Qua bao năm, ông chủ Abramovich chắc đã quá hiểu tác hại từ việc nuông chiều những công thần trở thành kiêu binh của chính mình. Và ông cần một bàn tay sắt thay ông thể hiện ý chí thanh trừng.
1. Tháng 09/2007, khi Mourinho bị sa thải, tin tức ấy như một cú sốc lớn đối với những ai quan tâm tới bóng đá Anh. Đơn giản, NHM vốn luôn nghĩ với những gì Mou đã làm cho Chelsea, ông sẽ ở đó lâu dài như Alex Ferguson ở M.U hay Arsene Wenger tại Arsenal. Không ai nghĩ một tượng đài như Jose lại có thể bị đập đổ và thay bằng những bức tượng nào khác thiếu thuyết phục hơn. Song, ở Chelsea, cái nơi mà người ta gọi bằng cái tên chơi chữ “Roman empire” (Đế chế Roman), đập một tượng đài không khác gì việc ám sát Julius Caesar cả: đơn giản và gọn ghẽ.
Lúc Mourinho ra đi, đã có những tin đồn rằng chính đám học trò thân đã “chơi” ông thầy của mình. Và dù sau này, khi Mourinho đã ở Real đi nữa, những thông tin kiểu như Người đặc biệt vẫn liên lạc tin nhắn với cầu thủ cũ ở Chelsea được đưa ra đó đây cũng không thể xóa bỏ được ngờ vực về việc đã tồn tại một cuộc lật đổ Mourinho năm nào.
Sau Mourinho, Grant cùng Chelsea vào chung kết Champions League lần đầu tiên và thất bại (thua M.U sau loạt luân lưu). Tuy nhiên khó có thể đề cao tài năng của Grant bởi lối chơi của Chelsea không khác, triết lý bóng đá cũng không khác, nhân sự và phương pháp cũng không khác gì Chelsea dưới thời Mourinho cả.
Câu hỏi đặt ra là: Cầu thủ đá tốt hay là HLV tạm quyền đã làm hay hơn?
2. Villas-Boas đến Chelsea với kỳ vọng trên vai là đổi mới toàn diện đội bóng đó. Và cuộc cách mạng của Villas-Boas là bất thành. Lúc bấy giờ, HLV người Bồ Đào Nha đã bị ngờ vực là kẻ bất tài. Làm sao có thể thanh minh gì khi thành tích sờ sờ ra như thế. Nhưng sau 12 vòng ở Premiership mùa trước, Villas-Boas cũng có số trận thắng tương đương với sau 12 vòng Di Matteo dẫn dắt Chelsea mùa này: 7 trận thắng. Và thành tích của Chelsea dưới tay Villas-Boas ở vòng bảng Champions League cũng tốt hơn hẳn thành tích của Chelsea dưới thời Di Matteo tính tại thời điểm tương tự. Ít ai nhìn vào so sánh ấy. Họ chỉ thấy chức vô địch Champions League hồi tháng 5/2012 tại Munich mà thôi.
Tạm quyền thay Villas-Boas, Di Matteo dùng lại những công thần cũ đã bị người tiền nhiệm gạt bỏ trong cuộc cách mạng dang dở. Thành tích đến từ đó chăng? Theo cách Grant từng làm? Câu trả lời hơi khó nhưng khi Di Matteo được chính thức bổ nhiệm và ông bắt đầu cải cách CLB, các công thần bắt đầu trở lại với đường lối hành xử cũ rích của mình.
3. Qua bao năm, ông chủ Abramovich chắc đã quá hiểu tác hại từ việc nuông chiều những công thần trở thành kiêu binh của chính mình. Và ông cần một bàn tay sắt thay ông thể hiện ý chí thanh trừng. Nếu ông lại đưa một trợ lý của Di Matteo lên thay, hẳn sự việc quay lại guồng quay quen thuộc.
Nhưng Abramovich sành sỏi chọn ngay người mà cả Chelsea ghét bỏ để tình thế phải thay đổi. Và ông có ngay kết quả. Lampard, Ashley Cole rục rịch nói về hướng ra đi còn Terry ra sân mặc ngay áo mang số của Di Matteo. Đòn của ông chủ quả là cao thủ. Thay vì tỏ thái độ kiểu cũ, cựu binh Chelsea đã tỏ thái độ đúng như tâm trạng họ đang nghĩ. Vậy là hai năm rõ mười. Abramovich có thể bắt đầu mỉm cười nghĩ về Chelsea tương lai, dù rằng có thể vì nó, ông sẽ phải vứt mùa giải này đi.
Người ta vẫn tranh cãi trước khi Caesar chết ông đã nói gì? Theo sử liệu thì ông nói “Cả ngươi nữa sao, con của ta?” khi thấy Brutus lẫn trong đám nguyên lão ám sát ông. Còn Shakespares thì cho rằng ông nói “Cả ngươi nữa sao, Brutus?”. Còn ở Chelsea, khi HLV phải ra đi, nhất là Mourinho ngày nào, chưa một ai đặt ra một câu hỏi thôi “Cả người nữa sao, Terry?”.
Hà Quang Minh - Bongdaplus.vn