Từ giờ đến cuối mùa, huyền thoại người xứ Wales Ryan Giggs sẽ tạm thời dẫn dắt đội bóng và đội ngũ cộng sự của anh bao gồm toàn những đồng đội thân thiết đã sát cánh bên nhau nhiều năm như Phil Neville (trợ lý cũ của David Moyes), Nicky Butt (HLV đội trẻ Man Utd) và Paul Scholes, tiền vệ vừa giải nghệ lần hai cách đây 1 năm. Tuy nhiên, mùa tới, chưa cần biết ai sẽ là tân thuyền trưởng của Man Utd thì phải chăng đội bóng nên cân nhắc chuyện thuyết phục Roy Keane, một cái tên khác cùng thời với Giggs, quay lại nắm giữ một cương vị nào đó trong thành phần ban huấn luyện bởi đơn giản, Keane dày dạn kinh nghiệm cầm quân hơn nhiều so với "thế hệ vàng" đỉnh cao nhất mà Man Utd sản sinh ra dưới triều đại Sir Alex Ferguson.
Có lẽ, chẳng cần phải nói quá nhiều về Roy Keane. Tên tuổi của cựu tiền vệ người CH Ai Len gắn liền với những năm tháng chói lọi nhất trong lịch sử Man Utd. Anh gắn bó gần trọn vẹn thời kỳ rực rỡ nhất trong sự nghiệp cầu thủ với sắc áo Đỏ (1993-2005) và sau khi King Eric Cantona treo giày vào năm 1997, Keano chính thức đeo băng thủ quân đội bóng. Xét về mức độ đóng góp cho đội bóng thì chắc chắn Keane chẳng thua kém bao nhiêu so với Giggs, Scholes, Gary Neville nhưng chắc chắn ăn đứt Nicky Butt hay Phil Neville (cả hai đã phải ra đi vì hết giá trị sử dụng). Một thời, Keane là tiền vệ trung tâm xuất sắc bậc nhất Premier League và thực sự cho đến giờ, Man Utd vẫn chưa tài nào tìm ra một "ông chủ khu vực giữa sân" nào tài ba và toàn năng đến thế. Không chỉ là chốt chặn cuối cùng rất đáng tin cậy mà Keane còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho toàn đội cũng như lên tham gia tấn công cực kỳ hiệu quả. Chỉ có điều, do mâu thuẫn với ông thầy "cửa quyền" Sir Alex mà Keane đã phải tức tưởi ra đi khi mà kế hoạch chia tay sân cỏ tại Man Utd sắp trở thành hiện thực. Anh đã chuyển sang Celtico vào cuối năm 2005 và chính thức giải nghệ sau đó khoảng nửa năm ở tuổi 34, để lại nhiều sự nuối tiếc nơi giới Manucians.
Đến năm 2006, Keane chính thức theo đuổi công việc của một HLV trưởng và giúp Sunderland trở lại Premier League nhưng bị sa thải vào năm 2008. Tiếp đến, Keane dẫn dắt Ipswich Town ở giải hạng Nhất trong khoảng gần 2 mùa và cũng không thật sự thành công nên rơi vào cảnh thất nghiệp vào năm 2011. Phải tới tháng 11 năm 2013, Keane mới trở lại với công tác chuyên môn chính (trong khoảng thời gian gián đoạn đó, thỉnh thoảng Keane làm bình luận viên thể thao trên truyền hình) nhưng chỉ trong vai trò trợ lý số 1 cho Martin O'Neil, HLV trưởng ĐTQG CH Ai Len. Dẫu vậy, với chừng đó kinh nghiệm huấn luyện thì Keane cũng đủ ăn đứt những nhân vật hiện chịu trách nhiệm nắm giữ đội bóng. Cả 4 người (Giggs, Phil Neville, Butt, Scholes) chưa hề kinh qua một đội bóng thực sự nào với tư cách chiến lược gia cầm đầu, cùng lắm hoặc từng làm trợ lý HLV trưởng hoặc mới chỉ dẫn dắt đội trẻ. Không những vậy, xét về mặt cá tính hay bản lĩnh thì Keane có phần nổi trội hơn. Keane thừa sức tạo dựng quyền uy nơi phòng thay đồ giống như người thầy vĩ đại Sir Alex Ferguson nhờ tính cách mạnh mẽ, sẵn sàng "thét ra lửa" và khó có chuyện rúm ró, sợ sệt như "kẻ thất bại" David Moyes.
Không ít lần, Keane đã thổ lộ rằng anh vẫn còn dành nhiều tình cảm cho đội bóng cũ và mâu thuẫn với người thầy Fergie đã được hoá giải (thậm chí nhà cầm quân vĩ đại của Man Utd có lần khẳng định Keane xứng đáng làm HLV trưởng đội bóng trong tương lai) nên sẽ chẳng có cản trở nào trên con đường Keane tái hợp Man Utd, miễn là cựu tiền vệ này thực sự muốn điều đó và ban lãnh đạo có thiện chí. Tất nhiên, sẽ tương đối mạo hiểm nếu bổ nhiệm Keane vào chiếc ghế nóng bởi vào lúc này, Man Utd cần một nhà cầm quân có chút ít tên tuổi, thành tích trong làng túc cầu giáo thì mới mong sớm lấy lại vị thế vốn có nhưng chức danh trợ lý thì có lẽ hoàn toàn phù hợp. Chỉ sợ, người thầy mới không chọn Keane hoặc bản thân "Quỷ đầu đàn" một thời không thích mà thôi.