(Bongda24h) - Không thể kỳ vọng Chelsea thuyết phục được tất cả giới chuyên môn cũng như người hâm mộ về chức vô địch Premier League mùa giải 2009-2010 nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế không thể phủ nhận: họ là đội xứng đáng nhất. Chelsea xuất sắc đánh bại Arsenal, Liverpool và MU trong cả 2 lượt trận rồi lập nên kỷ lục mới về số bàn thắng trong một mùa giải (103 bàn) trong đó có 4 trận, họ nã vào lưới đối thủ từ 7 bàn trở lên, một thành tích không dễ lặp lại. Do vậy, nếu The Blues không đăng quang, đó mới là điều đáng tiếc nhất của mùa bóng năm nay. Hãy cùng tờ Telegraph liệt kê 10 nhân tố dẫn tới danh hiệu VĐQG lần thứ 4 trong lịch sử của "gã nhà giàu" thành London.
>>> Khép lại Premier League 09/10: Nhà vô địch màu xanh
>>>
>>> Vua phá lưới Drogba: Tượng đài ở Stamford Bridge
>>> Chùm ảnh: Chelsea - Tân vương mới của Premier League
1. Didier Drogba
Cùng chiếc cúp vô địch, Drogba giành thêm danh hiệu "Vua phá lưới"
Sau hai mùa giải đánh mất phong độ vì chấn thương và không được trọng dụng như trước, "Voi rừng" đã tìm lại hình ảnh quen thuộc của mình và tái khẳng định, anh là cây săn bàn số 1 của đội bóng. Thậm chí, Drogba còn có mùa giải thành công nhất kể từ ngày tới thành London. Vẫn mạnh mẽ, xông xáo, đầy tốc độ trên sân bóng cùng khả năng đánh hơi bàn thắng chưa bị mất đi theo thời gian, Drogba đã đóng góp tới 29 bàn (gần 1/3 tổng số bàn của cả đội) để lần thứ 2 đoạt danh hiệu "Vua phá lưới" Premier League. Drogba đã làm lu mờ người đá cặp Anelka dù ở mùa giải trước, tiền đạo người Pháp mới là chân sút tốt nhất đội bóng (20 bàn và cũng là "Vua phá lưới"). Bên canh đó, tiền đạo người Bờ Biển Ngà không còn chỉ biết quanh quẩn ở khu vực 16m50 như một trung phong cắm thực thụ mà đã nhiều lần đảm nhận tốt vai trò kiến tạo cho đồng đội lập công. Xét về tiêu chí này, có lẽ Drogba chỉ chịu thua kém mỗi Frank Lampard mà thôi.
2. Florent Malouda
Nếu không có sự xuất hiện của Ancelotti, chắc chắn Malouda đã phải cuốn xéo khỏi Chelsea. Dưới bàn tay của vị chiến lược gia người Italia, tiền vệ cánh người Pháp đã hồi sinh và lấy lại phong độ đỉnh cao như khi còn khoác áo Lyon. Là một tiền vệ cánh, Malouda có quá nhiều đất diễn ở một Chelsea luôn lấy tấn công làm chủ đạo và trở thành mũi giáp công sắc bén bên hàng lang trái nhờ vào tốc độ, kỹ thuật, sự tinh quái và những đường tạt chuẩn xác. Ở The Blues, chưa bao giờ Malouda chơi hay đến thế và đã trở thành một trụ cột quan trọng của đội bóng.
3. Thi đấu với sơ đồ 2 tiền đạo
Dẫu rằng Anelka đã không còn giữ được phong độ nhưng không thể phủ nhận những công lao của anh. Trước đây, không bao giờ có chuyện Drogba và Anelka tạo thành cặp bài trùng ở tuyến trên mà chỉ có một trong hai người được ra sân bởi một lý do: lối chơi của cả hai quá giống nhau và không phải là sự bổ sung hoàn hảo cho nhau. Thế nhưng, hoá ra nhận định đó hoàn toàn sai lầm Anelka đủ sức phối hợp ăn ý với Drogba, hình thành nên bộ đôi sát thủ đàng sợ. Cả hai đã biết bỏ qua ích kỷ cá nhân để hy sinh vì đồng đội, vì đội bóng. Ngoài ra, cả hai có tầm hoạt động rất rộng và luôn di chuyển hợp lý, không dẫm chân lên nhau và khiến đối phương bị rối loạn, không biết đường nào mà lần
4. Carlo Ancelotti
Ancelotti sẽ trở thành vĩ đại ở Chelsea?
