Huấn luyện viên Andre Villas-Boas của Tottenham cho rằng Arsenal đã và đang xoắn ốc đi xuống. Những cổ động viên của Arsenal buộc phải thừa nhận thực tế này và hiểu rằng câu lạc bộ đã bị dồn vào chân tường, không thể không thay đổi. Một số người đã nghĩ đến sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện.
Sự kiên nhẫn đã tới hạn
Có một băng-rôn thường xuyên xuất hiện trên khán đài trong các trận đấu của Arsenal mùa này. Băng-rôn ấy ghi dòng chữ: "Arsene, cảm ơn vì những kỷ niệm. Nhưng đã đến lúc nói lời chia tay". Vì dòng chữ ấy, đụng độ đã xảy ra trong một trận đấu của đội bóng trên sân khách, giữa những người ủng hộ và chống đối Arsene Wenger.
Trước hết, cần phải hiểu rằng, những cổ động viên theo chân đội bóng khi đá sân khách là những người trung thành nhất. Họ chấp nhận tốn tiền bạc, thời gian để sát cánh cùng đội bóng mà mình yêu quý. Trong bóng đá, sự trung thành chỉ dành cho câu lạc bộ mà thôi. Chỉ có tình yêu dành cho đội bóng là bất diệt. Cầu thủ đến và đi như cơn gió thoảng. Hôm nay là “người hùng”. Nhưng ngày mai có thể là “kẻ thù”. Tương tự với huấn luyện viên, dù có vĩ đại đến đâu. Nhưng đội bóng vẫn ở đó, để mang lại niềm vui, khiến họ đau buồn hàng tuần, hàng tháng, hàng năm.
Không thể trách những cổ động viên đã giương cao tấm băng-rôn in dòng chữ đầy tranh cãi ấy. Họ được phép không thỏa mãn với những gì Wenger đang làm ở Arsenal. Có thể chiến lược gia người Pháp đã mang đến những thành công rực rỡ trong quá khứ, với ba chức vô địch Premier League, trong đó có mùa giải huyền thoại 2003-04. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng những gì ông đang làm là đúng đắn.
Premier League mùa này, Arsenal đang đứng thứ năm trên bảng xếp hạng sau 28 vòng, kém đội đầu bảng Manchester United đến 24 điểm. Khoảng cách giữa M.U và Arsenal còn lớn hơn khoảng cách giữa họ và tốp cầm đèn đỏ (23 điểm). Điều tệ hại hơn, sau thất bại trước Tottenham của Villas-Boas ở derby London, Arsenal hiện kém kình địch này đến bảy điểm. Trong suốt 18 năm qua, Arsenal chưa bao giờ kết thúc mùa giải với vị trí đứng dưới Tottenham.
Vấn đề đáng nói là kết cục này đã được dự báo từ trước. Tottenham ngày càng tiến bộ hơn và tiến bước vững chắc hơn. Ngược lại, như lời nhận định của Villas-Boas, Arsenal xuống dần đều. Đáng nói hơn, tiềm lực tài chính và mức độ chi tiêu của Tottenham luôn kém Arsenal. Vậy rõ ràng, Arsenal sa sút không chỉ vì chính sách chi tiêu, sức mạnh tài chính. Những cổ động viên mang tấm băng-rôn trên, hay hàng nghìn người nhiều lần la ó, huýt sáo trước màn trình diễn tệ hai của đội bóng có quyền nghi ngờ tài năng của Wenger, nghi ngờ ông không còn thích hợp dẫn dắt Arsenal.
Một so sánh: Liệu ở mùa giải này, Wenger có xuất sắc hơn Ferguson của M.U, Villas-Boas của Tottenham, David Moyes của Everton hay Michael Laudrup của Swansea? Có lẽ không.
Tóm lại, những lời kêu gọi từ khán đài không phải không có lý. Cổ động viên được quyền bực mình, tức giận khi Arsenal trắng tay suốt tám năm qua. Người đời thường liên tưởng đến trường hợp của Alex Ferguosn. Nhưng thực tế, quãng thời gian trắng tay lâu nhất của M.U cũng chỉ bốn năm mà thôi (đoạt Cúp FA năm 1990, khi đội bóng đi lên từ đống tro tàn đúng nghĩa). Còn Arsenal của Wenger? Họ từng là đối trọng của M.U. Thế mà giờ đây, M.U không còn xem họ là đối thủ. Thậm chí, nếu không có sự chuyển biến rõ rệt, Arsenal tốt nhất hãy làm quen với việc không được xem là đối thủ của Totetnham trong vài năm tới.
Wenger phải ra đi?
Thứ nhất, nếu Arsenal không thể lọt vào tốp bốn và giành vé dự Champions League, Wenger phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất. Trước đây, người ta tin rằng không ai có thể làm tốt hơn Wenger ở Arsenal. Bây giờ thì khác, xuất hiện hàng loạt huấn luyện viên trẻ, giàu khát khao và tài năng.
Thứ hai, chừng nào Wenger còn ở Emirates, chừng đó ban lãnh đạo Arsenal sẽ không thay đổi quan điểm, chính sách xây dựng đội bóng của mình. Họ sẽ lại tiếp tục bán những ngôi sao lớn nhất, với niềm tin rằng Wenger có thể biến những tài năng trẻ, những cầu thủ có giá thấp thành những ngôi sao hàng đầu thế giới.
Nhưng nếu Wenger ra đi, ban lãnh đạo Arsenal có thể phải thay đổi toàn diện. Họ sẽ không thể tiếp tục chính sách "bán máu", vì nó có thể ảnh hưởng đến thành tích trên sân cỏ, như không thể dự Champions League chẳng hạn. Thay vào đó, khi không còn người tạo ra ngôi sao, Arsenal buộc phải mua ngôi sao.
Thứ ba, thời gian gần đây rộ lên tin đồn giới tỷ phú Ả-rập đang muốn mua lại Arsenal, biến đội bóng trở nên siêu giàu có, hơn cả Manchester City và Paris Saint-Germain. Nếu điều này trở thành hiện thực, Arsenal sẽ chứng kiến cuộc thay đổi lớn nhất trong lịch sử câu lạc bộ.
Một điều đáng quan tâm: Liệu giới chủ Ả-rập có tiếp tục tin dùng Arsene Wenger. Một nguồn tin nội bộ cho biết: "Arsenal từng là nhà vô địch. Nhưng bây giờ, họ không còn là đội bóng lớn và có dấu hiệu đi theo vết xe của Liverpool. Muốn thành công, họ phải thay đổi. Trên thế giới, không có huấn luyện viên nào có thể tại vị sau tám năm trắng tay, kể cả Sir Alex Ferguson".
Nếu Arsenal "bỗng dưng giàu có", Wenger có thể không còn thích hợp với chính sách và tham vọng của đội bóng. Từ trước đến nay, ông chỉ quen đưa về những cầu thủ có giá trị thấp, chưa có ai có giá 20 triệu bảng. Bây giờ bảo Wenger dùng 80 triệu bảng mua một cầu thủ như Cristiano Ronaldo thì có vẻ không thích hợp.
Arsenal sẽ không thay đổi chừng nào Wenger còn ở Emirates. Mà không thay đổi thì chỉ có đường xoắn ốc đi xuống.
Chọn lựa đi Arsenal!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)