Huấn luyện viên (HLV) Arsene Wenger đã từng là biểu tượng của kỷ luật, sự mạnh mẽ, tinh thần chiến đấu, được mềm mại hóa bằng một vẻ ngoài điềm đạm pha chút bí ẩn. Phẩm chất ấy đã được ủ men từ một quán rượu nhỏ mang tên La Croix d'Or, ở vùng Đông Bắc nước Pháp có tên La Croix d'Or.
Duttleheim là một ngôi làng nhỏ thuộc vùng Alsace sát biên giới nước Đức, với những ngôi nhà hiện đại nằm lẫn với những công trình cổ kính hiện được xây dựng từ thời La Mã (cái tên Duttlenheim có lẽ đã được đặt cho ngôi làng này từ ít nhất là năm 992). Ở đó có trang trại nhỏ, rào gỗ, bên cạnh là một căn nhà hiện đại và mang dáng dấp “tư sản” rõ rệt, với tấm biển trước nhà đề “A Wenger”. Chữ “A” ở đây là viết tắt của Alphonse, cha của Arsene Wenger. Cách ngôi nhà không xa là quán rượu La Croix d’Or. Ông Alphonse vốn là người kinh doanh phụ tùng ô tô ở Strasbourg, nhưng cùng với bà vợ Louis, gia đình ông đã quản lý quán rượu này trong nhiều năm. Khi còn nhỏ, Arsene dành phần lớn thời gian để giúp cha mẹ ở quán rượu này. Cậu đã từng chứng kiến nhiều kẻ say xỉn cùng những hành vi mất kiểm soát của họ sau đó. Nhưng Arsene là một con người bản lĩnh và sâu sắc từ rất sớm. Việc phải chịu đựng những cảnh tượng không mấy hay ho ấy chỉ giúp Arsene nhận thức rằng rượu là một kẻ thù, và việc để nó kiểm soát, thậm chí chỉ là nhấp môi thôi cũng là điều không thể chấp nhận được đối với một cầu thủ. Cả thuốc lá và đồ ăn có chất béo cũng được liệt vào danh sách những thứ cần tránh xa.
Bản thân Arsene không bao giờ uống rượu, và lần đầu tiên uống bia của ông là năm... 36 tuổi. Ghét của nào trời trao của ấy. Năm 1996, khi Wenger tiếp quản Arsenal, ông đồng thời cũng tiếp quản luôn một đội trưởng đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình chữa trị chứng nghiện rượu. Trong hai năm liên tục sau đó, ông đã động viên Tony Adams bằng nhiều cách khác nhau, và thường là những cuộc nói chuyện kể về những gì chính bản thân Wenger đã trải qua.
Khổ hạnh và kỷ luật
Arsene là một con người của sự khổ hạnh, kỷ luật, và luôn điềm đạm. Ông gần như không có một cuộc sống khác ngoài bóng đá. Năm 16 - 17 tuổi, sàn disco mọc lên đầy rẫy ở vùng Alsace, nhưng Wenger rất ít lui đến những nơi như thế. Cậu và một người bạn Jean-Noel Huck, một cầu thủ trẻ của đội làng bên, vẫn đi chơi và tán tỉnh các cô gái, nhưng không bao giờ về muộn hơn 2 giờ sáng. Bây giờ, giống như một ẩn sĩ, trong những ngày không phải đến sân tập và không có trận đấu, Arsene ngồi hàng giờ trong nhà, phía trước ông là màn hình ti vi cực lớn, và trên đó phát... các trận đấu tư liệu. Arsene có thể ngồi xem và phân tích băng hình xuyên đêm.
Phillippe Troussier, người đã từng cùng Wenger tham gia khóa đào tạo HLV do Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) tổ chức và sau này là một người bạn thân thiết của ông, kể lại: “Arsene là con người kín đáo, ít giao tiếp, không phải mẫu người sôi nổi và không phải người thích bộc lộ cảm xúc”. Jean Petit, một trợ lý trung thành của ông Wenger từ thời còn ở Monaco, lý giải cá tính ít nói của HLV người Pháp: “Wenger thường im lặng không có nghĩa là anh ấy không có gì để nói. Anh ấy thích lắng nghe hơn, và thường giữ những kiến giải ấy cho riêng mình”.
