Triều đại Berlusconi chưa kết thúc
Cuối tuần trước, tòa án dân sự Milan đã tuyên bố tập đoàn tài chính-truyền thông Fininvest của Berlusconi phải bồi thường cho đối thủ cạnh tranh CIR khoản tiền khổng lồ 750 triệu euro, do hành vi gian lận trong vụ đấu thầu giành quyền sở hữu nhà xuất bản Mondadori hồi đầu những năm 1990. Ngay lập tức những tin đồn cho rằng ông già vừa tròn 73 tuổi hôm 29/9 sẽ phải bán đội bóng Milan để nộp phạt dồn dập xuất hiện trên các mặt báo. Số tiền bồi thường kể trên là rõ ràng ngoài mức chi trả của Berlusconi, dù theo công bố của Forbes, tài sản năm 2008 của người đàn ông giàu thứ 3 Italia này là 6,4 tỷ euro (giá trị của Fininvest). Dễ dàng thấy bán “tàu há mồm” Milan là con đường khả dĩ nhất cho Berlusconi lúc này, bởi ông không thể bán hãng truyền thông Mediaset hay chính NXB Mondadori, những “con bò sữa” còn sống khỏe trong thời buổi Fininvest đang làm ăn sa sút. Hơn nữa, Berlusconi cũng không còn hứng thú với Milan trong vài năm gần đây, đặc biệt là mùa hè vừa rồi khi ông quyết định bán Kaka để lấy tiền và thi hành chính sách keo kiệt trong chuyển nhượng.
Mua Milan chỉ là chiêu PR của Taci (ngoài cùng bên trái) |
Hôm qua, Fininvest đã ra thông báo phủ nhận khả năng bán dù chỉ một phần quyền sở hữu đội bóng áo sọc đỏ-đen, điều tất yếu phải xảy ra. Berlusconi sẽ không bán, hay nói đúng hơn là chưa bán Milan ở thời điểm sự nghiệp chính trị, sự nghiệp kinh doanh và cả đời tư của ông đang gặp quá nhiều biến cố bất lợi. Berlusconi đã nhờ Milan rất nhiều để leo lên ghế Thủ tướng Italia những 3 lần trong 15 năm qua, luôn coi Milan là một công cụ hữu hiệu để duy trì thế lực trên chính trường, nên ông hiểu rõ việc bỏ rơi Milan lúc này cũng giống như tự tay chặt đứt nghiệp chính trị của mình. Mà nhiệm kỳ hiện tại của Berlusconi còn những 4 năm nữa mới kết thúc. Ngoài ra, việc bao giờ Berlusconi phải thanh toán khoản tiền lớn này cũng là câu hỏi còn bỏ lửng. Nếu như vụ án gian lận Mondadori phải mất gần 20 năm để làm sáng tỏ, thì việc thực thi các án phạt chắc cũng phải mất ít nhất 5 năm. Đấy là còn chưa tính đến khả năng với tư cách người đứng đầu nhà nước, Berlusconi có thể làm vụ này “chìm xuồng” một thời gian trước khi ông về hưu (2013). Đến khi đó, bán Milan cũng chưa muộn.
Taci chỉ “mượn gió, thả diều”
Từ Albania, ông trùm dầu mỏ Rezart Taci đã vội vã lên tiếng muốn mua lại Milan từ Berlusconi, bất chấp số tiền phải bỏ ra sẽ lên đến 700 triệu euro, tương đương 1/5 gia sản mà tỷ phú 38 tuổi này đang sở hữu. Trên Gazzetta dello Sport, Taci thậm chí tuyên bố đã nói chuyện trực tiếp với Berlusconi và đã nhận được lời từ chối, song khẳng định ông sẵn sàng móc hầu bao bất cứ khi nào Berlusconi muốn bán đội bóng mà ông hâm mộ nhất trên đời. Taci là một tifosi cuồng nhiệt của Milan là điều có thật, nhưng ý tưởng thâu tóm đội bóng giàu thành tích quốc tế nhất Italia chưa chắc đã là có thật, mà đây nhiều khả năng chỉ là một chiêu PR hợp thời của một trong những trùm kinh doanh “mafia” nhất châu Âu. Thật dễ dàng để đưa ra những tuyên bố không thiệt hại gì, mà bù lại, khiến tất cả phải “ngước nhìn”.
Đây chính là độc chiêu đã được Taci áp dụng thành công vượt bậc cách đây mới chỉ hơn 2 tháng, khi ông tuyên bố đã mua được Bologna với giá 22 triệu euro và sau đó rút lui vào phút chót chỉ vì phía bán đòi… 24 triệu. Vấn đề không phải là 2 triệu chênh lệch hay 22 hay 24 triệu, vì con số ấy là quá nhỏ bé so với hầu bao của Taci, mà nằm ở chỗ tỷ phú dầu mỏ này chỉ muốn lợi dụng vụ này để khuếch trương thanh thế. Hiệu quả vượt mong đợi. Từ chỗ vô danh, cái tên Rezart Taci bỗng nhiên được biết đến rất rộng rãi. Nay, thương hiệu toàn cầu Milan rõ ràng là bệ phóng lý tưởng để Taci đưa tên tuổi của mình đến khắp thế giới. Chỉ tốn vài gam nước bọt cho một chiến dịch PR khổng lồ.
Chỉ vài ngày nữa, chắc chắn câu chuyện đình đám này sẽ lại biến mất như chưa hề có gì xảy ra, bởi sự thực, người ta chỉ cần biết đến thế.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)