Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Điểm lại những gương mặt cập bến Chelsea dưới triều đại Roman Abramovich (P1)

Thứ Ba 02/07/2013 16:45(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Hôm nay (1/7) đánh dấu 10 năm ngày vị tỷ phú quyền uy người Nga chính thức tiếp quản Chelsea. Không thể phủ nhận công lao của Roman Abramovich đại đế khi đã biến Chelsea thành một thế lực mới tại Premier League chỉ sau một thời gian ngắn (đoạt tổng cộng 13 danh hiệu lớn nhỏ) và duy trì nó cho đến tận ngày này, dù rằng The Blues cũng đã mang lại cho ông rất nhiều. Ước tính, khối tài sản khổng lồ của Abramovich đã bị giảm đi hơn 1.5 tỷ bảng do đầu tư vào Chelsea, trong đó chủ yếu dùng để nâng cấp đội hình (mua sắm cầu thủ, HLV rồi trả lương thưởng,....). Tất nhiên không phải gương mặt được mua về cũng thể hiện thành công như kỳ vọng song rõ ràng nếu thiếu đi những đồng rúp Nga thì Chelsea làm gì có được ngày hôm nay. Nào hãy cùng đánh giá một cách sơ lược về 72 bản hợp đồng tính đến thời điểm này mà Roman Abramovich đã thực hiện ở đội bóng thành London

Mùa giải 2003-2004 (Tổng chi vào TTCN: 121 triệu bảng)

Glen Johnson (Từ West Ham, Phí: 6.3 triệu bảng): Đây chính là viên gạch đầu tiên của đế chế Abramovich ở Chelsea. Từng được xem là hậu vệ trẻ triển vọng nhất nước Anh nhưng có lẽ do gia nhập The Blues từ khi mới 18 tuổi, đặc biệt trong thời kỳ đội bóng mua sắm ồ ạt để mau chóng cải thiện chất lượng nên Johnson không có nhiều cơ hội khẳng định mình. Kết cục, sau 4 năm "làng nhàng", Johnson chuyển sang Portsmouth nhưng anh chỉ thực sự "nổi" khi đầu quân cho Liverpool. Hiện Johnson vẫn được coi là một trong những hậu vệ phải hay nhất Premier League.

Alexei Smertin (Bordeaux, 3.5): Người ta cho rằng chỉ vì Smertin mang quốc tịch Nga nên mới có cơ hội khoác lên người màu áo Xanh chứ vào thời điểm đó, Chelsea thừa sức đem về những tiền vệ chất lượng hơn thế. Quả thực, Smertin không chứng tỏ được gì nhiều và lặng lẽ ra đi vào năm 2006. Sau đó, Smertin còn quay lại nước Anh thi đấu cho Fulham, đội bóng láng giềng của Chelsea, trong năm cuối cùng của đời cầu thủ. Smertin giải nghệ năm 2008 ở tuổi 33 và hiện đang theo đuổi sự nghiệp chính trị tại quê nhà.

Geremi (Real Madrid, 7): Có lẽ không còn nhiều CĐV Chelsea nhớ đến cái tên này dù Mourinho luôn đánh giá rất cao nỗ lực, tinh thần của cựu hậu vệ người Cameroon (tuy nhiên ông lại chỉ coi Geremi là "dự bị hạng sang", phần nhiều do anh thiếu tố chất "sao lớn"). Geremi rất đa năng, có thể thi đấu được ở nhiều vị trí nhưng sở trường của anh là hậu vệ phải. Hầu như Geremi chỉ được ra sân khi đội bóng thiếu người hoặc tại những trận không quan trọng. Dù sao, 4 năm ở Chelsea cũng là quãng thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp của anh.

