Trung vệ Hà Lan có thể đắt nhất Anfield, nhưng so bì giá trị thực sự của anh với đồng đội “ngắn hạn” người Brazil có lẽ vẫn còn độ vênh nhất định, đặc biệt xét trên phương diện của sự chuyên nghiệp.
Virgil Van Dijk như thể món quà Giáng Sinh đắt đỏ mà mọi CĐV Liverpool hằng ước ao, hay đơn giản là những gì cơ bản để phục vụ cho nhu cầu tối thiểu của họ. Trung vệ người Hà Lan cập bến Anfield ít ngày sau khi hàng thủ The Kop vỡ vụn trong 5 phút ở Emirates, mặc dù phải công nhận dàn công Arsenal chưa bao giờ là những tay mơ.
Năm nay cũng như năm ngoái hay bao năm trước nữa, phòng ngự vẫn cứ là vấn đề cố hữu gây đau đầu kinh niên cho Jurgen Klopp và các người tiền nhiệm của ông. Cả mùa hè vừa rồi, sự bổ sung duy nhất mang tên Andy Robertson, một hậu vệ trái tương đối vô danh về từ Hull City và không cạnh tranh nổi với Alberto Moreno khi cầu thủ người Tây Ban Nha đạt thể trạng tốt nhất.
Chuyện anh này thường xuyên khiến người ta phát nản ra sao thì ai cũng biết. Đó là công bằng mà nói Moreno đã còn có sự tiến bộ đáng kể trong mùa giải này, phần nào đền đáp công hy sinh chỗ đứng vì đàn em của James Milner.
Virgil Van Dijk trở thành bản hợp đồng kỷ lục của Liverpool cũng như hậu vệ đắt nhất thế giới với giá 75 triệu bảng |
Đó có lẽ là lý do xác đáng cho cái giá chuyển nhượng ngất ngưởng của Van Dijk – 75 triệu bảng kỷ lục thế giới cho một cầu thủ phòng ngự. Liverpool nghĩ trước mắt đơn giản là tiền có thể giải quyết sự nhức nhối này cho họ, đặc biệt nếu nó được chi ra cho cựu ngôi sao Southampton, một trong những trung vệ xuất sắc nhất Premier League thời điểm hiện tại.
Tân binh số 4 chắc chắn sẽ nâng tầm hậu tuyến The Kop với năng lực chuyên môn và tư chất thủ lĩnh của mình, bất kể ai đá cặp trung tâm với anh, từ tương đối đáng tin như Joel Matip đến thảm họa cỡ Dejan Lovren. Giờ, những yếu điểm chết chóc như theo kèm và không chiến trong những tình huống cố định hay bất cứ sai lầm ngớ ngẩn trên trời dưới biển này chắc chắn sẽ được hạn chế tối đa.
Ngày hôm nay, Liverpool đã bất ngờ hoàn tất thương vụ bom tấn 75 triệu bảng – trung vệ Van Dijk từ Southampton. Dưới đây là những hệ quả của thương vụ này.
Tuy nhiên rồi, vẫn còn đó một mối nghi ngại xoay quanh Van Dijk, đặc biệt trong mùa giải này và đặc biệt khi đặt lên bàn cân so sánh với Philippe Coutinho, người đồng đội mới của anh dù có lẽ cũng chẳng được bao lâu.
Mùa hè 2017 qua, cả Van Dijk và Coutinho đều đặt mình trong những hoàn cảnh tương tự nhau – hai mục tiêu chuyển nhượng được thèm khát bởi những CLB lớn hơn. Không có gì phải tranh cãi về vị thế bề trên của Liverpool so với Southampton, khi họ thậm chí biến đội bóng miền nam trở thành “sân sau” của mình trong những năm trở lại đây. Van Dijk đâu phải đầu tiên và duy nhất (có lẽ cũng chẳng phải cuối cùng), khi hành trình từ St. Mary’s đến Anfield đã in dấu chân tận 6 cầu thủ trước anh.
Trong khi đó với Coutinho, cơ hội sát cánh bên Leo Messi hay Luis Suarez, những “đồng hương” Nam Mỹ thuộc top siêu sao đẳng cấp hàng đầu thế giới, ở một Barcelona với thương hiệu toàn cầu vượt hẳn ra khuôn khổ một CLB bóng đá đơn thuần, chưa kể đáp ứng đủ đầy tiền tài và danh vọng, thực sự là sức cám dỗ khó cưỡng để có thể khước từ dễ dàng.
Jose Mourinho đã chỉ trích Man City mua hậu vệ với giá tiền đạo và chẳng thể hào hứng khi Liverpool trả cho Southampton 75 triệu bảng để có Van Dijk. Nhưng...
Bên cạnh đó, cả hai đều được định những mức giá điên rồ so với vị trí thi đấu của mình. Van Dijk mới trở thành hậu vệ đắt giá nhất hành tinh như đã biết, dù rằng lời thách gốc xấp xỉ 60 triệu bảng hồi hè đã đủ khiến các đại gia phải nản lòng lắm rồi. Còn Coutinho, số tiền bỏ ra để có được sự phục vụ của anh không thể dưới 9 con số, với ít nhất khoảng 130 triệu bảng đủ biến tiền vệ người Brazil trở thành cầu thủ đắt thứ nhì thế giới sau anh bạn thân Neymar.
