Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

HLV người Anh: Tại sao thất thế trên chính sân nhà?

Thứ Bảy 24/06/2017 19:21(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Suốt 25 năm của kỷ nguyên Premier League, không một chiến lược gia người Anh nào từng bước lên ngôi vô địch. Đâu là nguyên nhân khiến các huấn luyện viên ở xứ sở sương mù thất thế ngay trên chính mảnh đất của họ.

 
Trong một phần tư thế kỷ, Premier League chứng kiến 9 chiến lược gia lên ngôi vô địch gồm Sir Alex Ferguson, Kenny Dalglish, Arsene Wenger, Jose Mourinho, Carlo Ancelotti, Roberto Mancini, Manuel Pellegrini, Claudio Ranieri và Antonio Conte. Đáng buồn với xứ sở sương mù là cả 9 HLV này không có ai mang quốc tịch Anh.
 
HLV nguoi Anh Tai sao that the tren chinh san nha hinh anh
Eddie Howe và Sean Dyche là 2 HLV người Anh hiếm hoi làm việc tại Premier League.

Xu hướng trọng dụng các chiến lược gia ngoại quốc thể hiện ở ngay Premier League thời điểm hiện tại. Trong số 20 CLB tham dự mùa giải 2017-18, thì tính đến lúc này chỉ bốn đội sử dụng các chiến lược gia người Anh là Eddie Howe (Bournemouth), Sean Dyche (Burnley), Craig Shakespeare (Leicester) và Paul Clement (Swansea).
 
Cả ba đội bóng mới lên hạng đều là chiến lược gia ngoại quốc nắm quyền gồm Rafa Benitez (Tây Ban Nha - Newcastle), Chris Hughton (Ai Len - Brighton) và David Wagner (Đức - Huddersfield). Ngoài ra, tất cả những đội bóng nằm trong Top 6 mùa vừa rồi đều không sử dụng chiến lược gia người Anh mà lựa chọn những cái tên ngoại quốc. Vậy lý do nào khiến HLV bản địa thất thế ngay tại Premier League.
 
Đừng đổ lỗi vì ít cơ hội
 
Người Anh cho rằng cũng giống như các cầu thủ, huấn luyện viên bản địa ít được trọng dụng vì các câu lạc bộ chạy theo thành tích nên thuê "người ngoài". Lý do ít được trao cơ hội thể hiện mình liệu có thuyết phục? Trên thực tế trong kỷ nguyên Premier League, các HLV người Anh có số lần bổ nhiệm nhiều hơn cả tổng số các quốc gia khác cộng lại với 189 lần.
 
Tuy nhiên, số danh hiệu Premier League thu về là con số 0 tròn trĩnh. Các chiến lược gia người Scotland được bổ nhiệm 52 lần nhưng giành được 14 ngôi vô địch. Tiếp sau đó là Wales (16), Ai Len (14) và Bắc Ai Len (13) nhưng đều chẳng giành được danh hiệu nào. Đáng nói là cả Scotland, Wales, Ai Len và Bắc Ai Len đều đang hoặc từng thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh. 
 
HLV nguoi Anh Tai sao that the tren chinh san nha hinh anh 2
Sir Alex Ferguson là chiến lược gia có xuất xứ Liên hiệp Vương quốc Anh hiếm hoi thành công tại Premier League.

Thực ra nếu không có Sir Alex Ferguson, các chiến lược gia có xuất xứ từ LHVQ Anh chỉ giành được duy nhất 1 chức vô địch Premier League với Kenny Dalglish (Blackburn - 1995) với tổng cộng 284 lần được bổ nhiệm. Bởi lẽ riêng một mình Sir Alex đã vô địch Premier League đến 13 lần dù được bổ nhiệm từ trước kỷ nguyên Premier League. 
 
So ra, các chiến lược gia đến từ Italy được bổ nhiệm 11 lần nhưng vô địch Premier League đến 4 lần, tiếp đó là đến Bồ Đào Nha (bổ nhiệm 6, vô địch 3), Pháp (bổ nhiệm 8, vô địch 3) và Chile (bổ nhiệm 1, vô địch 1). Tổng cộng các chiến lược gia không có xuất xứ từ LHVQ Anh vô địch Premier League đến 11 lần với 63 lần được bổ nhiệm. 
 
Những con số đó chỉ ra việc các chiến lược gia người Anh chẳng phải không được trao cơ hội, mà bởi họ quá kém để tận dụng cơ hội đó mà thôi.
 
Nguyên nhân vì đâu?
 
Điều đầu tiên là việc bóng đá Anh sản sinh ra quá ít huấn luyện viên. Theo ước tính, số huấn luyện viên người Anh đang hành nghề chỉ bằng 1/10 so với Đức hay Italy. Điều đó khiến huấn luyện viên người Anh cũng giống như cầu thủ bản xứ, được nâng tầm lên cao hơn so với khả năng của chính họ dẫn tới sự tự mãn, ít thay đổi và học hỏi hơn so với những chiến lược gia nước ngoài.
 
HLV nguoi Anh Tai sao that the tren chinh san nha hinh anh 3
Gary Neville nhanh chóng chuyển sang bình luận viên sau khi thất bại trong nghiệp huấn luyện.

Một yếu tố khác là các cầu thủ người Anh sau khi chấm dứt sự nghiệp cầu thủ áo số có quá nhiều lựa chọn để theo đuổi thay vì chịu áp lực ở ghế huấn luyện. Tiêu biểu như Gary Neville sau quãng thời gian huấn luyện thất bại ở Valencia nhanh chóng trở thành bình luận viên bóng đá thay vì tiếp tục nghiệp cầm quân. Rio Ferdinand, Owen Hargreaves,... đều chọn theo nghiệp bình luận còn Ryan Giggs chuyển sang kinh doanh, David Beckham theo đuổi nghiệp giải trí,...
 
Việc các cựu cầu thủ không mặn mà theo nghiệp huấn luyện là một trong những lý do khiến người Anh ít huấn luyện viên. Đồng thời, tư duy bảo thủ theo lối bóng dài của người Anh cũng khiến các huấn luyện viên không có sự thích nghi với xu hướng chiến thuật hiện đại. 
 
Giờ thì Premier League không còn là giải đấu của người Anh mà thuộc về những người nước ngoài.
Như Đạt (TTVN)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X