ra ăn: thành công luôn phải đến từ sự đầu tư đúng mức.
Cuộc đua còn rất dài, và bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Một chấn thương của Man City cũng có thể chứng kiến M.U đăng quang, hay một thẻ phạt của M.U cũng có thể nhường ngôi cho Chelsea. Man City chưa phải là kẻ thống trị. Nhưng gọi họ bằng danh từ “đội bóng lớn” lúc này có lẽ không quá sớm. Họ ưu tú, có tính cách, và biết chiến thắng.
Đồng tiền mà biết nói năng, nó sẽ thanh minh rằng tiền chẳng xấu xa như nhiều người quy kết, mà chỉ làm cuộc chơi hấp dẫn thêm nhiều phần.
Thống kê
3.Tính từ khi ra sân trận đầu ở Premier League (tháng 2/2011), David Luiz (Chelsea) đã có 3 pha phạm lỗi bị thổi phạt đền, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác cùng thời gian.
18,7.Man United là đội để đối phương tung ra nhiều pha dứt điểm về phía khung thành của mình nhất cho đến lúc này, với 18,7 cú sút/trận.
63.Cho tới trước trận thua QPR, Chelsea đã bất bại trong 63 lần đối đầu với các đội bóng mới lên hạng. Lần gần nhất họ thua một tân binh là khi thua Charlton 0-1 vào tháng 4/2001.
Chân sút hàng đầu
9 bàn: Rooney (M.U), Aguero (Man City)
8 bàn: Dzeko (Man City)
7 bàn: Van Persie (Arsenal)
5 bàn: Van der Vaart (Tottenham), Ba (Newcastle), Balotelli (Man City)
(Theo báo Bóng Đá)