Dưới triều đại Arsene Wenger, đã có những thời điểm Arsenal được coi là đội bóng nước ngoài vì trong đội hình của họ rất hiếm cầu thủ mang quốc tịch Anh. Chính vì điều này chiến lược gia người Pháp từng bị chỉ trích rất nhiều khi báo chí và giới truyền thông gọi ông là người làm tụt hậu bóng đá Anh. Thế nhưng điều đó đang được dần thay đổi, ít nhất là cho đến lúc này.
Ngày 12/10/1996, Arsenal hành quân đến Ewood Park trong cuộc đối đầu với Blackburn Rovers tại giải NHA- một trận cầu hứa hẹn nhiều thắng lợi với các Pháo thủ. Đây cũng là trận đấu đầu tiên của Arsene Wenger trên cương vị HLV trưởng Arsenal. Đội hình ra sân của ông ngày thứ 7 năm đó gồm 9 cầu thủ Anh, một cầu thủ xứ Wales và một người Pháp. Cả 5 cầu thủ trên băng ghế dự bị đều mang quốc tịch Anh. Và tiền đạo người Anh, Ian Wright đã lập một cú đúp để đem về chiến thắng đầu tiên với tỉ số 2-0 cho truyền đại của Wenger.
HLV Wenger đã thay đổi suy nghĩ và dần đặt niềm tin vào những cầu thủ bản địa
Quay nhanh thời gian đến giờ nghỉ trưa ngày Chủ nhật, ngày 12/8/2007, Arsene Wenger vẫn tiếp tục nhiệm kỳ của mình (trở thành HLV có quãng thời gian tại vị lâu thứ 2 tại NHA, chỉ sau Sir Alex khi đó), và Arsenal đang chuẩn bị cho trận đấu mở màn của mình tại mùa giải 2007-2008. Có một điều bất ngờ rằng 11 cầu thủ ra sân ngày hôm ấy không hề có một đại diện nào đến từ nước Anh, nhân vật duy nhất mang quốc tịch Anh chính là Theo Walcott, nhưng anh chỉ ngồi trên băng ghế dự bị. Mọi chuyện đã diễn biến như thế nào ? Chả lẽ một trong những CLB xuất sắc nhất nước Anh lại không đủ chỗ cho những tài năng bản xứ xuất hiện trong đội hình chính?
Sự thật là đã có những khoảng thời gian dài HLV Wenger chỉ thích sử dụng những cầu thủ ngoại quốc, đặc biệt là cầu thủ Pháp. Fabregas- cựu đội trưởng Arsenal từng thổ lộ sau khi chuyển đến Barca rằng quãng thời gian ở Arsenal anh đã gặp rất nhiều khó khăn về giao tiếp. Bởi lẽ anh có thể thành thạo tiếng Anh nhưng lại không thể thành công với môn tiếng Pháp, yêu cầu bắt buộc với bất cứ ngôi sao nào ở Emirates. Những người Pháp và người gốc Phi ở Arsenal rất ít khi nói chuyện bằng tiếng Anh. Do không thành thạo tiếng Pháp, đã có lúc Cesc cảm thấy mình cô độc. Thậm chí anh có thể còn trở thành đề tài của những câu chuyện phiếm ở Arsenal.
Thời kỳ Fabregas làm đội trưởng của Arsenal cũng đánh dấu một The Gunners với lối chơi kỹ thuật, hào nhoáng và đầy cảm xúc. Thế nhưng “những đứa trẻ của Wenger” khi đó lại luôn tỏ ra thiếu bản lĩnh trong thời khắc quyết định, thời khắc mà chỉ có những đội bóng kinh nghiệm như Manchester Untied, Chelsea mới có thể làm nên chuyện. Nhiều chuyên gia phân tích rằng Arsenal đã thiếu đi một thủ lĩnh bản địa thực sự, những người dành tình yêu và hiểu truyền thống CLB, đồng thời luôn biết cách truyền lửa vào lối chơi cũng như vực dậy sức chiến đấu của toàn đội. Man United có Rio Ferdinand và Rooney, Chelsea có Terry và Lampard, Liverpool có Gerrard và Carragher. Còn Arsenal từ sau khi những Tony Adams và Sol Campbell rời đội bóng họ thiếu đi một thủ lĩnh người bản địa thực sự. Tương lai của người Anh là ở nước Anh nên nếu một cầu thủ Anh dành tình yêu với đội bóng của mình thì họ sẽ luôn chiến đấu cho đến năm tháng cuối cùng của sự nghiệp. Patrick Vieira và Thierry Henry cũng từng là thủ lĩnh của Arsenal thế nhưng đều không phải người bản địa nên việc có một ngày họ chuyển đi có thể được dự báo trước. Đâu có phải cầu thủ nào của Arsenal cũng giống được như Dennis Bergkamp.
Arsene Wenger từng hi vọng vào chính sách trẻ hóa với những cầu thủ được đưa về khi còn rất trẻ. Nhưng ông không nghĩ rằng với những thiếu niên 16,17 tuổi sẵn sàng bỏ quê hương, thậm chí ngay cả ở những nơi có sẵn lò đào tạo như Barcelona để tiến thân ra nước ngoài thì làm cách nào Wenger có thể chắc chắn họ sẽ trung thành và chiến đấu hết mình với ông, với CLB hoặc điều gì khác? Ông tin rằng tình yêu của họ với bóng đá sẽ gắn kết họ với nhau khi họ trưởng thành nhưng cũng quên rằng có rất ít người có thể yêu bóng đá từ sâu thẳm tâm can.
Cuộc tháo chạy hàng loạt sau khi mùa giải 2010-2011 đã như một đòn giáng mạnh vào niềm tin của Arsene Wenger, nhưng nó cũng khiến ông nhận ra được nhiều điều rằng Arsenal vẫn cần một thủ lĩnh người bản địa thực sự. Ông cũng bắt đầu quan tâm hơn đến chất Anh trong đội hình. Từ việc đưa về Chamberlain rồi cho đến Carl Jenkinson- một fan Arsenal từ nhỏ, trao cơ hội nhiều hơn cho những Theo Walcott,Ramsey, Jack Wilshere, Kieran Gibbs.
Sau 2 năm thực hiện nhiều cuộc cách mạng về nhân sự, giờ đây ông đang bắt đầu hưởng “trái ngọt” từ chính giá trị niềm tin. Ngoại trừ Jenkinson còn chưa đóng góp nhiều thì đa phần các cầu thủ bản địa còn lại đều đang có vị trí khá vững chắc trong đội hình. Ramsey đang bay cao với phong độ tuyệt vời của mình, Wilshere cho thấy anh xứng đáng là thủ lĩnh của Arsenal và “Tam sư” trong tương lai. Kieran Gibbs ngày càng thi đấu chững chạc hơn. Walcott và Chamberlain dù đang chấn thương nhưng khi trở lại vị trí của họ trong đội hình là rất quan trọng.
Những người Pháp như Sagna, Koscielny, Giroud, Flamini vẫn rất quan trọng thế nhưng Arsenal giờ đây là sự tổng hòa chứ không phải là “độc quyền” nữa. Mertesacker, Podolski và Ozil đã mang tinh thần Đức đến, còn ở Cazorla và Monreal là chất kỹ thuật của người Tây Ban Nha. Sự cân bằng giữa các cầu thủ là điều có thể dễ dàng nhận thấy. Với đội hình hiện có trong tay, các Gooners luôn hi vọng Arsenal sẽ làm nên một điều thần kỳ trong mùa giải đầy rẫy sự thay đổi đến từ những đối thủ của mình.
(Theo Bongda)