Juan Sebastian Veron (Manchester United, 15): Tiền vệ tài hoa người Argentina đã được cả thế giới biết đến khi toả sáng ở môi trường bóng đá đầy khắc nghiệt Serie A. Những tưởng nhờ cái gốc đó, Veron sẽ không mấy khó khăn bùng nổ tại đấu trường phóng khoáng hơn Premier League, nhất là khi những cầu thủ đến từ xứ Tango luôn sở hữu khả năng thích ứng cực tốt vào mọi giải đấu. Thế nhưng, rốt cục Veron đã trở thành nỗi thất vọng khôn nguôi ở Old Trafford, khiến Sir Alex Ferguson chẳng tiếc gì mà không bán lỗ (Man Utd đã phải chi ra gần 30 triệu bảng cho Lazio để có được Veron) tiền vệ này cho "đại địch thủ" Chelsea. Ban đầu, HLV Ranieri rất tự tin sẽ làm hồi sinh Veron, dựa trên vốn kiến thức về Serie A nhưng dần dần ông cảm thấy mình quá dại dột. Veron không bao giờ lấy lại được thời kỳ đỉnh cao, chủ yếu do anh không làm sao hoà nhập được vào giải Ngoại hạng. Bằng chứng: Veron vẫn chơi rất hay khi quay về Italia khoác áo Inter trong 2 mùa theo diện cho mượn và sau khi chia tay Chelsea trở lại quê hương khoác áo Estudiantes, anh mau chóng khẳng định được mình.

Joe Cole - Veron: Một thành công, một thất bại
Joe Cole - Veron: Một thành công, một thất bại

Damien Duff (Blackburn, 17): Không quá chói sáng nhưng Duff thực sự là cốt cán của Chelsea phiên bản Jose Mourinho vô địch Premier League 2 mùa liên tiếp dù anh được Ranieri đưa về. Tốc độ, khéo léo, tạt bóng tốt, Duff luôn hoàn thành nhiệm vụ bên hàng lang trái trong sơ đồ tấn công của The Blues (đóng góp 19 bàn thắng trên mọi giải đấu trong 3 mùa thi đấu ở Chelsea). Hiện Duff đang khoác áo Fulham (từ năm 2009).

Wayne Bridge (Southampton, 7): Từng toả sáng trong năm đầu tiên tại Chelsea nhưng Bridge mau chóng phải sắm vai dự bị sau khi Chelsea thực hiện vụ chuyển nhượng đình đám Ashley Cole từ Arsenal. Chính vì thế, sự nghiệp của Bridge chẳng có nhiều điều kiện phát triển để rồi mãi ở diện "thường thường bậc trung". Về sau, cái tên Bridge đã được hâm nóng trở lại ở đảo quốc sương mù nhờ scandal lẫy lừng: bồ yêu của anh đã "tòm tem" với John Terry ngay khi hai người vẫn còn sát cánh ở Chelsea, thậm chí rất thân thiết.

Adrian Mutu (Parma, 15.8): Tài năng của Mutu đã được bộc lộ trên đất Italia tuy nhiên tiền đạo người Rumani lại mắc quá nhiều tật xấu (rượu chè bê tha, chơi bời vô độ, thậm chí dính cả vào ma tuý). Do đó, bất chấp chơi tạm được trong năm đầu khoác áo Chelsea, Mutu vẫn bị đội bóng thẳng tay sa thải ngay khi được xác định dính vào cocaine vào tháng 9 năm 2004 (sau đó, Mutu nhận áo treo giò tới 7 tháng). Hiện cầu thủ 34 tuổi này đang tạm hài lòng với cuộc sống ở Ajaccio, một đội bóng hạng 2 Pháp.

Joe Cole (West Ham, 6.6): Có thể Cole chưa phải tên tuổi gì ghê gớm trong làng túc cầu giáo nhưng riêng với Chelsea, anh là tiền vệ công xuất sắc hàng đầu của triều đại Abramovich. Nhỏ con nhưng bù lại, Cole rất nhanh nhẹn, thông minh. Đến với Chelsea từ khi còn trẻ, Cole đã cống hiến toàn bộ những năm đẹp đẽ nhất của nghiệp "quần đùi áo số" cho đội bóng, được nếm trải biết bao cảm giác vinh quang mà anh luôn có phần đóng góp không nhỏ. Điều đáng tiếc nhất của Joe Cole ở Chelsea là anh không thể chạm được tay đến danh hiệu vô địch Champions League bởi khi đội bóng đăng quang ở giải đấu này, anh đã ra đi.

