- Trọng tài trận Liverpool- Man Utd cầu viện cảnh sát giúp đỡ
- Dư âm "Siêu kinh điển" nước Anh: Điều thần kỳ ở đâu?
- Đuổi Shelvey, đáng ra Mark Halsey cũng nên cho Evans ăn thẻ đỏ!
(Bongda24h) - Với không ít người, kể cả chẳng yêu mến gì Liverpool thì danh hiệu "Gương mặt đáng chú ý nhất" trận đấu giữa hai đội bóng giàu truyền thống nhất đảo quốc sương mù chắc chắn khó thoát khỏi tay ... trọng tài Mark Halsey bởi "ông vua sân cỏ" quá tuổi này và không phải thuộc diện đình đám nhất nước Anh đã đưa ra khá nhiều quyết định gây tranh cãi: phạt thẻ đỏ Jonjo Shelvey, từ chối vài quả phạt 11m muời mươi của đội chủ nhà nhưng lại thổi penalty cho đội khách. Nào, hãy thử tìm hiểu sơ qua lý lịch và sự nghiệp của Mark Hasley.
Thông thường, các trọng tài, đặc biệt ở môi trường bóng đá đỉnh cao, không được quá 45 tuổi bởi phải đảm bảo sức khoẻ cả về mặt thể lực lẫn trí lực để có thể dẫn dắt trận đấu tốt. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện không ít trường hợp ngoại lệ và Mark Hasley nằm trong số đó. Sinh năm 1961 tại một vùng thuộc hạt Hertfordshire miền Đông nước Anh (như vậy, ông đã 51 tuổi), Hasley đã từng 12 năm chơi bóng như một cầu thủ thứ thiệt nhưng chỉ loanh quanh ở giải bán chuyên mà thôi. Đến năm 1988, ông bắt đầu theo đuổi nghiệp cầm còi.
Sau nhiều năm phấn đấu không ngừng nghỉ, Hasley chính thức có tên trong danh sách các trọng tài ở Premier League vào năm 1999 và một năm sau, ông được thừa nhận là Trọng tài cấp FIFA (thực ra, ở các nước phát triển về bóng đá, số trọng tài FIFA đông như quân Nguyên chứ không phải đến mức "quý hiếm" như tại Việt Nam). Chỉ có điều, ban đầu, ông chỉ được FIFA giao nhiêm vụ ở các giải nhỏ không chính thống như ngày hội thể thao sinh viên thế giới hay giải VĐTG dành cho người tàn tật. Chính thức phải đến tận năm 2004, Hasley mới được điều khiển một trận "ra trò": trận giao hữu quốc tế giữa ĐT Bỉ và ĐT Pháp ở Brussels (thủ đô nước Bỉ).
Thế nhưng tại Premier League, sự nghệp của Hasley cứ thăng tiến đều đặn. Ông bắt đầu được bắt chính các trận đấu lớn mà đáng kể nhất là trận tranh Community Shield 2007 giữa Man Utd và Chelsea ("Quỷ đỏ" thắng 3-0 trên chấm luân lưu 11m sau khi hai đội hoà 1-1 trong 90 phút thi đấu chính thức. Community Shield không tổ chức hiệp phụ) hay trận chung kết cúp Liên đoàn Anh 2008 giữa Chelsea và Tottenham (Spurs thắng chung cuộc 2-1). Năm 2009 do mắc bệnh (chứ không phải quá tụổi), Hasley đành phải từ bỏ niềm đam mê lớn của cuộc đời song chỉ khoảng hơn một năm sau, ông đã tái xuất. Dẫu vậy, Hasley chưa được trở lại Premier League mà phải "làm lại từ đầu" với xuất phát điểm là các giải hạng dưới. Phải đến mùa giải năm nay, ông mới được Ủy ban trọng tài điền vào danh sách trọng tài của Premier League, thậm chí còn giao trận derby nước Anh vừa rồi, một vinh dự mà thường chỉ thuộc về các trọng tài đầu bảng. Hasley được xem là trọng tài không thích dùng thẻ phạt (vàng lẫn đỏ). Số thẻ vàng trung bình (tính trên trận đấu) mà Hasley rút ra trong một mùa đều chỉ quanh quẩn mốc 3 và đa phần thấp hơn (mùa nhiều nhất là mùa đầu tiên làm trọng tài chuyên nghiệp 1997-1998 với trung bình 3.83 thẻ/trận). Còn mùa 2000-2001, Hasley đuổi nhiều cầu thủ nhất trong sự nghiệp (10 trường hợp sau 33 trận).
Ngoài cú "phốt" vừa rồi thì Hasley còn bị chỉ trích khá nhiều sau trận chung kết cúp Liên đoàn 2008 vì có phần "thiên vị" Tottenham, gây ra sự ức chế cho toàn bộ cầu thủ Chelsea trong suốt trận đấu. Đỉnh điểm là tình huống ... thổi 11m dành cho Spurs (lại là phạt đền) sau khi bóng chạm vào tay Bridge, qua đó "giúp" Tottenham gỡ hoà thành công (Dimitar Berbatov là người sút phạt). Tiếp đến, ông đã cắt còi kết thúc trận đấu (Tottenham thắng nhờ bàn vào thời gian hiệp phụ của trung vệ Woodgate) khi mà Salomon Kalou đang sở hữu cơ hội ăn bàn rõ rệt trong vòng cấm địa. Thực ra, theo luật, trọng tài hoàn toàn có quyền chấm dứt cuộc chơi vào bất cứ thời điểm nào chứ không nhất thiết phải chờ đến khi hết tình huống nguy hiểm như chúng ta chứng kiến thường xuyên trên sân cỏ.
Xem ra với những gì đã "trình diễn", Mark Hasley sẽ khó lòng được phân công thêm một trận đấu đáng chú ý nào nữa trong thời gian sắp tới.
Bảo Phương