Trong chiến tích vô địch Premier League, công lao của Ancelotti chiếm tới 60%. Chỉ cần dựa trên nền tảng lực lượng sẵn có mà những người tiền nhiệm để lại và bổ sung duy nhất một cầu thủ (Yuri Zhirkov nhưng cầu thủ người Nga không thể hiện được bao nhiêu), Carletto vẫn thổi được luồng sinh khí mới vào Chelsea dù không ít nhận định hồi đầu mùa giải cho rằng đội bóng thành London khó có thể thành công với đội hình như vậy. Hành trang tới nước Anh của chiến lược gia người Italia là một triết lý tấn công đẹp mắt, hấp dẫn và hiệu quả. Ông đã áp dụng thành công triết lý này ở Chelsea. Giờ đây, hình ảnh Jose Mourinho thực dụng đã gần như biến mất khỏi tâm trí của những CĐV Chelsea trung thành. Thay vào đó là một Ancelotti với khuôn mặt phúc hậu. Không những thế, cựu HLV của AC Milan còn làm vực dậy những cầu thủ tưởng như hết thời và không quên chăm lo đến thế hệ kế cận của Chelsea. Mùa tới, ông cam kết sẽ trao cơ hội cho một loạt những gương mặt trẻ đầy hứa hẹn. Hẳn chủ tịch Abramovich đã có thể xoa tay hài lòng với sự lựa chọn sáng suốt của mình. Chelsea đã chơi đẹp đúng như mong muốn của ông và quan trọng hơn giành lấy vinh quang chính từ phong cách đó. Nếu tỷ phú người Nga quyết định mở hầu bao rộng rãi hơn cho Carlo chiêu mộ những tên tuổi thích hợp cho mục tiêu chinh phục Champions League thì cái ngày đăng quang huy hoàng ở châu Âu không còn quá xa.
5. Thất bại ở đấu trường châu Âu
Dẫu biết đỉnh cao châu Âu vẫn luôn vẫy gọi Chelsea nhưng phải công nhận chính việc bị loại từ vòng 1/8 đã giúp The Blues tập trung toàn bộ sức lực cho giải quốc nội. Họ có cả tuần chuẩn bị cho Premier League trong khi đối thủ chính MU phải vắt sức chinh chiến trên cả 2 mặt trận. Trong trận chung kết của mùa giải tại Old Trafford, Chelsea sở hữu quá nhiều lợi thế, đặc biệt về mặt thể lực so với MU, đội bóng có tuổi đời trung bình cao nhất giải Ngoại hạng, lại vừa trải qua trận bán kết khó nhọc với Bayern Munich cách đó vài ngày. "Lấy sức nhàn thắng sức mỏi", Chelsea đã giành thắng lợi 2-1, qua đó tiếp thêm động lực để hoàn tất nốt chặng đường còn lại mà không vấp phải sai lầm nào.
6. Hiệu suất ghi bàn khủng khiếp
Trong lịch sử giải VĐQG Anh, chưa từng ghi nhận bất cứ một nhà vô địch nào ghi lắm bàn thắng đến thế. Tổng số bàn Chelsea nã vào lưới 19 đối thủ lên tới 3 con số, trong đó có 4 trận họ ghi trên 6 bàn, một thành tích đáng kinh ngạc. Nên nhớ, xét về độ "dễ dãi" của hàng thủ thì Premier League không thể bằng được La Liga vậy mà Chelsea lại tự hào sánh ngang, thậm chí có phần trội hơn với Barcelona hay Real Madrid. Họ đã liên tiếp phá kỷ lục của CLB về chiến thắng đậm nhất ở giải quốc nội. Đầu tiên là đánh bại Stoke 7-0 và ở vòng cuối là thắng lợi huỷ diệt tới 8-0 trước Wigan. Sau 47 năm, mới có một đội ghi được quá 100 bàn ở hạng đấu cao nhất của đảo quốc sương mù. Kỳ tích này được tạo dựng từ thực tế, The Blues luôn chơi tấn công từ đầu đến cuối, bất kể đang dẫn trước bao nhiêu bàn. Thêm nữa, khả năng tận dụng cơ hội của các cầu thủ áo xanh là cực tốt. Lấy ví dụ ngay trận thắng kỷ lục 8-0. Họ chỉ có 10 cú sút trúng đích nhưng 8 trong số đó đã chui vào mành lưới.
