(Bongda24h) - Ban lãnh đạo "Quỷ đỏ" thành Manchester được cho sẵn sàng cấp cho Moyes khoản ngân quỹ có thể lên tới 200 triệu bảng nhằm bổ sung lực lượng hướng đến giai đoạn vượt khó trước mắt và cả tương lai lâu dài. Đặt giả thuyết nhà cầm quân người Scotland thực sự nắm trong tay hàng đống tiền, đồng nghĩa đủ khả năng mang về Old Trafford những ngôi sao lớn thì đâu là gương mặt có thể cải thiện chất lượng đội hình và khả năng chiêu mộ thành công ra sao
1. Marco Reus (Dortmund, Cơ hội thành côn: 2/5)
Sau khi Mario Gotze đào tẩu sang Bayern Munich thì Reus nghiễm nhiên được xem là "ông chủ" nơi tuyến giữa đội bóng vùng Ruhr dù anh có thiên hướng đá lệch trái. Quả thực, từ đầu mùa giải 2013/2014 tới giờ, Reus thể hiện phong độ khá ổn (12 bàn thắng và 6 đường chuyền kiến tạo trên mọi đấu trường). Dortmund cũng không đạt đến tầm vóc đủ lớn để có thể giữ chân những cầu thủ xuất sắc nhất đội, thậm chí sau khi mất trắng Gotze và Lewandowski cho "đại kình địch" Bayern Munich (cả hai đều ra đi theo diện CNTD), hẳn họ đã đúc rút những kinh nghiệm sâu sác để nhận ra lúc nào là thời điểm cần phải bán hòng mang về lợi ích lớn nhất có thể. Song hiện Dortmund đang gặp nhiều khó khăn tại đấu trường Bundesliga thì không dễ gì họ chịu bán đi một chủ công như Reus nên Man Utd sẽ rất khó chiêu mộ tiền vệ 24 tuổi này trong tháng 1 nhưng đến cuối mùa thì tình hình sẽ khác.
2. Ander Herrera (Athletic Bilbao, 3/5)
Hồi mùa hè, Man Utd từng rất nỗ lực chiêu mộ Herrera nhưng cuối cùng đã rút lui do cảm thấy mức giá Bilbao "hét" là quá vô lý, vượt xa giá trị thực của tiền vệ sinh năm 1989 này (bằng tuổi Reus). Tuy nhiên, khi mà Marouane Fellaini trở thành nỗi thất vọng tràn trề (nếu Man Utd mua được Herrera thì có lẽ, cậu học trò cũ của Moyes chưa chắc đã được hiện diện ở Old Trafford), Tom Cleverley chưa đáp ứng được kỳ vọng thì Herrera lại được xem xét đến nhằm tìm ra người đá cặp phù hợp nhất với Carrick ở tuyến giữa. Điểm mạnh của tiền vệ người TBN là ngoài kỹ năng đơn thuần của một tiền vệ đánh chặn, thu hồi bóng tài năng thì anh còn khá xuất sắc trong vai trò hỗ trợ tấn công từ xa, qua đó có thể mang lại cho Man Utd một giải pháp đột biến cho mặt trận tấn công. Bên cạnh đó, Herrera còn đủ điều kiện thi đấu cho Man Utd ở đấu trường Champions League mùa này do chưa tham dự giải đấu này trong màu áo Bilbao. Được biết, các tuyển trạch viên của Man Utd lại xuất hiện ở xứ Basque để đánh giá lại kỹ càng năng lực của Herrera cũng như đánh giá cơ hội mua.
3. Cesc Fabregas (Barcelona, 1/5)
Thực ra, việc Man Utd hâm mộ cựu thủ quân Arsenal đã được biết đến từ lâu và nếu có cơ hội sở hữu F4, chắc chắn đội bóng sắp bị phế truất khỏi ngôi vị số 1 nước Anh không đời nào bởi đơn giản, xét một cách toàn diện, Man Utd chẳng thể tìm đâu ra một nhạc trưởng xuất sắc và phù hợp hơn thế. Tuy nhiên, vào lúc này, Man Utd vẫn chỉ dám mơ mộng Fabregas mà thôi vì mùa này, tiền vệ người TBN đang là quân bài chiến lược trong chiến thuật của HLV Tata Martino và anh cũng trình diễn hết sức ấn tượng. Barca vốn dĩ cũng không thiếu thốn tiền bạc đến mức phải bán đi những viên ngọc quý của mình, nhất là khi Fabregas còn được dán mác La Masia. Ngay cả Xavi, Iniesta, những tiền vệ sắp hết thời mà họ còn vui vẻ giữ lại huống chi một Fabregas vẫn đang trong thời kỳ sung mãn nhất của sự nghiệp cầu thủ. Bởi thế, trừ phi chấp nhận phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng mà Gareth Bale đang nắm giữ thì may ra, Man Utd mới chạm tới được Fabregas.
4. Diego Costa (Atletico Madrid, 1/5)
Có lẽ khỏi cần phải bàn nhiều về độ hot của chân sút người TBN gốc Brazil trên TTCN châu Âu sau khi Costa đạt hiệu suất kinh hoàng trong sắc áo Atletico Madrid (19 bàn từ đầu mùa), một thành tích nằm ngoài dự đoán của tất cả bởi mùa trước, Costa vẫn chỉ được xem là một gương mặt giàu tiềm năng (dù anh đã 25 tuỏi). Khác với trường hợp Fabregas, Atletico chẳng bao giờ ngại ngần chia tay những cầu thủ quan trọng nhất đội, miễn nhận được khoản đền bù tương xứng mà Radamel Falcao là minh chứng gần đây nhất. Nhưng cái khó của Man Utd nằm ở chỗ, kể cả chịu chi rất nhiều tiền, chưa chắc họ đã mua nổi Costa trước sự cạnh tranh của hàng loạt "gã nhà giàu" tại lục địa già từ "anh em đồng hương" Chelsea, Man City cho đến PSG tại Ligue 1 hay cả Real, Barca tại La Liga. Ngoài ra, trong bối cảnh, Man Utd đã sở hữu hai tiền đạo thương hạng Rooney - Van Persie thì việc đầu tư mạnh vào một tay săn bàn e rằng hơi phí phạm khi mà còn nhiều vị trí khác cần bổ sung.
