Tại Pháp, án phạt dành cho tội quan hệ với người chưa đủ 18 tuổi là 3 năm tù, đồng thời phải nộp phạt 45.000 euro. Có thể, cả hai cầu thủ trên sẽ không phải ngồi tù (kể cả khi bị kết tội) vì họ có thể nộp bảo lãnh, và số tiền đó cũng không đáng là bao so với khoản lương bạc triệu của họ. Tuy nhiên, họ sẽ phải đứng trước tòa án lương tâm, khi đã phá hoại những giá trị đạo đức mà cả xã hội Pháp văn minh luôn đề cao.
Không hiểu scandal này sẽ còn đi tới đâu |
12 năm trước, các CĐV Pháp từng đổ xuống đại lộ Champs Elisee để ăn mừng chiến công vĩ đại của Zidane và các đồng đội, của một đội tuyển Pháp đa sắc tộc. Nhưng giờ, ở cách địa điểm lịch sử đó không xa là hộp đêm Zaman Café, nơi diễn ra những hành vi nhơ nhớp mà thế hệ những tuyển thủ Pháp ngày nay gây ra.
Khi sự việc bị đưa ra ánh sáng hồi tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Thể thao Roselyne Bachelot cũng như Quốc vụ khanh phụ trách Thể thao Rama Yade đã từng tuyên bố rằng những cầu thủ dính vào vụ bê bối trên không xứng đáng đại diện cho nước Pháp. Tuy nhiên, Ribery vẫn được coi là niềm hy vọng của đội tuyển Pháp tại World Cup, còn Benzema bị loại là vì sa sút phong độ chứ không phải là do hành vi vô đạo đức nói trên. Người Pháp đã dễ dàng xí xóa cho các ngôi sao của mình, để rồi họ phải chứng kiến đội nhà trở thành nỗi xấu hổ trên đất Nam Phi.
Điều đáng nói là khi đó, họ còn được ở trong những khách sạn sang trọng bậc nhất, bất chấp sự phản đối của nhiều người, trong đó có bà Yade. Và những con người được nuông chiều ấy, được dẫn dắt bởi một HLV cũng luôn được LĐBĐ nước này bao bọc bằng những quyết định ngoài chuyên môn, đã vấy bẩn màu áo Xanh vĩ đại. Bằng những câu chửi tục tĩu của Anelka, bằng sự ích kỷ của các cầu thủ do thủ quân Evra đứng đầu, và bằng sự trơ trẽn của Domenech khi từ chối bắt tay HLV Nam Phi Parreira ở loạt trận cuối vòng bảng.
Cũng chính Domenech là người đã lớn tiếng tuyên bố Pháp không việc gì phải xin lỗi người Ireland sau khi Thierry Henry chơi bóng bằng tay để giúp Les Bleus giành vé dự World Cup 2010. Thế nên, Pháp đến Nam Phi bằng cách nào, thì cũng rời giải đấu theo cách ấy, bằng những cái quỳ gối, như một sự tất yếu.
Phục hưng thế nào?
Điều đáng nói là vụ Ribery bị xới lại đúng vào thời điểm bóng đá Pháp đang nỗ lực tái thiết, với việc Laurent Blanc lên thay Domenech. Còn Ribery và Benzema thì được coi là những hạt nhân trong kế hoạch tái thiết ấy. Rõ ràng, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới những kế hoạch của Blanc, người được đánh giá cao cả về chuyên môn lẫn đạo đức.
Đặt giả thiết những cầu thủ trên bị ngồi tù 3 năm, thì coi như họ sẽ mất đứt Euro 2012, thậm chí cả World Cup 2014. Nhưng kể cả khi không phải ngồi tù thì họ liệu có đứng vững trước những búa rìu dư luận mỗi khi ra sân? Cần nhắc lại, bà Bachelot và Yade từng phản đối việc những cầu thủ dính chàm khoác áo đội tuyển Pháp, từ khi vụ việc mới chỉ là nghi án. Còn giờ đây, khi mọi việc đã có chứng cứ rành rành thì đương nhiên, những nhân vật này sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện ấy.
Tất cả những điều trên hẳn nhiên sẽ đặt Blanc cũng như Fernand Duchaussoy, người sẽ lên thay Jean-Pierre Escalettes trên cương vị chủ tịch LĐBĐ Pháp vào tình thế khó xử, nhất là khi vòng chung kết Euro 2012 sắp tới gần. Ngày 11/8 tới, Pháp sẽ đá giao hữu với Na Uy, và liệu khi ấy, Blanc có dám gọi 2 cầu thủ nói trên vào đội tuyển? Dưới thời Domenech, Les Bleus cũng thường xuyên bị khán giả nhà quay lưng. Thế nên, dù các CĐV Pháp có yêu Blanc đến mấy thì họ cũng không thể chấp nhận được việc những con cừu đen sẽ đại diện cho lá cờ tam tài đầy kiêu hãnh của nước Pháp.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)