Hernan Crespo (Inter Milan, 16.8): Giống như trường hợp của người đồng hương Veron, Crespo gần như không thể thở được trong bầu không khí Premier League, khiến bản năng sát thủ hoạ hoằn lắm mới được thể hiện. Với một tiền đạo từng gây khiếp đảm cho nhiều hàng phòng ngự ở Italia thì con số 25 bàn qua hơn 71 trận ra sân tại Chelsea chẳng phải quá khiêm tốn.

Claude Makelele (Real Madrid, 16 triệu bảng): Cho đến giờ, The Blues vẫn chưa thể tìm ra tiền vệ đánh chặn nào hay hơn Makelele. Gia nhập đội bóng từ Real khi đã 30 tuổi, lại chơi ở vị trí đòi hỏi thể lực song cựu tiền vệ người Pháp vẫn toả sáng. Trong 5 mùa gắn bó với Chelsea, Makelele luôn là gương mặt "bất khả xâm phạm" ở tuyến giữa, là chỗ dựa tin cậy cho các đồng đội phía trên nhờ vào phong cách máu lửa, chiến đấu hết mình, không ngại va chạm. Rõ ràng, Makelele đáng giá hơn nhiều so với khoản tiền đã được bỏ ra.

Neil Sullivan (Tottenham, CNTD): Một thủ thành dự bị với vẻn vẹn vài lần được ra sân

Marco Ambrosio (Chievo, CNTD): Thêm một phương án dự phòng cho vị trí trấn giữ cầu môn. Có thời điểm khi thủ thành số 1 thời điểm đó, Carlo Cudicini dính chấn thương,  Ambrosio đã được bắt chính nhưng "số 2 thì cứ mãi là số 2" mà thôi.

Jurgen Macho (Sunderland, CNTD): Có vẻ Ranieri rất tích cực bổ sung thủ môn "miễn phí" cho Chelsea dù ai cũng biết cần gì phải "nuôi" lắm anh bắt gôn đến thế. Hệ quả: Macho không được thi đấu bất cứ trận nào ở đội 1 và ra đi sau đúng 1 mùa.

Scott Parker (Charlton, 10): Tiền vệ người Anh không phải thiếu tài năng nhưng Parker đến Chelsea không đúng thời điểm khi đội bóng "hưng phấn quá đà" trong việc tuyển mộ, dẫn đến đội hình phình to nên Parker làm sao cạnh tranh nổi một chỗ đứng ở tuyến giữa. Kể ra, có lúc, do cảm thấy tiếc Parker, Ranieri đã sử dụng anh nhưng lại không phân công đúng sở trường. Bởi thế, Parker khó tránh khỏi để lại nỗi thất vọng. Cần lưu ý rằng, sau khi rời khỏi Chelsea ngay ở mùa bóng sau, Parker đã dần dần chứng tỏ được mình ở Newcastle, West Ham và Tottenham.

Mùa giải 2004-2005 (Tổng chi vào TTCN: 102.2 triệu bảng)

Mateja Kezman (PSV Eindhoven, 5.5): Một HLV (Jose Mourinho) mới đến đồng nghĩa đội bóng sẽ phải trải qua cuộc cải tổ lực lượng dù rằng trước đó Ranieri đã tăng cường không ít.  Tiền đạo chính là vị trí mà "Người đặc biệt" chú trọng đầu tiên lúc tiếp quản Chelsea nên ông đã mang về Kezman, tay săn bàn khủng khiếp nhất giải VĐQG Hà Lan thời điểm đó (105 bàn sau có 122 trận, thậm chí có mùa số bàn của Kezman còn lớn hơn số trận). Thế nhưng, nào ai ngờ, sát thủ người Serbia lại đột nhiên trở nên "hiền lành" và run sợ trước cầu môn đối phương để rồi cuốn gói ra đi sau đúng một năm với gia tài chưa đầy chục bàn thắng, mặc cho anh được trao rất nhiều cơ hội.

