(Bongda24h) - Từ đầu mùa đến giờ, đội bóng số 1 nước Anh thể hiện bộ mặt cực kỳ nhợt nhạt, trên mọi phương diện từ thành tích, lối chơi, con người cho đến tinh thần. Trong đó, nổi bật nhất là một hàng tấn công lộn xộn, rời rạc, rất thiếu ý tưởng và rất dễ rơi vào trạng thái bế tắc do thiếu một người dẫn dắt, một bộ não sáng tạo (phần lớn bàn thắng của Man Utd mùa này đến từ các tình huống cố định). Bởi thế, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định rằng, Man Utd phải đưa về Old Trafford một "số 10" đẳng cấp giống như Mesut Ozil để làm mới hàng công. Tuy nhiên, xét theo những lý do được liệt kê dưới đây thì chưa chắc Man Utd đã mạnh lên, thi đấu hay hơn nếu có thêm một nhạc trưởng.
Man Utd nên khai thác, tận dụng Kagawa nhiều hơn thay vì đưa về một gương mặt mới
Ý đồ chiến thuật và xây dựng đấu pháp của David Moyes
Càng ngày, David Moyes càng lộ rõ kế hoạch đưa Man Utd trở về "thời kỳ đồ đá" bằng cách triển khai hệ thống cực kỳ cổ điển 4-4-2 truyền thống (hai tiền vệ trung tâm thi đấu giăng ngang và tấn công chủ yếu từ hai biên) thay vì kế thừa đấu pháp đang rất thịnh hành 4-2-3-1 và được Sir Alex vận dụng thành công trong mùa giải trước. Mà trong sơ đồ đó, hiển nhiên làm gì có chỗ cho một ngôi sao tấn công từ giữa sân. Không những vậy, Moyes còn "bắt ép" hai tiền vệ trung tâm phải chơi thấp, không được dâng lên cao tức là chỉ giao cho họ nhiệm vụ liên quan nhiều yếu tố phòng ngự (đánh chặn, kiểm soát trung tuyến, tranh chấp bóng với đối phương.,...) mặc cho những Carrick, Fellaini hay Tom Cleverley vốn dĩ sở hữu năng lực tấn công không hề tồi. Phải chăng do Moyes làm việc ở một CLB nhỏ quá lâu, lại vừa dẫn dắt một đội bóng lớn chưa được bao lâu nên chưa thể một sớm một chiều thoát khỏi lối tư duy của một kẻ yếu thế (lúc nào cũng sợ thua và luôn phải đặt tính an toàn lên hàng đầu). Dĩ nhiên, chẳng có thứ gì tồn tại vĩnh cửu song ít nhất trong vài tháng tới, đừng mơ "Moyes United" thể hiện đúng vị thế của một ông lớn mà vẫn sẽ là hình ảnh phảng phất đặc trưng của một "nhược tiểu".
Shinji Kagawa hoặc Wayne Rooney
Một triết lý muôn thuở không chỉ tồn tại trong môn thể thao vua: Hãy tận dụng hết nguồn lực sẵn có trước khi bổ sung thêm. Đừng quên rằng, Man Utd đang thuộc quyền sở hữu của những người Mỹ vốn đầy thực dụng, tính toán, đề cao sự hiệu quả và không bao giờ có chuyện hoang phí trong chi tiêu cũng như sử dụng nhân sự. Nói một cách khác, Man Utd sẽ chỉ được phép mua cầu thủ nếu thực sự cần. Đặt giả thuyết thời gian tới, Moyes sẽ thay đổi quan điểm để dành đất diễn cho một tiền vệ tấn công trung tâm thì hiện giờ, Man Utd không thiếu người có thể đảm trách vai trò này và gương mặt đầu tiên cần phải nhắc đến không ai khác ngoài Shinji Kagawa. Không ai có thể phủ nhận tài năng, đẳng cấp của ngôi sao xứ Phù Tang khi đã tạo dựng được thương hiệu ở Bundesliga, lại mang hình mẫu một tiền vệ công hiện đại (vừa giỏi kiến tạo, vừa biết ghi bàn. Trong màu áo Dortmund, có mùa Kagawa đã ghi đến 17 bàn thắng). Đúng là, Kagawa đã thi đấu không xuất sắc như kỳ vọng nhưng không đến mức độ quá tệ. Thậm chí, nếu được sử dụng thường xuyên hơn ở vị trí ưa thích thì tin chắc, màn trình diễn của Kagawa sẽ còn tốt hơn nhiều. Thể hình, thể lực của cầu thủ này cũng hoàn toàn phù hợp với môi trường đề cao sức mạnh như Premier League. Khoảng thời gian cuối ở trận đấu vừa rồi gặp Sociedad ở Champions League khi Kagawa được thi đấu đúng sở trườn đã chứng minh anh hoàn toàn đủ khả năng nắm giữ vai trò thống lĩnh hàng công. Ngoài ra, tận dụng Kagawa rõ ràng là giải pháp khôn ngoan nhất trong giai đoạn trước mắt bởi ít ra, anh đã hiểu rõ Man Utd chứ giờ mua một cầu thủ mới thì cũng cần phải thời gian để người này tìm hiểu, hoà nhập đội bóng và cũng chẳng có gì đảm bảo sẽ thành công. Há chẳng phải trong quá khứ, Man Utd từng nhiều lần thất bại khi tuyển mộ một tiền vệ tấn công, kể cả đẳng cấp đến mấy (Veron hay Kleberson là những minh chứng hùng hồn).
