Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Arsenal không thua "bóng đá", mà thua "bóng tinh thần"

Chủ Nhật 30/09/2012 14:56(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nếu football đơn thuần là cuộc so đọ về tài năng của đôi chân, Arsenal đêm qua đã thắng Chelsea. Nhưng cuộc đời không toàn những cái đơn thuần như thế.

1. Mấy ngày nay, người yêu thể thao Mỹ sôi sục vì một đoạn video lan truyền trên mạng. Trong đoạn video ngắn đó, một DJ người Đức có nghệ danh Flura Borg đặt câu hỏi về cái tên “football” mà người Mỹ đặt cho môn bóng bầu dục của họ.

Tận dụng sự sơ hở của hàng thủ chủ nhà, Torres đệm bóng mở tỷ số cho Chelsea
Tận dụng sự sơ hở của hàng thủ chủ nhà, Torres đệm bóng mở tỷ số cho Chelsea

“Foot” là chân, “ball” là quả bóng, và rất dễ hiểu khi cái tên này được sử dụng cho môn bóng đá thông thường, nhưng việc người Mỹ dùng nó để gọi là bóng bầu dục thì lại có vấn đề: chân là bộ phận ít được sử dụng nhất trong môn thể thao này.

“Cả trận, các bạn đá được vào quả bóng khoảng 9 lần bằng chân. Thế tại sao các bạn gọi nó là football?” – anh chàng DJ làm bộ mặt nghiêm trọng hỏi khán giả - “Bạn nên gọi nó là ‘bóng ôm’ hoặc là ‘bóng ném thỉnh thoảng có đá’ chứ?”.

Video tất nhiên khiến nhiều người Mỹ tức tối: “football” vốn vẫn là quốc hồn quốc túy của họ. Khán giả tại các quốc gia khác thì được một phen nhảy vào bêu riếu cách dùng từ ngược đời này. Đoạn video của DJ Flura sau đó nổi tiếng đến mức được tờ tạp chí chính trị uy tín hàng đầu nước Mỹ, TIME, đăng lại kèm câu bình luận: “Anh ta cũng có lý đấy chứ?”

2. Nghe kể sơ câu chuyện cũng biết rằng DJ người Đức kia chỉ kiếm chuyện để nói chơi. Nguồn gốc từ vựng của tiếng Anh không thể sử dụng cách chiết tự kiểu “rắn là một loài bò” để phân tích. Nhưng cái cách nhìn của DJ Flura, cũng rất thú vị, và có thể dùng để suy ngẫm chứ không chỉ để giải trí.

Ví dụ, theo cách tư duy này, người ta có thể gọi môn thể thao mà Chelsea, Real Madrid hay Man City đang chơi là moneyball – “bóng tiền”. Những tiền đạo có khả năng đánh đầu thượng đẳng và đôi chân “gỗ” như Bierhoff, Mandzukic hay Klose thời kỳ trước, chơi một môn gọi là headball – “bóng đầu”. Các thủ môn chơi “bóng tay”, FIFA chơi “bóng chính trị”…

Cũng theo cách phân tích này, bạn sẽ nhận ra rằng chân (foot) đôi khi không phải là thứ quan trọng nhất trong một cuộc đấu bóng đá. Đôi khi, môn thể thao này hoàn toàn là spiritball – “bóng tinh thần”.

Trận thua của Arsenal trên sân nhà trước Chelsea có thể là bằng chứng cho tính chất này của bóng đá. Hai bàn thắng của Chelsea đều đến từ những tình huống không trông đợi: một pha xử lý chính xác của Fernando Torres, người vật vờ suốt phần còn lại của trận đấu; một pha đá phản lưới nhà ngớ ngẩn của Koscielny.

Chelsea chơi không hay. Nhưng kẻ tồi tệ nhất của họ cũng biết tỏa sáng đúng lúc. Arsenal chơi áp đảo. Nhưng người đáng tin nhất trong số họ cũng phạm sai lầm. Đó có lẽ là điều đã làm nên sự khác biệt của một đội vô địch Champions League trong thế yếu, và một kẻ không thể vô địch nổi League Cup trước Birmingham.
 

3. Đã bao nhiêu lần khán giả Emirates phải chứng kiến một trận đấu như thế? Một trận mà lối chơi của Arsenal xứng đáng với 3 điểm nhưng tinh thần của Arsenal không xứng đáng với 1 điểm?

Sử dụng luận điểm “bởi vì họ trẻ” thêm một lần nữa có thể khiến khán giả phát ngấy. Có lẽ phải lý giải việc Koscielny “giúp” Mata ghi bàn theo một cách tổng quát hơn: bởi vì họ là Arsenal.

Nếu gọi môn thể thao đã được chơi tại Emirates đêm qua là “football” – “bóng đá” thì bất công với Arsenal quá: họ sử dụng những đôi chân hay hơn. Nếu gọi nó là spiritball – “bóng tinh thần” thì cũng chẳng biết lý giải tại sao Arsenal luôn biết cách cúi đầu đúng lúc như thế…

Hay là ta phải gọi nó là “odds-ball”, “bóng may rủi”, như bản chất của cuộc sống, như một số mệnh mà đội bóng này buộc phải mang?

(Theo báo Bóng Đá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X