Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Zlatan Ibrahimovic: Chạm vào đâu cũng thành vàng

Thứ Bảy 14/05/2011 19:43(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hình như Ibra làm nhầm nghề, hoặc chính Thượng đế đã nhầm khi đáng lý phải đầu thai cho anh làm võ sĩ thì lại cho anh làm cầu thủ. Nhưng Ngài đã “sửa chữa” bằng cách trao cho anh nhiệm vụ sưu tập các danh hiệu vô địch quốc gia (VĐQG). Và Ibra không làm tất cả thất vọng.

Scudetto mùa giải 2010-2011 với Milan là danh hiệu VĐQG thứ chín trong 10 mùa giải (trong đó có 8 chức vô địch liên tiếp) mà anh giành được cùng với 5 CLB ở 3 nước khác nhau (trong đó có 3 CLB hùng mạnh bậc nhất Italia). Một kỷ lục thực sự đáng ngả mũ khâm phục.

7 hay 9 Scudetto, điều đó với Ibrahimovic chẳng có nhiều ý nghĩa, ít nhất là về mặt con số. Tiền đạo người Thụy Điển là kẻ vô cùng trung thành với các danh hiệu VĐQG. Dù đến nơi nào, khi bước bục chiến thắng vào mỗi tháng 5, anh vẫn bảo “tôi luôn cảm thấy như đây là chiến tích đầu tiên tôi giành được trong đời”. Hàng triệu người hâm mộ vẫn tin rằng Ibra không hề phát ngấy với những chiến tích ấy, tuy đã có đôi lần anh tâm sự rằng muốn đổi danh hiệu VĐQG với một chức vô địch quốc tế, chẳng hạn Champions League hơn. Bảng thành tích của Ibra rất chói lọi: 2 chức vô địch Hà Lan với Ajax Amsterdam, 2 Scudetto với Juventus (dù sau đó những danh hiệu này bị tước bỏ), 3 với Inter, 1 chức vô địch Liga với Barcelona, và bây giờ, Scudetto với Milan.

Zlatan Ibrahimovic: Cao thủ VĐQG

Tất cả quá trình chạm vào đâu cũng thành vàng đáng kinh ngạc ấy bắt đầu từ mùa 2003-2004 ở Hà Lan, sau mùa bóng 2002-2003 duy nhất mà anh không chinh phục được danh hiệu VĐQG cũng trong màu áo trắng - đỏ của Ajax Amsterdam. Một kết luận đáng được lưu tâm: Có Ibra là có chiến thắng ở cấp quốc gia, còn anh hoặc ai đó phát chán vì kết luận này đi chăng nữa cũng chẳng đáng lưu tâm. Và mùa bóng đặc biệt này, việc giành được Scudetto từ tay của chính Inter, kết thúc 5 năm thống trị tuyệt đối của đội bóng mà Ibra đã từng dâng cho nó 3 Scudetto, càng trở nên đáng chú ý hơn bao giờ hết.

Nhưng hãy tạm quên các vấn đề liên quan đến thống kê và tính toán. Ở Italia, nơi mà toán học thống kê chẳng mấy khi được ca ngợi trừ cơ quan thuế khi tìm đủ mọi cách để truy lùng những kẻ trốn thuế, người ta nhìn hình ảnh Ibrahimovic theo một cách khác. Với họ, Ibra không đơn thuần là một cầu thủ bóng đá nữa. Ibra là một dạng hòa trộn lí tưởng giữa một cậu bé Brazil ngỗ ngược sống trong khu favela (khu ổ chuột) và một cậu choai choai Brooklyn sẵn sàng cho ăn đạn bất cứ ai dám mắng vào mặt cậu là “đồ cặn bã”. Hơn thế nữa, một số tờ báo Italia còn gọi anh là Rocky Balboa, tay đấm bốc nổi tiếng trên bộ phim cùng tên của tài tử Silvester Stallone.

Bởi Ibra, ngoài thứ bóng đá hơi điệu điệu và phô trương trên sân bóng từ một cơ thể to đùng, cao 1m92 và chân đi giày cỡ 47, là một thứ bóng đá khác: Đến đội nào anh cũng có vài scandal liên quan đến việc “quá tay” với một ai đó, đưa ra những tuyên bố gây sốc vì mức độ bạo lực hoặc lấc cấc và cứ đến một đội bóng mới là quay lại chỉ trích đội bóng anh vừa chia tay nó ra đi. Ngày đến Inter, anh bảo: “Tôi đã là một interista từ tấm bé”. Trong buổi ra mắt với Milan, anh làm mặt hết sức nghiêm túc với các phóng viên: “Đây có lẽ là chiếc áo cuối cùng mà tôi sẽ mặc trong đời cầu thủ”. Vẫn với Milan, anh tuyên bố: “Tôi đến đây là để giành được tất cả”. Tất cả chắc là không, nhưng các danh hiệu vô địch thì có.

