14 tuổi, Giggs đã khăn gói quả mướp đến với lò đào tạo của Manchester United với tham vọng được trở thành một phần của đội bóng. Và giờ đây, khát khao trở thành một phần vĩ đại của đội bóng đang lớn hơn bao giờ hết.
David Moyes đã ra đi theo một kịch bản có thể nhìn thấy trước. M.U đã không đợi nốt 4 trận còn lại của mùa giải để thay tướng, mà lập tức trao cơ hội vào tay huyền thoại sống Ryan Giggs. Một quyết định tương đối khó hiểu và bất ngờ.
Tất nhiên, trên danh nghĩa Giggs mới chỉ là HLV tạm quyền, chờ đến khi BLĐ đội bóng kiếm được một tên tuổi lừng lẫy hơn. Nhưng những động thái gần đây cho thấy, tham vọng của Giggs không chỉ dừng lại ở của một kẻ thế mạng đơn thuần.
Hãy xâu chuỗi một số hành động của Ryan Giggs trong thời gian gần đây. Ai đã là người đứng ra "bảo kê" cho hành động bay đêm của các cầu thủ sau trận thua muối mặt trước Bayern Munich? Ai đã "tiêm" vào đầu các cầu thủ tư tưởng không chịu đá trong trận đấu cuối cùng của Moyes trước Everton? Người có đủ khả năng thao túng đám cầu thủ tại Old Trafford vào lúc này chỉ có thể là Ryan Giggs.
Càng ngày, giả thuyết về một cú đâm sau lưng David Moyes càng trở nên rõ ràng. Chính bài diễn văn cuối cùng của Moyes khi chia tay đội bóng đã nói lên điều đó. Ông không một lời nhắn nhủ, cảm ơn đến các cầu thủ. Dễ hiểu thôi, bởi họ đã bước về phe lật thuyền từ lâu rồi.
Ngay khi được đôn lên cương vị mới, Giggs đã có những động thái rõ ràng, quyết liệt. Thứ nhất, anh, giờ có thể gọi là "ông" được rồi, lập tức bổ nhiệm những người bạn cũ trong "Thế hệ 92" vào các vị trí huấn luyện như Nicky Butt, Paul Scholes. Hơn ai hết, Giggs hiểu giờ là lúc niềm tin là thứ cần phải được trục vớt đầu tiên. Mà chính những con người thuộc thế hệ vàng năm 92 đó là thích hợp hơn cả. Chỉ họ mới có thể thắp lại tình yêu và niềm tin nơi người hâm mộ một cách nhanh nhất.
Thứ hai, trong cuộc trả lời báo giới chính thức đầu tiên của mình, Giggs tuyên bố xây dựng lại lối chơi tấn công rực lửa vốn làm nên thương hiệu của Quỷ đỏ. Giggs đã quá tinh tường khi đánh thẳng vào nơi sâu thẳm nhất của người hâm mộ, những người đang mất hết niềm tin sau một mùa giải thất bại tràn trề.
Thử hỏi, một HLV tạm quyền có nhất thiết phải đi những nước cờ mang tính cách mạng như thế không? Nếu đơn thuần vì tương lai của đội bóng, Giggs có cần thiết phải ra mặt chống đối Moyes như vậy, thay vì tận tâm phò tá HLV theo cách của một cầu thủ tận chung vẫn làm?
Có người nói Ryan Giggs lên nắm quyền để tích lũy kinh nghiệm quản lý, sau đó trở thành người trợ lý đắc lực cho Louis van Gaal sau này. Tuy nhiên, ngay từ khi chưa về Old Trafford, chiến lược gia người Hà Lan đã nêu rõ tên người phó tướng mà ông muốn sát cánh là Roy Keane chứ không phải ai khác.
Về ký thuyết, bản lĩnh và sự quyết liệt của Keane sẽ giúp Van Gaal quản quân tốt hơn. Nhưng ông quên mất rằng Keane đã chửi rủa, chỉ trích Alex Ferguson thậm tệ ra sao kể từ khi không còn là thành viên đội bóng. Mà ở M.U, chống lại Sir Alex nghĩa là chống lại tất cả. Liệu Sir cùng BLĐ có chấp nhận nổi việc Keane trở lại trong vai trò của một cộm cán?
4 trận còn lại của mùa giải, M.U có đến 3/4 trận sân nhà. Các đối thủ cũng chỉ vào hạng làng nhàng như Norwich, Sunderland hay Hull. Sẽ chẳng phải một nhiệm vụ quá khó cho Giggs để kiếm vài trận thắng và thậm chí là khôi phục lại lối chơi tấn công như tất cả CĐV M.U chờ đợi. Nếu điều đó xảy ra, không ai biết Ryan Giggs sẽ còn tiến xa đến mức nào!
Theo Bongdaplus.vn