Không World Cup, không Quả bóng Vàng, dù đã chơi với phong độ đỉnh cao sự nghiệp trong mùa giải vừa qua, đó có lẽ là những sự tổn thương ghê gớm đối với một cầu thủ có thừa sự tự hào về bản thân như Wesley Sneijder. Bây giờ, anh phải vượt qua chính mình thêm một lần nữa, để giúp Inter. Cả 2 đều phải mạnh hơn ngày hôm qua.
Những lời tâm sự của anh trong đêm Gala FIFA một tháng trước có thể làm HLV Jose Mourinho phải rớm nước mắt (anh bảo “Mourinho là HLV tốt nhất thế giới”), có thể khiến cô vợ diễn viên Yolanthe Cabau van Kasbergen nhoẻn cười khi Sneijder bảo khoảnh khắc đẹp nhất đời anh là lúc… lấy được cô, nhưng không ai có thể làm điều tương tự với Sneijder trong đêm Gala ấy, xóa đi được sự thất vọng ẩn trong một góc sâu thẳm trái tim anh. Vào cái năm tiền vệ người Hà Lan đoạt cú ăn ba, vào đến chung kết World Cup, anh thậm chí không có tên trong danh sách 3 ứng viên cuối cùng của Quả bóng vàng FIFA.
Wesley Sneijder luôn là cái tên quan trọng trong lối chơi của Inter Milan
Với một cầu thủ có cái tôi rất mạnh như anh, đó là một sự đau đớn. Sneijder có thừa lý do để tự hào về bản thân mình, từ khi chỉ mới là một cậu nhóc. Anh gia nhập đội trẻ Ajax khi mới 7 tuổi, chơi trận đầu tiên cho đội bóng số một Hà Lan ở tuổi 18, và 3 tháng sau là lần ra mắt trong màu áo ĐTQG. Ngôi trường Ajax đã dạy cho anh nhiều điều: kỹ thuật, sự tự hào về truyền thống, tính cách sân cỏ, nhưng tài năng của anh vốn là bẩm sinh, từ kế thừa gia đình. Cha anh, Barry Sneijder, là một cầu thủ giỏi. Anh trai anh, Jeffrey, cũng chơi bóng chuyên nghiệp, còn cậu em Rodney cùng tập với Wesley ở đội trẻ Ajax.
Sneijder, sau khi ý thức rất rõ ràng về những phẩm chất bẩm sinh của mình, đã để ý thức ấy cai trị và bắt đầu bộc lộ sự kiêu căng của anh. Năm 19 tuổi, một lần Sneijder bị Ronaldo Koeman, HLV của Ajax khi ấy, thay ra sau khi ghi bàn. Anh hằm hằm về chỗ ngồi và lặng lẽ… giơ ngón tay thối. Một lần khác, khi ngồi cùng bàn ăn với thủ môn Piet Velthuizen, người mới có lần đầu tiên được gọi vào tuyển Hà Lan (và cũng là lần duy nhất, năm 2009), Sneijder hỏi anh chàng ấy xem anh ta kiếm được bao nhiêu tiền. Velthuizen trả lời, và Sneijder cười khẩy: “Thật là hài hước. Hóa ra tôi kiếm được nhiều gấp anh những 20 lần”.
“Con bò mộng đầy kiên nhẫn”
Nhưng sự coi thường của Sneijder đối với những cầu thủ kém tài hơn anh cũng có thể bắt nguồn từ ý chí chiến đấu rất mạnh của tiền vệ người Hà Lan. Các đồng đội ở ĐT trẻ Hà Lan từng đặt cho anh biệt danh là… Xì trum, một nhân vật hoạt hình nổi tiếng thuộc chủng tộc… tí hon, vì chiều cao khiêm tốn của Sneijder (đến nay là 1m70). Nhưng các nhà báo Hà Lan, một cách sắc sảo hơn, đã nhìn ra được sự mạnh mẽ của Sneijder. Họ gọi anh một “con bò mộng đầy sự kiên nhẫn”.
Nghe rất mâu thuẫn (con bò mộng thì làm gì có đức kiên nhẫn?!), nhưng đó là một cụm từ rất chính xác để nói về Sneijder. Báo chí Hà Lan viết rằng từ khi chưa đầy 5 tuổi, Sneijder đã bắt đầu phát triển kỹ năng chơi bóng đều cả 2 chân, và ở trung tâm đào tạo trẻ của Ajax, các HLV cũng dành cho anh một sự “chăm sóc” đặc biệt: Mỗi khi cậu nhóc này sử dụng chân phải khi tập luyện, họ lập tức tuýt còi. Kết quả? Đến năm 7 tuổi, Sneijder đã là một trong những cầu thủ nhí hiếm hoi của học viện có thể điều khiển quả bóng một cách thành thục bằng cả 2 chân. Anh cũng đã bỏ ra hàng giờ mỗi ngày với hình nhân trước mặt để thực hiện những cú đá hàng rào. Kết quả? Bây giờ, anh là một trong những người đá phạt giỏi nhất thế giới. Sneijder, ngoài sự kiêu căng, là một cầu thủ có trách nhiệm và đam mê, đôi khi đến mức thật khắc nghiệt với chính bản thân mình. Và không có gì lạ, khi anh trở nên khắc nghiệt với ngay cả những người không giỏi bằng anh.
Nhưng trong đêm Gala ở Zurich ấy, anh cũng đã phải nếm trải sự khắc nghiệt của bóng đá, một nỗi đau còn lớn gấp nhiều lần cảm giác của Velthuizen sau một câu nói chế giễu của Sneijder, hay cảm giác của Koeman khi bị cậu học trò 19 tuổi chơi xỏ. Một mùa bóng lên đến đỉnh cao sự nghiệp của anh, với cú ăn ba lịch sử, 5 bàn và ngôi á quân ở World Cup. Trái tim của nhà VĐ châu Âu, trái tim của á quân thế giới không có mặt trong danh sách 3 ứng viên cuối cùng cho danh hiệu Quả bóng vàng.
Nhưng với những người như Sneijder, nỗi đau và nghịch cảnh có thể đánh thức sức mạnh, từ niềm tự hào đến kiêu căng và cay nghiệt vốn có. Ở tuổi 26, vẫn còn rất nhiều điều để chờ đợi ở một cầu thủ đầy nghị lực và sự kiên nhẫn như thế. Sneijder vẫn còn nhiều thời gian để thuyết phục những người chưa thừa nhận anh, giống như khi anh khổ luyện từ bé chỉ để sửa chữa một “khuyết điểm” mà phần lớn các cầu thủ chuyên nghiệp đều mắc phải: Không thể chơi bóng đều bằng cả 2 chân.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)