M.U vốn không có duyên với các cầu thủ đến từ Nam Mỹ. Kleberson, Juan Veron, và Diego Forlan là những minh chứng rõ ràng nhất. Giống như các đàn anh, Anderson cũng từng bị xem là người thừa ở Old Trafford, nhưng Sir Alex vẫn hết sức kiên nhẫn khi giữ anh lại. Và ông đã đúng.
Đây đã là mùa giải thứ 6 Anderson khoác áo M.U, song không ít người vẫn xem anh như một cầu thủ trẻ. Lý do: sự nghiệp của tiền vệ này thường xuyên bị ngắt quãng bởi những chấn thương, và không thể ra sân thường xuyên. Bên cạnh lý do khách quan ấy, Anderson cũng bị cho là không thể phát triển được tài năng, và cái giá 20,4 triệu bảng (đắt thứ 6 trong lịch sử M.U) là quá đắt. Nhưng may mắn cho Anderson khi anh được làm việc với HLV kiên nhẫn bậc nhất thế giới như Sir Alex.
Mùa giải này, khu trung tuyến bị xem là điểm yếu lớn nhất của M.U, song thật kỳ lạ là ở thời điểm này, Sir Alex lại rất yên tâm về những cậu học trò. Carrick đã chơi quá ổn định từ đầu mùa, Giggs đang hồi sinh sau một thời gian bị chỉ trích nặng nề, trong khi đó, Cleverley và Anderson mang lại sức chiến đấu thực sự. Đó là chưa kể đến cầu thủ đa năng Phil Jones và tài năng trẻ Nick Powell. Chính vì thế, việc Fletcher nghỉ thi đấu đến hết mùa cũng chẳng phải một mất mát lớn lắm. Và M.U cũng chẳng tiếc rẻ gì khi không thể có được Wesley Sneijder.
Rất nhiều người cho rằng Anderson là mẫu cầu thủ thiên về sức mạnh nhờ khả năng tranh chấp bóng cực kỳ quyết liệt. Sau hơn 2 năm khoác áo M.U, với tổng cộng 78 trận, anh mới ghi được bàn thắng đầu tiên, và có vẻ như vị trí tiền vệ phòng ngự là thích hợp hơn cả. Song thật ra, Anderson chưa bao giờ là một cầu thủ chỉ biết đánh chặn. Ở Gremio, anh đá tiền vệ tấn công. Tại Porto, anh hay đá tiền vệ trái. Và hiện tại, trong mỗi lần ra sân cùng M.U, anh vẫn có thiên hướng lao lên phía trước để tham gia vào các đợt hãm thành.
Trận đấu với Fulham là một ví dụ. Được bố trí đá tiền vệ trung tâm cùng Carrick, Anderson không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ thu hồi bóng. Anh còn là người phát động trong hầu hết các đợt tấn công, với những đường chuyền hết sức chính xác. Pha chọc khe cho Rooney nâng tỷ số lên 2-0 là một tình huống thể hiện nhãn quan chiến thuật sắc bén của Anderson. Đó đã là đường kiến tạo thành bàn thứ 5 của Anderson kể từ đầu mùa, một con số cho thấy sự chuyển biến rất lớn về tư duy. Và nên nhớ, đây mới là trận thứ hai của Anderson sau khi phải nghỉ thi đấu 6 tuần vì chấn thương gân khoeo.
Màn trình diễn xuất sắc của Anderson trước Fulham là một dấu hiệu hết sức tích cực đối với M.U, đội bóng vẫn còn đang nuôi tham vọng ăn ba ở mùa giải này. Khi mà Giggs và Scholes đều đã quá già, Powell còn thiếu kinh nghiệm và Fletcher thì phải làm khán giả đến hết mùa, Anderson sẽ mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho tuyến giữa, nhất là trong trường hợp phải chia sẻ lực lượng cho nhiều đấu trường.
Việc Anderson tìm lại sự ngẫu hứng và sắc bén trong lối chơi cũng mở ra cánh cửa trở lại ĐTQG, sau gần 5 năm vắng bóng. Trước đây, phong cách hùng hục của anh bị xem là không thích hợp với bóng đá samba, nên anh chỉ được đá vài trận dưới thời Dunga, một HLV ưa thực dụng. Còn bây giờ, mục tiêu của Anderson sẽ là World Cup 2014, được tổ chức trên chính đất nước anh.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)