Alex (Santos, 5.7): Tuy trên danh nghĩa, Alex gia nhập Chelsea từ năm 2004 nhưng do quy định ngặt nghèo về giấy phép lao động tại Anh, trung vệ người Brazil phải "lánh tạm" sang PSV Eindhoven (Hà Lan) vài mùa. Phải đến năm 2007, Alex mới đủ điều kiện thi đấu cho Chelsea nhưng cũng nhờ vậy, anh đã trưởng thành hơn để không khỏi bỡ ngỡ ở một CLB lớn. Dẫu không phải là sự lựa chọn hàng đầu cho hàng thủ bởi sự ổn định và chắc chắn của cặp Carvalho - Terry nhưng mỗi khi được sử dụng, Alex đều không phụ lại sự tin tưởng của nhà cầm quân người BĐN. Ngoài kỹ năng cần có của một trung vệ, Alex còn sở hữu những cú sút phạt lợi hại, mạnh như búa bổ. Đáng tiếc do không hợp nhãn Andre Villas-Boas, Alex đã bị đẩy sang PSG vào đầu năm 2012 và ở đây, anh vẫn chứng tỏ được mình dù tiếp tục phải sắm vai "dự bị chiến lược".

Tiago (Benfica, 10): Nhà cầm quân nào chẳng thích lôi kéo những cầu thủ đồng hương và Mourinho "thiên tài" cũng chẳng phải ngoại lệ. Bởi thế, Tiago Mendes mới có mặt ở Stamford Bridge. Thực ra, mùa giải trước đó, Tiago đã gây được ấn tượng cực mạnh ở đội bóng quê nhà Benfica. Tuy nhiên, sự đời thật nghiệt ngã. Bất chấp thể hiện không đến nỗi tồi (thi đấu 34/38 trận ở Premier League), thậm chí còn ghi được bàn thắng mang tính quyết định cho ngôi vô địch ở trận "chung kết" gặp Man Utd (Chelsea thắng chung cuộc 3-1), Tiago vẫn bị người thầy đáng kính loại bỏ không thương tiếc sau khi chiêu mộ thành công Michael Essien, một tiền vệ được đánh giá rất cao thời điểm đó.

Petr Cech (Rennes, 9): Claudio Ranieri mới là người phát hiện tài năng còn ẩn dật của Cech và mau chóng ký hợp đồng chuyển nhượng nhưng Chelsea đã đồng ý cho Cech ở lại đội bóng cũ thêm một mùa cho thật chín muồi. Nhờ vậy, Mourinho đã được tận hưởng toàn bộ trái ngọt của thương vụ thành công nhất mà nhà cầm quân người Italia thực hiện ở Chelsea. Từ chỗ chưa được nhiều người biết đến, Cech vụt sáng trở thành thủ môn xuất sắc bậc nhất Premier League, một huyền thoại "khung gỗ" đích thực trong lịch sử đội bóng thành London. Ngay cả khi gặp phải một chấn thương cực nặng ở vùng đầu, khiến anh phải nghỉ thi đấu gần nửa năm, Cech vẫn không hề đánh mất phong độ mà mau chóng tìm lại được cảm giác và giữ vững chắc vị trí "độc tôn" nơi cầu môn Chelsea. Ở độ tuổi 31, Cech chưa quá già với một người gác đền và chắc chắn, anh sẽ còn khoác áo Chelsea lâu dài.

Arjen Robben (PSV Eindhoven, 12): Phải rất vất vả, Chelsea mới giành được quyền sở hữu Robben trong sự tức tối của đại địch thủ Manchester United. Sở hữu tốc độ, lối dẫn bóng lắt léo không khác gì một vũ công Samba thứ thiệt cùng các đường chuyền "chuẩn không cần chỉnh", Robben hứa hẹn sẽ là "mũi tên bạc" của Chelsea nơi hàng lang cánh trái. Tuy nhiên, Robben thường xuyên gặp phải các vấn đề về mặt thể lực (làm anh phải mang cái biệt hiệu "Người thuỷ tinh") nên đóng góp của tiền vệ người Hà Lan cho Chelsea bị hạn chế khá nhiều. Vì thế, dù rất đau lòng, Chelsea vẫn phải chấm dứt mối tình với Robben sau 3 năm "mặn nồng". Về sau, Robben đã đôi lần được gặp lại đội bóng cũ mà nổi bật nhất là trận chung kết Champoins League 2011-2012. Chính Robben do bị áp lực tâm lý nặng nề, đã không thể đánh bại được Cech trên chấm 11m, một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại đau đớn của Bayern Munich ngay trên sân nhà Allianz Arena. Tuy nhiên, mùa vừa rồi, anh đã cùng "Hùm xám" xứ Bavaria bước lên đỉnh vinh quang ở đấu trường châu Âu, thậm chí còn giành "cú ăn ba" vĩ đại.

