Sân Stamford Bridge buổi chiều 11/5/2003. Chelsea và Liverpool gặp nhau trong trận “chung kết” của cả hai. Báo chí Anh gọi đó là “trận đấu 20 triệu bảng”, số tiền đội thắng trận sẽ nhận được nhờ tấm vé dự Champions League mùa giải 2003-04.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Trận đấu ấy diễn ra vào ngày cuối cùng của mùa bóng và là trận đáng chú ý nhất bởi MU, Arsenal và Newcastle đã chia nhau 3 vị trí đầu tiên. Chelsea và Liverpool cùng có 64 điểm nhưng Chelsea xếp trên nhờ hơn hiệu số bàn thắng bại. Liverpool phải thắng để chiếm vị trí thứ tư, và họ đã khởi đầu tốt khi Sami Hyypia đánh đầu mở tỷ số ngay phút 11. Nhưng chỉ 3 phút sau, một trung vệ khác là Marcel Desailly đánh đầu cân bằng tỷ số cho Chelsea, trước khi Jesper Gronkjaer ghi bàn thắng quyết định. Thất bại của Liverpool còn trở nên bi kịch hơn với chiếc thẻ đỏ của Steven Gerrard sau khi đạp thẳng vào ống chân Le Saux.
11 năm nhìn lại, trận đấu tại Stamford Bridge ngày hôm ấy giống như một cuốn phim lịch sử. Người ta tự hỏi rằng nếu 11 năm trước Chelsea không thể lội ngược dòng và Liverpool chiến thắng, Premier League sẽ thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải biết rằng trong những ngày tháng 5/2003 ấy, một doanh nhân từ Nga đang đi săm soi các đội bóng với mục đích tìm một CLB thích hợp để đầu tư. Vị doanh nhân trẻ tuổi ấy bị ấn tượng mạnh bởi chiến thắng của Chelsea, bởi tấm vé dự Champions League và bởi tiềm năng của thị trường London. Chỉ một tháng sau, ông bỏ 140 triệu bảng mua lại Chelsea từ Ken Bates. Nhân vật ấy chính là Roman Abramovich.
Abramovich là một con người đầy tham vọng, ông muốn biến Chelsea thành một gã khổng lồ giống như Manchester United hay Real Madrid, ông muốn vô địch Premier League và thậm chí Champions League, ông muốn thế giới phủ màu xanh của The Blues. Để cụ thể hóa giấc mơ, ông chi 100 triệu bảng mua sắm cầu thủ ngay mùa đầu tiên và giữ mức đầu tư ấy trong suốt một thập kỷ, đưa về những cầu thủ đắt nhất (Andriy Shevchenko, Fernando Torres), những HLV nổi tiếng nhất (Jose Mourinho, Guus Hiddink, Carlo Ancelotti).
Sau 11 năm, giấc mơ của Abramovich đã thành hiện thực. Ông giúp Chelsea vô địch Anh sau nửa thế kỷ, đoạt cú đúp Premier League - FA Cup lần đầu tiên, vô địch Champions League và Europa League… Ông biến Chelsea thành một thế lực không chỉ ở nước Anh mà còn vươn ra tầm thế giới. Bóng đá Anh đã mãi mãi thay đổi sau sự kiện ấy, sự kiện ngày 11/5, với bàn thắng của Gronkjaer. Thậm chí bóng đá châu Âu cũng không còn giống như trước nữa. Nếu Chelsea thua, họ chắc chắn sẽ không được sang tay Abramovich và tỷ phú người Nga chưa biết chừng sẽ mua… Liverpool.
Sau 11 năm, đã có thêm những ông chủ giàu sụ đầu tư vào các CLB. John Henry (trước đó là George Gillett và Tom Hicks) ở Liverpool, Malcolm Glazer ở MU, Sheikh Mansour ở Man City, Erick Thohir ở Inter Milan, Hamad Al Thani ở PSG, Dmitry Rybolovlev ở Monaco… Abramovich không phải người đi đầu, cũng chẳng phải người giàu nhất, nhưng là người đầu tư ổn định nhất với quyết tâm cao nhất để mang tới thành công cụ thể suốt thời gian dài. Abramovich được thừa nhận là người đặt nền móng cho một thời kỳ mới của bóng đá thế giới, thời thống trị của đồng tiền.