Ibra đã “kết hôn” với Milan chính là vì anh là chuyên gia Scudetto, và bởi anh luôn muốn đối đầu những thử thách mới. Có lần, khi được so sánh với Del Piero, người “cả đời chỉ Juventus”, Ibra cười khẩy: “Nếu ai đó luôn coi mình là cầu thủ lớn thì cần phải liên tục thay đổi đội bóng và thành phố mà anh ta đang sống. Chỉ có như thế, anh ta mới cảm thấy là mình có thể để lại dấu ấn ở bất cứ nơi đâu...”. Phải, để lại dấu ấn, nếu không trong bóng đá thì người của đối phương!

Mùa này, Ibra đã gây ra dăm ba chuyện với Milan. Anh khiến Galliani phải lên tivi thanh minh về việc anh đánh một đồng đội là Strasser. Anh đấm cả đối thủ đấm Marco Rossi, hậu vệ của Bari. Anh chửi trọng tài khiến dẫn đến án treo giò 3 trận. Anh dửng dưng nhìn vệ sĩ của mình đánh gục anh chàng phóng viên Staffelli của chương trình truyền hình hài hước Striscia la Notizia, người đuổi theo anh để tặng con heo vòi (“phần thưởng” cho những ai có hành động hài hước hoặc ngu ngốc nhất trong ngày). Sau đó, anh lại nở nụ cười “hồn nhiên” và nói với Staffelli khốn khổ: “Đấy là lỗi tại anh đấy nhá”. Ngẫm đi ngẫm lại, thì đúng là sau mấy năm núp bóng Inter, thể hiện một phong độ đỏng đảnh và yểu điệu ở cả Serie A lẫn các cúp châu Âu, Milan cần một cá tính mạnh đến mức hơi “khùng” theo kiểu Ibra.

Con người có bộ mặt ít khi dễ thương ấy sút bóng, ghi bàn, làm bóng cho đồng đội. Khi cần, anh cũng không ngần ngại lao vào đối đầu với tất cả, từ đối thủ, đồng đội, trọng tài, báo chí, đến cả người hâm mộ. Có một gã khùng ẩn nấp trong anh và những gì là bản năng nhất luôn chực chờ nhảy bổ ra ngoài. Một phóng viên Italia kể, là trong ngày đầu tiên gặp gỡ các đồng đội mới ở Milan, anh hất hàm hỏi các đồng nghiệp đã đoạt được không thiếu một thứ gì trong sự nghiệp: “Tôi đến đây để chiến thắng. Còn các anh?”. Hôm ra mắt các tifosi Milan trên sân San Siro, anh gào tướng lên: “Các bạn, tôi đến đây để chiến thắng”. Và anh chiến thắng thật, như mọi lần, với một cái giá không hề rẻ.

“Chỉ” được hưởng 9 triệu euro/năm ở Milan, anh giờ là cầu thủ được trả nhiều nhất Serie A. Nhưng con số đó còn thua xa hồi anh ở Inter (12 triệu), cao nhất thế giới. Barcelona đã từng phải chi ra đến 70 triệu euro để rước anh về mùa hè 2009. Cũng chỉ để đoạt mỗi chức vô địch Liga. Không Champions League. Không gì hết. Thế mà thật lạ, người ta vẫn bỏ ra hàng núi tiền cho một cầu thủ chẳng bao giờ tỏa sáng trong những trận đấu lớn trên đấu trường châu lục, thể hiện sự bạc nhược và non kém đến mức khó tin. Anh buồn vì điều đó, dĩ nhiên, vì anh rời Inter, Inter đoạt Champions tức khắc và anh đi, Barca mùa này vào chung kết Champions League, còn Milan thì bị tân binh Tottenham đánh văng từ vòng 1/8.

Điều gì đã và đang xảy ra với anh, gã khổng lồ không chỉ một lần thốt lên là “tôi muốn những thứ khác nữa ngoài các danh hiệu quốc gia”? Không ai biết. Trong khi tất cả chúng ta vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân của việc đó, thời gian vẫn trôi qua, Ibra có lẽ vẫn sẽ tiếp tục VĐQG và “phớt lờ” các Cúp châu Âu, đồng thời sẽ khùng hơn bây giờ. Nếu không thế, sẽ không phải là Ibra...

