Có những cầu thủ thực sự gắn bó trọn đời với một CLB bằng cả trái tim và khối óc, như Ryan Giggs hay Paolo Maldini. Những người khác, đông đảo hơn hẳn, thừa nhận thẳng thắn họ chơi bóng vì tiền.
Arsenal đã có truyền thống bán đi những người lẽ ra có thể cống hiến trọn sự nghiệp cho CLB. Giờ đây, họ cần cơ cấu lại quỹ lương để nhắm tới đối tượng thứ hai, khi mà có vẻ như ban lãnh đạo Emirates rốt cuộc cũng đã chịu mở hầu bao rộng hơn cho ngân sách chuyển nhượng.
Cân bằng ngân sách
Thật ra thì cho tới giờ vẫn chưa có hợp đồng nào thành hiện thực ở Arsenal. Gonzalo Higuain, sau rất nhiều tin đồn, vẫn chưa chính thức khoác lên người chiếc áo đỏ-trắng. Wayne Rooney chỉ là một viễn tượng xa vời sau khi tân HLV David Moyes của M.U đã tuyên bố tuyển thủ Anh “không phải để bán”. Cho tới thời điểm này, khi họ đã sắp lên máy bay du đấu châu Á, Pháo thủ vẫn chưa giới thiệu được gương mặt ngôi sao mới nào để có thể đền đáp phần nào cho sự chờ đợi họ ở nửa bên kia địa cầu.
Tuy nhiên, với những cam kết lớn tiếng của Giám đốc điều hành Ivan Gazidis và chính Wenger về khoản “kinh phí chiến tranh” có thể lên tới 70 triệu bảng, có thể tin rằng đây sẽ là mùa Hè đầu tiên sau nhiều kỳ chuyển nhượng mà Arsenal thực sự đi lùng mua những ngôi sao bom tấn. Chỉ có điều, trong thời đại bóng đá kim tiền này, một mình ngân sách chuyển nhượng có lẽ là chưa đủ.
Trong quá khứ, đã không ít lần đội bóng áo đỏ-trắng không giữ được những ngôi sao lớn nhất của mình vì không chấp nhận phá vỡ cơ cấu quỹ lương cứng nhắc. Các cầu thủ hưởng lương cao nhất ở Arsenal hiện giờ, Lukas Podolski và Theo Walcott, chỉ nhận khoảng 110.000 bảng mỗi tuần, không bằng một nửa so với người nhận lương cao nhất của M.U (Wayne Rooney, 250.000 bảng mỗi tuần) và càng kém xa các siêu sao tại Chelsea hay Manchester City.
Tất nhiên, vị thế và tư duy của Arsenal không thể khiến họ học theo kiểu Chelsea hay Man City, nhưng ít ra M.U là một “điển hình tiên tiến” cho Wenger. Trong lần thứ nhất Rooney vùng vằng đòi rời Old Trafford, vào thời điểm anh được coi là người không thể thay thế với M.U, ngoài những động thái tâm lý, HLV Alex Ferguson đã thuyết phục được ban huấn luyện trả cho tuyển thủ Anh mức lương bằng với các ngôi sao Chelsea lúc bấy giờ. Kết quả là Rooney thay đổi thái độ, gia hạn hợp đồng và đưa M.U tới 2 danh hiệu Premier League nữa.
Bài học van Persie
M.U thực ra không phải là không có những nguyên tắc về chi tiêu. Họ chỉ tập trung mua cầu thủ trẻ, duy trì quỹ lương hợp lý và gia hạn hợp đồng năm một với những người đã trên 30 tuổi. Tuy nhiên, Ferguson luôn để chỗ cho những ngoại lệ, như việc mua về Dimitar Berbatov, với giá 30 triệu bảng khi tiền đạo này đã 27 tuổi. Còn thành công hơn nữa là CLB bỏ ra 24 triệu bảng và mức lương 250.000 bảng mỗi tuần cho vụ Robin van Persie.
Không sai, van Persie cần một thử thách mới, một đội bóng mà anh có thể giành danh hiệu (và đã làm được), nhưng chắc chắn tiền đạo người Hà Lan cũng cần một nơi có thể trả anh mức lương xứng đáng với tài năng của mình, khi mà sự nghiệp của van Persie có lẽ chỉ còn lại 2-3 năm ở đỉnh cao.
Trong những cuộc thương lượng cuối cùng trước khi để chân sút số 1 của họ ra đi, Arsenal chỉ đề xuất mức lương 140.000 bảng mỗi tuần, đã vượt ra ngoài khung lương ở CLB, nhưng rõ ràng là quá ít ỏi ở thời đại các tỉ phú Nga và Trung Đông đang đổ tiền vào bóng đá. Hệ quả tất yếu là họ coi như đã bán luôn chức vô địch Premier League mùa vừa rồi cho M.U.
Một vấn đề nghiêm trọng khác khiến quỹ lương của Arsenal trở nên bị bó buộc, dù rằng họ là đội có quỹ lương lớn thứ tư ở Premier League (chỉ sau M.U, Chelsea và Man City) và chiếm gần nửa doanh thu của CLB, là Wenger có quá nhiều người thừa trong đội hình. Ít nhất 6,5 triệu bảng tiền lương đã được giải phóng sau khi hàng loạt cầu thủ nhận lương cao nhưng ít đóng góp về chuyên môn, nổi bật là Sebastian Squillaci và Andrei Arshavin, ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do. Nhưng ngay cả như vậy, bảng lương Arsenal giờ còn phải gồng gánh những Nicklas Bendtner, Andre Santos, Marouane Chamakh, Johan Djourou và Park Chu Young.
Thật trớ trêu, như một vòng luẩn quẩn, vấn đề này liên quan tới chính sách chuyển nhượng. Không cầu thủ nào trong những cái tên kể trên có giá quá 15 triệu bảng, hầu hết là hàng giá rẻ, hoặc miễn phí. Hệ quả là khi họ chơi không đạt, chẳng CLB nào muốn rước về, dù là với cái giá như cho không, và Arsenal mắc kẹt trong chính cái bẫy do họ tạo ra.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)