Tiền đấu truyền thống, công đấu thủ
Trong cuốn sách Soccernomics phát hành năm 2009, 2 tác giả Simon Kuper và Stefan Szymanski chỉ ra rằng 92% thành công trong bóng đá tới từ tiền bạc. Chelsea là một trường hợp điển hình. Đối đầu với Chelsea Chủ nhật này, Liverpool có thể tự hào rằng họ đại diện cho truyền thống, trong khi đối thủ dùng tiền mua bóng đá. Cách nói ấy cũng chỉ chính xác tương đối thôi, bởi chẳng phải Liverpool cũng dùng tiền mua bóng đá trong những năm đầu tiên của mình. John Houlding, một người nấu bia và một ông chủ cho thuê đất giàu sụ, sáng lập ra Liverpool năm 1892 và chỉ 9 năm sau họ vô địch Anh lần đầu tiên. Dẫu sao thì chuyện ấy đã qua lâu rồi và khán giả ngày nay thừa nhận rằng Liverpool đại diện cho truyền thống của một đội bóng đã 18 lần vô địch quốc gia và 5 lần vô địch châu Âu, trong khi Chelsea mang màu xanh của đồng tiền.
11 năm qua, đồng tiền đã biết nhảy múa. Trong kỷ nguyên Abramovich, chỉ có duy nhất một mùa Liverpool xếp trên Chelsea ở Premier League, đó là mùa giải 2008-09. Đó cũng là lần cuối cùng The Kop kết thúc mùa bóng trong nhóm dự Champions League. Trận đại chiến tại Anfield chiều Chủ nhật có thể sẽ khiến lịch sử phải thay đổi. Liverpool có thể sẽ lên ngôi vô địch, họ có thừa khả năng làm điều đó kể cả có thua trận này.
Truyền thống sẽ thắng tiền, khi Liverpool kết thúc mùa bóng phía trên Chelsea cùng một kẻ “buôn” bóng đá khác là Man City? Như đã nói, cách hiểu này cũng chỉ tương đối chính xác bởi The Kop sẽ không có ngày này nếu không bỏ tiền mua Suarez, Sturridge, Coutinho, Henderson và Joe Allen… Người Anfield tự hào về truyền thống và khả năng đào tạo trẻ của mình nhưng thực tế chỉ có 2 người Merseyside còn sót lại trong đội hình (Gerrard và Flanagan, vốn chưa có gì nổi bật), trong khi hiện tượng Sterling chỉ được Liverpool đào tạo từ năm 16 tuổi, tức đã định hình lối chơi.
Đây cũng sẽ là trận đấu giữa đội bóng có hàng công tốt nhất (Liverpool, 96 bàn) với đội bóng có hàng thủ vững vàng nhất (Chelsea, 26 bàn thua). Liverpool chắc chắn sẽ là đợi chơi dồn ép và đánh phủ đầu, như cách họ vẫn làm ở mùa này, trong khi Chelsea lui về phòng ngự. Liverpool liệu có khoan phá được thành trì của Mourinho, hay Brendan Rodgers lại lãnh đòn hồi mã thương bởi hàng thủ đã để lọt lưới tới 44 lần, còn tệ hơn hàng thủ MU (40 bàn thua).
Có 3 người vẫn còn sót lại từ trận đấu định mệnh 11 năm về trước, là Terry, Lampard của Chelsea cùng Gerrard của Liverpool. Họ có thể sẽ ở Anfield để chứng kiến lịch sử Premier League sang trang lần nữa và những giá trị xưa cũ trở lại sau trận đấu chiều Chủ nhật.
Theo Khám Phá