Paulo Ferreira (Porto, 13.2): Hậu vệ này là một trong những nhân tố chính của Porto phiên bản Mourinho từng liên tiếp vô địch UEFA Cup (nay là Europa League) và Champoins League trong 2 mùa. Do đó, chẳng có gì khó hiểu khi vừa nhận lời dẫn dắt Chelsea, Mourinho lập tức đưa về Ferreira. Tuy chẳng bao giờ thể hiện đúng phong độ đỉnh cao như hồi khoác áo Porto song Ferreira vẫn rất được ưu ái và vị thế của anh chỉ bị suy giảm sau sự ra đi của ông thầy thân thiết. Ấy vậy mà, Ferreira vẫn chấp nhận thân phận "hẩm hiu" (khi nào đội bóng cần mới được ra sân) để gắn bó với Chelsea cho đến tận cuối mùa giải vừa rồi (Ferreira chưa chính thức khẳng định sẽ giải nghệ hay đầu quân cho một CLB khác).

drogba chelsea
Drogba: Huyền thoại bất tử

Didier Drogba (Marseille, 24): Chắc chắn Drogba là bản hợp đồng thành công nhất Chelsea dưới vương triều Roman Abramovich. Trong gần một thập kỷ, "Voi rừng" người Bờ Biển Ngà luôn là lá cờ đầu của đội bóng, là hiện thân cho khát khao chinh phục những tầm cao mới. Mọi chiến công của Chelsea mà huy hoàng nhất hiển nhiên là chiếc cúp Champions League danh giá đều in đậm dấu giầy của Drogba. Bản thân anh cũng thâu tóm hàng loạt thành tích cá nhân vang dội, trong đó nổi bật là hai "Chiếc giày vàng Premier League" dành cho "Vua phá lưới" giải đấu. Khi Drogba quyết dứt áo ra đi, hàng triệu CĐV Chelsea đã phải đổ lệ. Chắc chắn di sản của anh ở đội bóng sẽ được lưu danh muôn thuở.

Ricardo Carvalho (Porto, 19.8): Thêm một cậu học trò cưng của Mourinho ở Porto. Thậm chí họ còn thân thiết tới mức, Carvalho đã từ bỏ Chelsea để hội ngộ Mou tại Real Madrid vào năm 2010 và khi "Người đặc biệt" chia tay Los Blancos, Carvalho cũng chẳng còn vương vấn gì mà không rời khỏi Real để đầu quân cho đại gia mới nổi AS Monaco. Sáu năm gắn bó với The Blues, Carvalho là đối tác ăn ý nhất của thủ quân John Terry ở hàng phòng ngự. Hậu vệ người BĐN đã bổ sung những gì Terry còn thiếu, biến họ trở thành cặp trung vệ hàng đầu đảo quốc sương mù và cho đến nay những Ivanovic, David Luiz hay Gary Cahill chưa thể thay thế hoàn toàn hình ảnh Carvalho ngày nào.

Jiri Jarosik (CSKA Moscow, 3): Một bản hợp đồng "trời ơi đất hỡi" của Mourinho (nhưng có nguồn tin khẳng định Jarosik do chủ tịch Roman Abramovich "gửi gắm" bởi tiền vệ này khoác áo CSKA Moscow, đội bóng Nga có mối liên hệ mật thiệt với ông chủ Chelsea). Bởi thế, đâu có gì khó hiểu khi Jarosik chỉ quen "đánh bóng băng ghế dự bị" nhưng Mourinho vẫn cố "nhồi nhét" Jarosik trong đội hình thi đấu để tiền vệ người CH Séc đủ điều kiện có tên trong thành phần nhà vô địch Premier League 2004-2005, mùa đầu tiên và cuối cùng của Jarosik ở Chelsea.

  • Bảo Phương - Xsbandinh.com

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X