Trong trận đấu của Chelsea với Man United chiều Chủ nhật này, cuộc chiến quan trọng nhất sẽ diễn ra ở giữa sân. Đó là điều hoàn toàn bình thường trong một trận đấu giữa 2 đội bóng lớn, nhưng thường là bởi họ có những tiền vệ giỏi. Nhưng lần này thì khác: Chelsea có thể sẽ thiếu Frank Lampard trong khi HLV David Moyes vẫn chưa chắc gọi lại được Marouane Fellaini.
Đã từng được xếp ngang với Messi
Từ đầu mùa, Chelsea đã phải nhiều lần sử dụng trung vệ David Luiz cho vị trí tiền vệ trung tâm. Trong khi đó, Man United thiếu một đối tác tin cậy cho Michael Carrick.
Khi 2 hàng tiền vệ chắp vá này gặp nhau ở Stamford Bridge, cũng đáng nhắc lại những cầu thủ đã thất sủng ở các CLB của họ. John Obi Mikel ở Chelsea có thể vẫn có trong kế hoạch của Mourinho, nhưng anh là người dễ bị hy sinh nhất nhường chỗ cho Matic. Ở Man United, Anderson đã đặt một chân ra khỏi Old Trafford, có thể là tới Fiorentina. Đó là một thỏa thuận đáng ngạc nhiên, bởi hàng tiền vệ của đội bóng Italy được coi là mạnh hơn so với Man United.
Gần một thập kỷ trước, cùng với Messi, Mikel và Anderson nằm trong số những số 10 hứa hẹn nhất thế giới. Kể từ đó, Messi đã trở thành cầu thủ tấn công xuất sắc nhất thế giới, trong khi sự nghiệp của Mikel và Anderson chựng lại. Điều gì đã xảy ra? Trong số nhiều lý do, một vấn đề quan trọng là cả 2 cầu thủ buộc phải thích nghi với một kiểu bóng đá hoàn toàn khác tại Anh.
Mikel được coi là người thay thế cho Claude Makelele ở Chelsea trong đội hình 4-3-3. “Mikel đã đánh mất sự sáng tạo khiến anh là ngôi sao của thế giới”, Samson Siasia, HLV ĐT U20 Nigeria thời của Mikel, nói. “Chelsea đã hủy hoại Mikel mà tôi từng biết”.
Tương tự, Anderson chuyển sang chơi như một tiền vệ đá bao sân, nhấn mạnh phòng ngự. Dù anh cũng có những lúc tỏa sáng, Anderson không sở hữu đủ sức bền thể lực cho vai trò đó.
Khi sáng tạo chỉ là thứ yếu
“Manchester United đang sử dụng chữ ký mới đắt giá của họ Anderson cho vị trí tiền vệ trung tâm, một vai trò mà không HLV nào ở Brazil sẽ ép anh phải đá”, Tim Vickery, nhà báo bóng đá nổi tiếng, viết năm 2009. “Có thể trong vai trò này, Anderson đã buộc phải hy sinh rất nhiều tố chất tự nhiên của anh”.
Thật ra, Mikel và Anderson không phải là những người duy nhất gặp phải vấn đề này. Lucas Leiva của Liverpool là “một tiền vệ công với tầm nhìn rất tốt”, và trong khi hiện giờ anh rất được yêu mến ở Anfield, vào những ngày đầu, anh tưởng như đã không thích nghi nổi với vai trò mới.
Denilson của Arsenal, đeo băng đội trưởng U17 Brazil cùng thời Anderson, cũng trải qua điều tương tự. Anh tới Arsenal với tư cách một tiền vệ công, để rồi bị bố trí đá lùi và khi Mathieu Flamini ra đi năm 2008, anh trở thành tiền vệ trụ đá chính của Arsenal.
Cả 4 cầu thủ đó được đưa về vào một thời kỳ mà Man United, Chelsea, Liverpool và Arsenal đang thống trị bóng đá Anh. Từ năm 2003 tới 2009, 4 CLB này chia nhau 4 vị trí đầu tiên ở giải Ngoại hạng, trừ mùa 2004-2005 (nhưng mùa đó Liverpool lại vô địch Champions League).
Dễ hiểu là họ tìm mọi cách gom góp những tài năng trẻ giỏi nhất, nhưng rồi lại biến họ thành những cầu thủ tầm thường. Câu hỏi là tại sao? Tất nhiên, có những yếu tố mang tính cá nhân trong 4 trường hợp đó (với Lucas là người duy nhất thích nghi được), nhưng sự giống nhau là đáng ngạc nhiên.
Câu trả lời có lẽ là các HLV của họ đã không có đủ lòng tin vào những tiền vệ kiến tạo trẻ tuổi, thiếu ổn định và như thế đã biến họ thành các tiền vệ trụ chỉ dựa vào thể lực, mà bóng đá Anh luôn đòi hỏi, và đôi khi ưu tiên hơn cả sự sáng tạo.
Theo Thể Thao Văn Hoá