Sự thay đổi của bóng đá diễn ra song song với dòng chảy thời gian. Hôm nay, một triết lý có thể thống trị toàn cầu. Nhưng vào ngày kia, nó trở thành dĩ vãng.
⇒ Xem thêm: Tin tức thể thao 24h và dự đoán kết quả bóng đá. |
Từ lâu, trường phái tiqui-taka dựa trên nghệ thuật kiểm soát bóng đi kèm các pha ban bật đã gắn liền với Barca và trở thành hình mẫu cho nhiều đội bóng học hỏi. Nhưng sau buổi chiều của ngày đầu tiên tháng 5, một khái niệm mới hình thành. Từ Leicester đến Burnley tại Anh và Atletico xứ bò tót, họ thành công nhờ tư duy phản bóng đá.
Leicester không cần cái chất Barca trong lối chơi để vô địch. Ảnh: AFP. |
Thật vậy, các đội bóng kể trên khác nhau về con người nhưng tồn tại điểm chung với triết lý đi ngược hình mẫu Barca. Theo Harry Redknapp, nếu Leicester và Atletico trở thành những ông vua tại Anh và Tây Ban Nha, đó như lời nhắc nhở luôn có những cách thức khác hiệu quả để giành chiến thắng và khởi nguồn cho sự thay đổi về chiến thuật trong bóng đá.
Vị HLV người Anh không có ý xúc phạm trường phái tiqui-taka. Barca với lối chơi này từng trở thành giáo án được rất nhiều HLV học hỏi và áp dụng. Nhưng thế giới chỉ có mỗi Lionel Messi, Luis Suarez hay Neymar, những người biết cách tạo ra ma thuật và phát huy tối đa tính hiệu quả của lối chơi phát cuồng kiểm soát bóng.
Theo Harry Redknapp, sẽ rất nguy hiểm nếu một đội bóng chỉ biết chuyền khắp sân và thiếu đi nhân tố quan trọng kết thúc cho các đường phối hợp. Barca chinh phục được thế giới vì sở hữu Messi với đôi chân như chiếc đũa thần tạo ra phép màu. Hãy nhìn MU như bài học rõ nhất. Họ phát cuồng triết lý kiểm soát bóng, song, lại bế tắc trong khâu ghi bàn vì Messi, Suarez và Neymar chơi bóng ở Catalan cho Barca, không phải Old Trafford.
Hôm chủ nhật, Leicester đạt tỷ lệ kiểm soát bóng chỉ 30%, bù lại, thực hiện nhiều pha tắc bóng và phạm lỗi. Atletico khi gặp Barca không cần kiểm soát bóng nhiều vẫn giành được chiến thắng ở trận tứ kết lượt về Champions League. Ở trận đấu đó, thầy trò Diego Simeone kiểm soát bóng chỉ 29%.
"Để chơi thứ bóng đá dựa trên nền tảng kiểm soát bóng, bạn phải có từ 1 đến 2 cầu thủ với tài năng xuất sắc đánh bại hàng thủ đối phương và ghi bàn. Thế nhưng lại không hề dễ dàng để tìm ra con người như vậy," Harry Redknapp phân tích.
Với Leicester và Atletico, công thức của họ rất đơn giản. Trong các pha dàn xếp tấn công, cầu thủ phất bóng lên phần sân đối thủ nhanh nhất có thể và chơi pressing điên cuồng. Lúc này, chỉ cần vài đường chuyền họ sẽ tiếp cận khung thành đối phương. Lịch sử từng chứng kiến Jose Mourinho vận hành công thức này trong nhiệm kỳ đầu dẫn dắt Chelsea.
Khi đó, Mourinho bố trí Didier Drogba đá cao nhất, còn Frank Lampard trở thành cầu nối trung chuyển bóng từ khu vực giữa sân lên phía trên. Chelsea chuyền bóng ít, tuy nhiên, vẫn có được nhiều bàn thắng. Chỉ với vài pha phối hợp, bóng đến chân Lampard và tiền vệ người Anh tung ra pha kiến tạo cho Drogba thoát xuống dứt điểm.
Không cần hoa mỹ và nghệ thuật, đó là những gì Atletico cùng Leicester trình diễn. Trên báo AS, tổng biên tập Alfredo Relano gọi thứ bóng đá của Atletico như một sự thay đổi tự nhiên của quy luật. Lúc này, Simeone trở thành một nhà cách mạng Che Guevara, theo cách so sánh của báo La Gazzetta (Italy). Ông tạo ra thứ bóng đá xấu xí để khắc chế tiqui-taka.
Nếu vị chiến lược gia người Argentina thành công, đó như ngày tàn của tiqui-taka do Luis Enrique, Pep Guardiola và Vicente del Bosque vận hành. Còn Leicester, họ không cần cái hồn Barca để vô địch.
Theo Zing
http://news.zing.vn/barca-cua-ngay-kia-va-leicester-hom-nay-post646540.html