Quan trọng hơn tất thảy, cả hai đều muốn ra đi và tất nhiên không thành, sau đó vắng mặt trong giai đoạn đầu của mùa giải, vương lại những âu lo xôn xao và cả giận dữ cho người hâm mộ về thái độ nổi loạn gây lục đục, rạn nứt nội bộ không đâu. Tuy nhiên, những gì xảy đến tiếp theo mới thực sự thú vị.
Tương đồng về hoàn cảnh nhưng cách Coutinho và Van Dijk xử trí ra sao thì hoàn toàn khác biệt |
Thay vì có ý thức nỗ lực lấy lại hình ảnh và tái hiện đúng phong độ đã làm nên tên tuổi của mình, Van Dijk ngày càng tự tách mình ra khỏi tập thể Southampton, dù rằng về lý cũng như về tình, anh nên để lại chút gì đó ấn tượng tốt đẹp cho hội CĐV đã gắn bó suốt cả hai năm rưỡi chứ không phải kiểu vùng vằng, làm mình làm mẩy đến độ bị đuổi cổ tập riêng.
Trung vệ người Hà Lan ra sân cho có vỏn vẹn 11 trận và tệ hơn, ngoại trừ ra 3 phút cuối màn tiếp đón một Crystal Palace khủng hoảng hồi tháng Chín, anh chỉ giúp The Saints giữ sạch lưới thêm đúng một trận trước West Brom.
Đối diện và vượt qua biết bao áp lực, sức ép tâm lý từ vụ đào thoát không thành sang Camp Nou bất chấp cả nổi loạn, giờ tiền vệ người Brazil trở lại làm một...
Trong khi đó, Coutinho tự hòa nhập mình trở lại vào cộng đồng Liverpool với những màn trình diễn đỉnh cao đủ để các CĐV vui vẻ tiễn anh ra đi với một nụ cười. Dần dà theo thời gian, tiền vệ người Brazil đánh bại mọi áp lực sức ép và hoàn thiện “Bộ tứ siêu đẳng” khét tiếng của Premier League cũng như cả thế giới bóng đá tấn công.
Tái xuất sân cỏ với 7 bàn thắng và 6 kiến tạo là những gì cơ bản để mô tả tầm ảnh hưởng, bản thân cựu ngôi sao Inter Milan chứng tỏ vì sao mình vẫn luôn là cầu thủ quan trọng nhất Anfield và khiến Barca sẵn sàng ngốn cả trăm triệu bảng để có được chữ ký của anh. Mỗi khi nghĩ về mùa hè khốn khó của Coutinho, người ta lại càng nể phục cách anh tách biệt mọi sầu muộn ra riêng khỏi niềm cảm hứng với trái bóng. Nếu có ai xứng đáng đòi hỏi quyền ra đi chỉ sau vài tháng ký hợp đồng dài hạn, người đó chỉ có thể là Phil.
Van Dijk có lẽ phải học Coutinho ở sự chuyên nghiệp |
Tất nhiên, đặc thù hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau. Không kể Celtic mãi bơi trong “ao làng” Scotland, Van Dijk đứng trước cơ hội khoác áo một ông lớn thực sự đầu tiên trong sự nghiệp, trong khi Southampton chỉ còn là cái bóng của chính mình, rối ren và loay hoay đủ đường cho đến tận bây giờ với vị HLV sắp mất việc của họ.
Trong khi đó, Coutinho chí ít vẫn còn Champions League làm động lực và đương nhiên Barca sẽ có những tiêu chuẩn cao hơn nhiều để đòi hỏi anh phải duy trì phong độ đỉnh cao trước khi chốt quyết định rải thảm mời về Camp Nou. Chưa kể, tiền vệ 25 tuổi hẵng còn cả kỳ World Cup 2018 cùng tuyển Brazil để mong đợi và phấn đấu, chứ tân binh 75 triệu bảng kia đã sớm chấp nhận ngồi nhà xem TV cùng Hà Lan.
76, 90, 118, 138 và giờ có thể đã chạm ngưỡng 150. Đó là những con số tính bằng đơn vị triệu bảng, là những lời đề nghị không tưởng của Barcelona được dồn dập...
Ấy vậy thì, không thực sự có cái cớ thanh minh nào đủ thuyết phục cho những thái độ tương phản của hai ngôi sao Liverpool đắt nhất, một về giá trị chuyên môn và một về giá trị tiền bạc – những thương vụ kỷ lục theo chiều đến và đi ở Anfield.
Không có gì phải nghi ngờ và trách cứ Van Dijk với tham vọng thăng tiến như của mọi cầu thủ chuyên nghiệp khác, nhưng từ khóa ở đây chính là “chuyên nghiệp”, điều mà anh có lẽ cần học hỏi đôi chút từ người đồng đội ngắn hạn của mình. Cứ thử tưởng tượng Liverpool sẽ trôi dạt nơi đâu nếu Coutinho cũng cư xử tương tự như Van Dijk, có lẽ rồi cũng không khá hơn Southampton là bao.