7. Diễn viên đóng thế hoàn hảo
Chelsea không phải là đội bóng có lực lượng dồi dào nhưng họ lại tìm ra được những người hùng "thế vai" xuất sắc. Dưới thời Hiddink hay Avram Grant, Branislav Ivanovic không hề nổi trội. Do hậu vệ phải số 1, Bosingwa bị chấn thương, cầu thủ người Serbia miễn cưỡng trám vào vị trí này do chẳng còn sự lựa chọn nào khác dù anh vốn xuất thân là một trung vệ. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, dần dà Ivanovic chơi ngày một tiến bộ và khẳng định chỗ đứng trong đội hình chính thức. Hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng ngự, Ivanovic còn cải thiện khả năng lên tham gia tấn công với những đường chuyền chính xác hơn. Nhờ thế, Ivanovic đã được liệt vào danh sách những hậu vệ phải hàng đầu nước Anh. Hay đơn cử như trường hợp của Deco. Không thể cạnh tranh được với Lampard ở vai trò "ông chủ giữa sân", tiền vệ này đành chấp nhận dạt sang cánh trong những lần được thi đấu và phần nào thể hiện được khả năng để chứng tỏ mình không phải là "người thừa" ở Stamford Bridge như chỉ trích của nhiều người kể từ ngày anh gia nhập Chelsea
8. "Người không phổi" Frank Lampard
Dấu ấn của Lampard luôn đậm nét trong những chiến thắng của Chelsea
Chelsea tự hào và may mắn vì sở hữu một trong những tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất châu Âu. Qua bao nhiêu năm trời, Lampard vẫn vậy, vẫn miệt mài đóng góp không ngơi nghỉ cho Chelsea với nguồn thể lực tưởng như vô tận. Lampard luôn là cầu thủ thi đấu nhiều trận nhất, chạy nhiều nhất và đóng vai trò lớn nhất trong lối chơi của đội bóng áo xanh, bất kể người ngồi trên chiếc ghế HLV là ai. Hoạt động ở cường độ cao, không cần nhiều thời gian nghỉ ngơi mà kỳ lạ thay, cỗ máy Lampard vẫn duy trì được hiệu quả. Mùa giải này được coi là thành công nhất trong sự nghiệp của Lampard ở Chelsea. Anh ghi được số bàn thắng cao nhất từ trước đến nay ở Premier League (22 bàn) và chỉ chịu đứng sau mỗi Didier Drogba trong khi không quên nhiệm vụ kiến tạo quen thuộc của mình với 17 đường chuyền thành bàn, cũng là một kỷ lục và không cầu thủ nào của Chelsea sánh nổi. Thật khó tưởng tượng Chelsea sẽ ra sao nếu không còn Lampard trong đội hình. Sẽ là một The Blues khác hẳn và chưa chắc đã ngon như bây giờ.
9. Thay đổi trong quy tắc vô địch Premier League
Trước kia, luôn tồn tại một quy tắc "bất di bất dịch" ở giải Ngoại hạng: đội bóng nào muốn vô địch không được phép thua đến 6 trận. Thế nhưng năm nay, quy tắc đó không còn đúng nữa. Chelsea thua đúng 6 trận mà vẫn đường hoàng lên ngôi. Tại sao ư? Rất đơn giản, những đối thủ của họ còn thua nhiều hơn thế. MU 7 lần nhận thất bại còn con số này của Arsenal là 9 trong khi Liverpool tệ hơn nhiều: 11 trận. Đã từ rất lâu rồi người ta mới được chứng kiến cảnh các ông lớn thi nhau "rụng như sung" trước những đội nhỏ. Premier League đã trở nên cân bằng và hấp dẫn hơn, ít nhất là trong mùa giải vừa rồi.
10. Toàn thắng trong nhóm "bộ tứ".
Để thành công ở Premier League, yếu tố tiên quyết là phải có được thành tích tốt trong những cuộc đối đầu nội bộ giữa "tứ đại gia" (MU, Chelsea, Liverpool, Arsenal), không cần tốt nhất nhưng không thể kém nhất. Do vậy, nếu một đội bóng giành trọn vẹn 18/18 điểm trong 6 trận đấu quan trọng nhất này mà không đăng quang thì quả thực, đó sẽ là sự kiện lạ lùng nhất trong lịch sử Premier League. Rất may, điều đó đã không xảy ra và chiến tích đánh bại 3 đại gia "đồng cân đồng lạng" trong cả 2 lượt trận càng làm cho chiếc cúp của Chelsea thêm huy hoàng. Ấn tượng hơn, họ chỉ thủng lưới duy nhất một bàn trong những cuộc đối đầu này. Kể từ mùa giải 2003-2004 khi Arsenal lên ngôi với kỷ lục bất bại trong cả mùa, Chelsea là nhà vô địch thuyết phục nhất, xét trên nhiều phương diện.
Bảo Phương