5. Luke Shaw (Southampton, 2/5)
Ngay từ khi lên nắm quyền, Moyes đã xác định cần phải tăng cường một hậu vệ trái mới nhưng đáng tiếc, ông chẳng thể lôi kéo thành công cậu học trò cũ Leighton Baines. Giờ đây, khi Patrice Evra ngày một suy giảm phong độ do gánh nặng tuổi tác còn trình độ của Buttner chỉ trên mức trung bình thì Moyes càng phải ráo riết triển khai kế hoạch của mình và cái tên Luke Shaw đã được nhắc đến. Mới 18 tuổi (sinh năm 1995) nhưng hiện Shaw đã được liệt vào nhóm những hậu vệ trái hay nhất Premier League, thậm chí xét về phong độ và sự ổn định từ đầu mùa, Shaw có phần còn trội hơn hai "đàn anh" Ashley Cole và Baines, những người vẫn được xem là hàng đầu Premier League. Quả thật, đầu tư vào Shaw rõ ràng sáng suốt hơn nhiều so với ném tiền vào Baines, một cầu thủ đã 29 tuổi. Nhưng mới đây, tài năng trẻ này đã khẳng định muốn ở lại Southampton cho đến hết mùa bóng 2013/2014 vì cảm thấy chưa đủ trưởng thành và chín muồi để tiếp nhận một thử thách mới trong sự nghiệp mới nhú. Bởi thế, kể cả thuyết phục được Southampton thì Man Utd cũng cần phải vẽ ra cho Shaw một tương lai xán lạn ở Old Trafford bằng không sẽ rất khó nhận được cái gật đầu của anh chàng này.
6. Ilkay Gundogan (Dortmund, 1/5)
Nếu đặt Gundogan và Herrera lên bàn cân (cả hai đều thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm mang thiên hướng phòng ngự và Gundogan trẻ hơn 1 tuổi) thì có vẻ cầu thủ người Đức gốc Thổ "nặng ký" hơn bởi tên tuổi của anh đã vươn ra tầm châu lục chứ không phải vẫn chỉ bó hẹp ở phạm vi xứ bò tót như Herrera (đừng quên Gundogan đã là tuyển thủ quốc gia còn Herrera vẫn chỉ khoác áo đội U23). Tuy nhiên, mua Gundogan vào lúc này e rằng quá mạo hiểm và không thể là giải pháp bổ sung khẩn cấp thích hợp vì Gundogan vẫn đang điều trị chấn thương lưng gặp phải từ cuối tháng 8. Chẳng ai rõ, Gundogan có thể lấy lại phong độ đinh cao trong thời gian ngắn sau khi bình phục. Thà cứ kiên nhẫn như truờng hợp của Van Nistelrooy (Man Utd từng hoãn việc chiêu mộ sát thủ người Hà Lan khi Nistelrooy dính chấn thương đầu gối và đến lúc, Nistelrooy hoàn toàn khoẻ mạnh cũng như tìm lại cảm giác ghi bàn, họ mới ra tay) thì hơn.
7. Steven Defour (Porto, 3/5)
Nếu cảm thấy Herrera quá đắt đỏ thì phải chăng Moyes nên cân nhắc Defour, một món hàng cũng "ngon - bổ" không kém nhưng lại rẻ hơn nhiều. Thực ra từ hồi Sir Alex còn dẫn dắt, chàng tiền vệ đồng hương với Fellaini đã được đề cập tới như là một sự bổ sung sáng giá cho tuyến giữa nhưng rốt cục, Man Utd chỉ dừng lại ở việc "săm soi" mà thôi. Song thời điểm này, khi Man Utd đang khát một tiền vệ giữa thì Defour rõ ràng là một ứng cử viên sáng giá. Cầu thủ 25 tuổi này đang là thủ lĩnh tuyến giữa Porto và có trên 40 lần khoác áo ĐTQG Bỉ. Với chừng đó kinh nghiệm thì Defour có thể thích ứng nhanh với môi trường mới. Ngoài ra, biết đâu đấy nhờ Defour mà Fellaini có thể "hồi sinh" bởi cả hai cùng đang cống hiến cho "Quỷ đỏ" (biệt danh của ĐTQG Bỉ).
8. Koke (Atletico Madrid, 3/5)
Cùng với Diego Costa, Koke đang là ngôi sao của Atletico Madrid thu hút được sự quan tâm. Giống như Costa, Koke đột ngột nổi lên như diều trong mùa giải này và có thể giải quyết được khâu tổ chức lối chơi, kiến tạo cơ hội mà Man Utd đang gặp phải. Đến nay, Koke đã có tới 9 đường chuyền thành bàn tại La Liga (chỉ kém duy nhất Fabregas với 10 pha kiến tạo) cộng thêm 4 bàn thắng. Man Utd sẽ không vấp phải quá nhiều sự cạnh tranh từ các ông lớn bởi đa phần không thiếu tiền vệ công. Vấn đề chỉ là họ dám chấp nhận chi ra bao nhiêu cho Koke mà thôi.
Bảo Phương - Xsbandinh.com