Còn hơn 1 tháng nữa, cánh cửa chuyển nhượng Premier League Hè 2011 mới khép lại. Nhưng tính đến thời điểm này, có thể nhận ra hai đặc điểm nổi bật nhất. Thứ nhất, giá từ 20 triệu bảng trở xuống. Thứ hai, tuổi không quá 25.
Liverpool đầu tư 3 tiền vệ, Jordan Henderson, Stewart Downing và Charlie Adam. Không ai có giá trên 20 triệu bảng. M.U mua thủ thành David De Gea, hậu vệ Phil Jones và tiền vệ Ashley Young. Họ đều có giá dưới 18 triệu bảng. Man City mua Gael Clichy và Stefan Savic, cùng có giá 7 triệu bảng. Chelsea mua thủ môn Thibaut Courtois và Oriol Romeu, mỗi người có giá 5 triệu bảng. Chữ ký đáng chú ý đầu tiên của Arsenal, Gervinho, trị giá 10,5 triệu bảng từ Lille.
Phil Jones và Jonas Henderson khi cùng khoác áo U-21 Anh
Những vụ chuyển nhượng có giá dưới 20 triệu bảng thường được thực hiện chóng vánh và có nhiều thời gian. Các vụ "bom tấn" mới kéo dài lê thê vì phải trải qua hàng loạt cuộc đàm phán. Trong hơn một tháng còn lại, có thể xuất hiện những vụ mua sắm từ 30 triệu bảng trở lại. Chelsea sẵn sàng trả 30 triệu bảng để có Luka Modric trong khi Man City nhiều khả năng sẽ mua được Sergio Aguero với giá 38 triệu bảng. Tuy nhiên, những vụ như thế này chắc chắn không nhiều.
Luật công bằng tài chính (FFP) mà UEFA áp dụng đã ảnh hưởng rất lớn cũng như thay đổi đáng kể hoạt động chuyển nhượng. Đó là lý do Chelsea vội vàng mua Fernando Torres và David Luiz từ kỳ chuyển nhượng mùa Đông còn Man City không thể chi tiêu rầm rộ như mùa Hè năm ngoái dù giới chủ Ả rập không hề thiếu tiền.
FFP buộc các đội bóng phải lựa chọn chính sách chuyển nhượng "khôn ngoan". Ngay từ khi mua lại Liverpool, giới chủ mới người Mỹ đã nhắc đến khái niệm "mua bán khôn ngoan". Mới đây, tân HLV Andre Villas-Boas cũng đề cập đến hai chữ "khôn ngoan" khi nói về hoạt động chuyển nhượng của CLB. Arsenal từ lâu đã theo đuổi chính sách này trong khi M.U xem Cristiano Ronaldo là tấm gương. Khái niệm "khôn ngoan" được hiểu một cách đơn giản như sau: cầu thủ phải trẻ, có tiềm năng và có thể thủ hồi vốn hoặc kiếm lời khi bán lại cho CLB khác.
Phong trào trẻ hóa
Những vụ chuyển nhượng của Hè 2011 được nhắc ở trên, trừ trường hợp của Stewart Downing (27) và Ashley Young, có một điểm chung: cầu thủ đều từ 25 tuổi trở xuống. Với Liverpool, Henderson mới 20 tuổi, Adam 25 tuổi. Ở M.U, De Gea 20 tuổi, Jones 19 tuổi trong khi Young vừa tròn 26 tuổi hồi đầu tháng Bảy này. Hai tân binh của Chelsea đều tuổi "teen", còn mục tiêu số 1 của họ, Luka Modric, mới 25 tuổi. Clichy (25) và Savic (20) đều chưa quá 25 tuổi. Tuổi của Gervinho là 24.
Vì nhiều lý do khác nhau, các đại gia Premier League đồng loạt thực hiện chiến dịch trẻ hóa. Chelsea bắt buộc trẻ hóa khi hàng loạt trụ cột của họ thuộc thế hệ 7x. M.U vừa nói lời chia tay với hàng loạt lão tướng trên 30 tuổi, gồm van der Sar, Scholes, G.Neville, Brown và O'Shea. Arsenal luôn luôn đầu tư vào tài năng trẻ. Từ ngày Kenny Dalglish trở lại Anfield, Liverpool thực hiện cuộc cách mang trẻ hóa, xây dựng đội bóng hướng đến mục tiêu lâu dài. Man City vung tiền khủng khiếp, nhưng trong 2 năm trở lại đây, các chữ ký của họ đều rất trẻ.
Trước đây, các đại gia của châu Âu sẵn sàng mua sắm những cầu thủ đã thành danh, những Quả bóng vàng với giá cao ngất trời. Điển hình nhất là vụ Real Madrid mua Kaka, Barca mua Ibrahimovic vào mùa Hè 2009. Trước đó, Chelsea từng chi 30 triệu bảng để mua cầu thủ đã 30 tuổi là Shevchenko trong khi M.U đầu tư 30,75 triệu bảng cho vụ Berbatov, lúc bấy giờ cũng đã hơn 27 tuổi. Nhưng bây giờ, các ông lớn châu Âu coi trọng chính sách đầu tư vào ngôi sao, tài năng trẻ. Phần lớn các chữ ký của Real Madrid dưới thời Mourinho đều dưới 25 tuổi. Barca mua Sanchez (22) và săn đón Fabregas (24).
Bây giờ, đầu tư vào cầu thủ trẻ được xem là chính sách khôn ngoan. Thứ nhất là để phục vụ cho mục tiêu lâu dài. Thứ hai, giá của cầu thủ trẻ không quá cao. Thứ ba, có thể thu hồi vốn hoặc kiếm lời sau khi bán lại. Đó là lý do không ông lớn châu Âu nào lôi kéo Tevez, nay đã 27 tuổi hay M.U rụt rè khi dạm hỏi Sneijder, cũng đã 27 tuổi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)