Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Đi không được, ở không xong
Vụ chuyển nhượng kéo dài nhất mùa hè này là Frenkie de Jong dù mức giá của anh đã được chốt. Cầu thủ người Hà Lan đang mắc kẹt với tương lai của mình, khi Barcelona gặp khó khăn tài chính và muốn đẩy đi, trong khi bến đỗ tiềm năng Man United dường như không phải một địa điểm an toàn và ổn định. Chưa hết, bản thân quyết định ở lại của de Jong cũng khó, bởi Barca muốn đẩy anh đi bằng được vì tình hình tài chính.
Điều này khiến không chỉ các bên tham gia sốt ruột, mà BLV Gary Neville cũng không giữ được bình tĩnh. Cựu danh thủ Man United khuyên de Jong nên kiện CLB của mình ra toàn. Ông cho biết: “Thật khó hiểu vì một đội bóng dùng tiền mua cầu thủ mới nhưng lại không trả lương cho người đang còn hợp đồng. Đó là hành động trái đạo đức và phạm luật. Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới nên có biện pháp ngăn chặn điều này ngay lập tức”.
Tất nhiên, đó là vấn đề nội bộ của riêng Frenkie de Jong và Barcelona, bởi chẳng có gì đảm bảo anh sẽ ra đi khi nhận được khoản tiền mình xứng đáng được hưởng sau 2 năm dịch bệnh. Chỉ biết, đó là khúc mắc lớn nhất để Man United gỡ nút thắt trong thương vụ này.
Frenkie De Jong đang mắc kẹt tại Barcelona |
Nhưng ngay cả khi cầu thủ này bày tỏ ý định ở lại đơn thuần vì chuyên môn, thì anh cũng khó yên ổn với những phát ngôn mới đây của HLV và Chủ tịch. Xavi Hernandez xếp de Jong đá trung vệ trong 2 trận đấu đã qua, trong khi Joan Laporta liên tục khẳng định đã nhận được nhiều lời đề nghị hỏi mua và có những vấn đề tài chính trong CLB.
Việc kích hoạt 3 đòn bẩy kinh tế trong thời gian qua đem về cho Barcelona khoản tiền dư dả để tiêu trên TTCN, nhưng điều đó đến từ chính doanh thu trong tương lai CLB. Về lâu về dài, giới hạn quỹ lương và đẩy đi những cầu thủ không còn quan trọng là biện pháp duy nhất để đội chủ sân Camp Nou kiểm soát tình hình. Nói cách khác, Frenkie de Jong phải đi, và Barcelona muốn bán cầu thủ này thậm chí còn nhiều hơn Man United muốn mua.
De Jong có xứng đáng để MU phải chờ
De Jong cũng phải đi, vì chính tương lai của cầu thủ này, trong bối cảnh VCK World Cup chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến. Tất nhiên chỉ trừ trường hợp chấn thương, tiền vệ sinh năm 1997 vẫn sẽ là hạt nhân của ĐT Hà Lan, nhưng rõ ràng HLV Louis Van Gaal sẽ rất đau đầu nếu hạt nhân của mình phải ngồi dự bị, hoặc làm quen với vị trí trung vệ - điều anh đang phải trải qua tại CLB chủ quản.
Trong trường hợp ở lại Camp Nou, đây là những gì De Jong phải đối mặt. Ở vị trí trung vệ, Barca đang có 6 cầu thủ cạnh tranh 2-3 vị trí là Araujo, Christensen, Mingueza, Pique, Umtiti. Chưa kể, họ đang tiến gần tới Jules Kounde và Cesar Azpilicueta. Ngoài ra, Clement Lenglet dù đã ra đi nhưng hoàn toàn có thể trở về vào mùa giải năm sau (nếu de Jong còn ở lại tới khi đó). Trong số này, có thể xem như Araujo, Kounde, Pique chắc suất cho 2-3 vị trí chính thức.
Nơi tuyến giữa, số lượng nhân sự của Barca ít hơn – cụ thể là 5 người gồm Busquets, Pedri, Gavi, Kessie và Sergi Roberto; nếu không tính Riqui Puig và Nico Gonzalez. Chỗ của Frenkie de Jong sẽ là ở đây, phù hợp với sở trường và có nhiều đất diễn, nhưng Xavi lại xếp cầu thủ này vào nơi đông đúc là hàng thủ. Điều đó là bất hợp lý. Hay nói cách khác, Xavi đang tung chiêu đẩy cầu thủ này rời Barca càng sớm càng tốt.
Không ai để một tiền vệ được định giá 85 triệu euro đá trung vệ, nơi vốn dĩ đã thừa mứa nhân sự. Vì vậy, chỗ của de Jong hoặc là ghế dự bị, hoặc là một đội bóng khác.
Xavi ép Frenkie de Jong đá trung vệ |
Tại Man United, nơi HLV Erik ten Hag đang dẫn dắt, Frenkie de Jong sẽ được xem như hạt nhân quan trọng nhất. Anh cũng sẽ chắc suất nơi tuyến giữa với những Fred, McTominay cùng một vài cầu thủ trẻ. De Jong thậm chí được đá cặp với Lisandro Martinez, cũng là một cầu thủ chuyển đến từ Ajax và hiểu rõ triết lý ten Hag.
Với chiến lược gia này, de Jong quan trọng đến nỗi ông không cần bất kỳ phương án dự phòng nào và sẵn sàng sử dụng những cầu thủ sẵn có trong trường hợp thương vụ thất bại. Giống như ở triều đại của Jose Mourinho, Người đặc biệt cũng theo đuổi Paul Pogba suốt mùa hè để rồi kết thúc mùa giải đầu tiên với 3 danh hiệu.
Điều duy nhất khiến cầu thủ này lăn tăn, đó là MU không giành được vé dự C1 mùa tới. Tương lai của CLB cũng bất ổn, khiến ngôi sao lớn nhất Cristiano Ronaldo làm mình làm mẩy đòi ra đi. Không ai dám khẳng định trong 2-3 năm tới, Man United liệu đã trở lại nhóm cạnh tranh và là nơi ổn định hơn Barcelona – CLB chủ quản của Frenkie de Jong.
Nhưng đó là một câu hỏi với mệnh đề nhân – quả. MU phải có de Jong để trở lại nhóm dẫn đầu, và đang làm những gì có thể để chờ cầu thủ này cho tới khi phiên chợ hè khép lại. De Jong cũng cần một bến đỗ ổn định, ít nhất là nơi anh được thi đấu vị trí đúng sở trường, với một HLV thực sự hiểu mình và được nhận lương hàng tuần. Chỉ có điều, mọi thứ vẫn cần phải chờ.