Trên sân, phong thái điềm đạm ấy được thể hiện nhất quán. Vào thời điểm mà Arsenal đạp bằng Premier League với mạch 49 trận bất bại cách đây gần một thập kỷ, Wenger luôn là người tỏ ra kiềm chế nhất trước chiến thắng, dù đó là lúc mà lối chơi của Arsenal tạo ra những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Ông thường chỉ đứng lên (chứ không phải bật dậy) khỏi băng ghế chỉ đạo, giơ hai nắm tay một cách điềm đạm và đấm nó thật... kín đáo vào không khí, với một nụ cười hiền lành nở trên môi.
Một cá tính đang mất đi
“Ngôn ngữ hình thể” không phải là điều mà Wenger hướng đến. Trong một cuốn sách về nghề huấn luyện được ông chấp bút ở Nhật Bản có tên Shosha No Esprit, Wenger bày tỏ quan điểm: “Là một nhà quản lý, bạn phải luôn tiết chế được cảm xúc cá nhân. Cảm xúc của đội bóng phải luôn được ưu tiên, và nghĩ về đội bóng luôn là ưu tiên của tôi”. Mark Hateley, người đóng vai trò là cái máy ghi bàn ở Monaco vào thời điểm mà họ giành được chức vô địch Pháp ngay trong năm đầu tiên dưới triều đại Arsene Wenger, nhớ lại: “Bạn không bao giờ hiểu rõ ông ấy. Kín đáo là một phần cá tính của Wenger. Kết quả là người ta biết rất ít về ông”.
Nhưng Wenger không phải là không biết nổi giận. Trong trận đấu với Manchester United vào ngày 16/4/2003, một trận đấu được coi là sẽ định đoạt ngôi vô địch, Ruud van Nistelrooy mở tỉ số cho M.U, Thierry Henry đã lập cú đúp để đưa Arsenal vượt lên dẫn trước, và các CĐV bất ngờ được chứng kiến một hình ảnh khác hẳn của Wenger sau khi Ryan Giggs đánh đầu gỡ hòa 2-2, từ một sai lầm chết người của hàng thủ Arsenal. Wenger quay sang trợ lý Pat Rice la hét, rồi hướng về phía các cầu thủ mà quát ầm lên.
Trước đây, ở Nancy và Monaco, Wenger từng nhiều lần viện đến một liệu pháp tâm lý “tối thượng”: Đóng cửa lại và “sạc” cho các cầu thủ một trận khi họ trải qua giai đoạn tồi tệ. Quãng thời gian đầu dẫn dắt Nagoya Grampus Eight tại Nhật Bản đã diễn ra hết sức tồi tệ với Wenger: Đội bóng thua 8/10 trận đầu tiên, nhưng các cầu thủ Nhật Bản dường như không quan tâm lắm đến nỗi đau và nhục nhã. Thế là Wenger quát thẳng vào mặt họ: “Các anh sợ cái gì? Cầu thủ chuyên nghiệp mà đá đấm thế à?” Từ đó, đội bóng đã lột xác, và họ trở thành một hiện tượng ở Nhật Bản, với lối đá tấn công mạnh mẽ, phóng khoáng.
Sự cứng rắn ẩn trong vẻ ngoài điềm đạm ấy từng là cá tính của Wenger, nhưng hiện tại, chúng ta chỉ nhận thấy sự mềm yếu dưới một vẻ ngoài khắc khổ. Những học trò của ông ở các thế hệ Arsenal trước đây như Tony Adams, Martin Keown, Patrick Vieira..., là những con người kỷ luật và mạnh mẽ, được dẫn dắt bởi một vị tướng nghiêm túc và cẩn trọng, nhưng Arsenal hiện tại chỉ còn là một tập thể vô hồn, và lỏng lẻo, bởi chính sự dễ dãi của ông Wenger.
Bảy năm không danh hiệu có thể là chuyện hết sức bình thường, nhưng điều đáng buồn nằm ở một cá tính đang mất đi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)