Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Bỏ thì thương, vương thì tội

Thứ Năm 08/01/2009 09:59(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Trên BXH của IFFHS, Premiership vẫn là giải đấu số 1 thế giới. Nhưng Premiership không phải chỉ toàn màu hồng. Năm 2009 sẽ chứng kiến một xu thế mới khi các CLB Premiership không còn là “món hàng nóng” trên thị trường.

Thế thời đổi thay

Hôm qua, Keith Harris – một tay môi giới có tiếng tại Anh – đưa ra nhận xét khiến nhiều người phải giật mình: “Giờ không còn là thời điểm có thể chờ đợi những cuộc chuyển giao ồ ạt. Bối cảnh kinh tế đã thay đổi nên các nhà đầu tư không còn là giải pháp cứu vãn những CLB khó khăn về tài chính”.

Tuyên bố của Harris thực sự đã làm rúng động Premiership. Bởi ít nhất cũng có tới khoảng một nửa số đội bóng Premiership đang có nhu cầu sang tên đổi chủ.

Cũng cần nói thêm về Keith Harris. Người đàn ông này là một nhân vật đầy quyền lực ở Premiership. Chính ông ta trung gian đưa Abramovich tới Chelsea (2003), Randy Lerner đến Aston Villa, Bjorgolfur Gudmundsson sang West Ham (2006) và Thaksin tiếp quản Manchester City (2007). Hiện tại, danh sách khách hàng của Harris có tên Newcastle, Everton, Blackburn và Portsmouth. Tất cả đều cầu cạnh Harris tìm gấp cho một người mua nhưng vẫn bất thành.

Tình hình nghiêm trọng tới mức dù Mike Ashley bị tẩy chay tại Newcastle song tỷ phú này cũng đành chấp nhận thực tế là không ai chịu mua lại Newcastle. Có một lượng CĐV đông đảo, sở hữu sân St James’ Park với 52 nghìn chỗ ngồi nhưng Newcastle chỉ là món hàng ế dù được Harris tích cực đi chào mời từ 3 tháng nay. Các nhà đầu tư Nam Phi, Mỹ, Trung Đông mà Harris đã tiếp xúc đều lắc đầu dứt khoát. Bởi 2008-2009 không phải là thời điểm thích hợp cho những vụ đầu tư vào bóng đá. Nó khác hẳn bối cảnh cách đây chỉ 2 năm khi người Mỹ, người Nga, UAE, Saudi Arabia … đổ xô vào xâu xé cả những đội bóng thuộc loại nhỏ nhất, miễn sao có tên trên bản đồ Premiership.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Người ta đã chỉ ra 3 lý do khiến Premiership không còn đắt khách. Thứ nhất: kinh tế thế giới khủng hoảng khiến túi tiền của mọi tài phiệt đều bị co hẹp. Thứ hai: đầu tư vào bóng đá quá tốn kém nhưng hiệu quả lại không cao. Thứ ba: doanh thu dự kiến trong thời gian tới không còn tăng vọt, vì thế tính hấp dẫn của dự án không còn đủ sức hút với nhà đầu tư.

Đặc biệt, hai nguyên nhân cuối cùng chính là lực cản lớn nhất. Đơn cử như trường hợp của Abramovich. Từ ngày tới Chelsea, ông đã chi khoảng 600 triệu bảng tăng cường lực lượng. Nhưng đổi lại Abramovich được gì? Cũng có, đặc biệt là về mặt hình ảnh. Song chắc chắn, tỷ phú Nga chưa thu lãi được đồng nào từ các hoạt động bóng đá mà Chelsea tạo ra.

Đã thế viễn cảnh kinh tế ảm đạm còn đe dọa nguồn doanh thu trong những năm tới bị sụt giảm mạnh. Các chuyên gia dự đoán giá trị bản quyền truyền hình Premiership trong tương lai sẽ không còn ở mức béo bở như hiện tại. Cần lưu ý, chính hợp đồng 2,7 tỷ bảng kéo dài 3 năm mà Premiership đang có là lực đẩy lớn nhất, tạo nên bước phát triển mạnh mẽ của giải đấu này. Khi “bầu sữa” không còn (hoặc sụt giảm), tất yếu Premiership sẽ bị tác động tiêu cực trên mọi phương diện.

Câu hỏi đặt ra là bao giờ cho tới… ngày xưa, để các CLB Premiership lại được đổ xô tìm mua? Harris dự đoán phải chờ tới khi kinh tế thế giới phục hồi. Có thể 2 năm, hoặc có thể là 3 năm. Chỉ có điều, từ nay cho tới lúc ấy, khối ông chủ tại Premiership sẽ phải ngắc ngoải với những đội bóng của mình. Bởi “bỏ thì thương mà vương thì tội”.

(Theo Bongda)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X