9 danh hiệu VĐQG của Ibra

CLB Mùa giải

Ajax/Hà Lan 2001-2002, 2003-2004
Juventus/Italia 2004-2005, 2005-2006
Inter/Italia 2006-2007, 2007-2008, 2008-2009
Barcelona/TBN 2009-2010
Milan/Italia 2010-2011

Những câu nói “bất hủ” của Ibra

“Tôi không cho mình là số 1 thế giới. Nhưng tôi tin là trên thế giới này, chẳng ai giỏi hơn tôi” (Ibra tuyên bố vào năm 2007, khi đang khoác áo Inter).
Tôi sẽ bảo với hắn rằng, mày có thể đánh tao bao nhiêu mày muốn cũng được, nhưng mày sẽ chẳng bao giờ lấy được bóng, cũng chẳng đốn được tao đâu” (Ibra trả lời câu hỏi của một nhà báo Italia: “Ibra, anh sẽ nói gì với đối thủ trước trận đấu”).
Tôi là Zlatan, còn các người là ai?” (câu nói gây sốc của Ibra khi anh vừa chuyển đến thi đấu cho Ajax Amsterdam, cách đây 10 năm).
Materazzi đã tấn công Mario (Balotelli) trong đường hầm ra sân. Tôi chưa bao giờ thấy một điều tương tự trong đời cầu thủ của mình. Lẽ ra cậu ấy nên để cho Mario được yên và trở lại sân để ăn mừng chiến thắng chứ. Nếu cậu ấy dám đánh tôi, chỉ trong 2 giây, tôi có thể hạ đo ván cậu ta” (tuyên bố sau trận Barcelona - Inter và sự cố ném áo xuống sân của Balotelli).
“Về những cái đó à, đi mà hỏi vợ các anh ấy
” (trả lời câu hỏi của một nhà báo “Nếu anh không chơi xấu thì tại sao lại có những vết xước trên mặt thế kia”).
“Khi tôi đến Italia, tất cả đều nói tôi là một dạng cầu thủ tuyệt vời, nhưng không ghi được nhiều bàn thắng. Tôi rất tò mò muốn biết giờ họ nói gì” (tuyên bố sau khi kết thúc mùa giải 20082-2009 mà Ibra đoạt danh hiệu Vua phá lưới với 25 bàn thắng).
Chỉ Chúa mới có thể phán xét tôi” (dòng chữ xăm trên sườn trái).
Tôi rời Inter đến Barcelona để đoạt Champions League mùa tới” (tuyên bố khi rời Inter sang Barcelona).
Tôi chưa hề gặp một người như thế. Nhưng nếu gặp, kiểu gì tôi cũng xin một cái lịch hẹn” (trả lời câu hỏi về việc theo anh, ai là người phụ nữ đẹp nhất thế giới).
Tôi hay đổi đội bóng à? Khi kí hợp đồng, tôi nghĩ, dường như đội bóng nào cũng là đội cuối cùng mà tôi chơi vậy. Sau đó thì tùy tình hình mà định liệu” (trả lời phỏng vấn báo chí Italia khi chuyển từ Barca sang Milan).
“Này, ông nói nhiều quá đấy. Nếu ông không thích tôi cũng như cách tôi chơi bóng, đừng xem nữa” (Ibra mắng xơi xơi cựu HLV Milan và ĐT Italia Arrigo Sacchi trên tivi, khi bị ông này chỉ trích về lối đá của mình).
Nếu Inter đoạt Champions League, tôi sẽ tự tử” (“nổ” trên báo chí Tây Ban Nha tháng 5/2010, khi còn đang khoác áo Barcelona).
Nếu mà tôi không đến Inter, thì họ chắc chắn chẳng giành được bất cứ danh hiệu nào cả” (trả lời họp báo khi chính thức trở thành cầu thủ Milan).
Tôi chẳng có gì để nói. Mọi người luôn nói về những cầu thủ xuất sắc nhất, và điều đó có nghĩa là họ cũng nói về tôi” (trả lời câu hỏi của một nhà báo về việc anh đã húc đầu vào một cầu thủ Udinese).

Có thể bạn quan tâm

Adriano: "Đời tôi là một sự phí phạm to lớn, nhưng tôi ổn với cuộc sống mình đang chọn"

Adriano: Đời tôi là một sự phí phạm to lớn, nhưng tôi ổn với cuộc sống mình đang chọn

Adriano: "Đời tôi là một sự phí phạm to lớn, nhưng tôi ổn với cuộc sống mình đang chọn"

Những lời tâm sự được chính cựu danh thủ Adriano viết trên website The Players’ Tribune, về nhịp sống tại khu ổ chuột nơi anh sinh thành, về quyết định rời bỏ thế giới bóng đá đỉnh cao hào nhoáng để tìm lại về nơi đây.

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Bẫy việt vị kiểu Pellegrini: Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Xem thêm
top-arrow
X