Nếu Moyes không thích dùng Kagawa thì tại sao không nghĩ đến Wayne Rooney. "Chàng Shrek" từng để lại dấu ấn không nhỏ khi phải lùi xuống thi đấu như một hộ công và với tố chất sẵn có, R10 không khó thành công trong trường hợp phát triển theo hướng này. Dù cho Rooney không ít lần tuyên bố chỉ muốn được chơi đúng sở trường tiền đạo nhưng trong tình cảnh hiện tại cộng thêm sự chuyên nghiệp và khát khao cống hiến cháy bỏng (Rooney luôn rất khó chịu khi phải ngồi ngoài sân) hẳn anh sẽ hoàn toàn vui vẻ khi một lần nữa, phải chịu hy sinh bản thân vì lợi ích của CLB. Rooney có thể không "hoa mỹ", thông minh, mềm mại, uyển chuyển đầy sáng tạo như khuôn mẫu cơ bản của một "số 10" song đổi lại, anh luôn tràn đầy sinh lực, giàu sức chiến đấu và thừa khả năng xuyên phá bất cứ hàng thủ nào. Cần nhớ, dưới triều đại của Sir Alex Ferguson, Paul Scholes được mặc nhiên thừa nhận là tiền vệ tấn công vĩ đại nhất mà anh cũng đâu phải là một "nghệ sỹ sân cỏ".
Nhu cầu cấp bách và sự thiếu chiều sâu của đội hình
Thực ra, khía cạnh này cũng dính dáng đến chuyện tiền bạc. Ban lãnh đạo từng tuyên bố sẽ cấp cho David Moyes khoản ngân quỹ 50 triệu bảng để chi tiêu trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông sắp tới. Số tiền đó có thể lớn với suy nghĩ của giới chủ vốn rất "căn cơ", đặc biệt trong thời buổi "thóc cao gạo kém" nhưng so với mặt bằng chung của làng túc cầu giáo thì chẳng thấm vào đấu khi mà ngay cả những cầu thủ mới thành danh cũng bị hét giá cực cao. Arsenal đã phải đầu tư hơn 40 triệu bảng vào Mesut Ozil thì Man Utd chắc chắn không thể bỏ ra ít hơn số tiền đó để có được một tiền vệ tấn công đẳng cấp tương đương tuy nhiên, nhà ĐKVĐ Premier League làm sao có thể dồn toàn bộ tiền vào một cầu thủ duy nhất trong bối cảnh, còn nhiều vị trí khác xung yếu hơn. Nếu Man Utd có thể chịu chơi như Man City hay Chelsea thì chẳng nói làm gì, đằng này, muốn mua ai, Moyes kiểu gì cũng phải "đặt lên đặt xuống" kỹ càng. Lịch sử cũng khẳng định, kể cả trong thời kỳ huy hoàng nhất, chưa bao giờ Sir Alex Ferguson gây bão trên TTCN bằng một loạt những bản hợp đồng bom tấn trong cùng một thời điểm, huống chi giai đoạn này. Đừng mơ đến viễn cảnh đột nhiên Moyes được phép xài tiền thoải mái, mua sắm vô tư mà không phải lo nghĩ.
Trước mắt, rõ ràng, Man Utd cần phải tăng cường một hậu vệ cánh (cả trái lẫn phải), một tiền vệ cánh tầm cỡ hay một trung vệ tên tuổi mà chỉ riêng mấy tân binh này cũng sẽ làm tiêu tốn không dưới 50 triệu bảng. Đã qua rồi cái thời, chỉ một ngôi sao cũng đủ sức kéo cả đội. Tính tập thể trong bóng đá ngày càng được đề cao. Một CLB muốn thành công phải mạnh đồng đều trên mọi tuyến chứ không thể "thủng lỗ chỗ". Barca có thể phụ thuộc nhiều vào Messi nhưng nếu những cầu thủ xung quanh không đạt tới tầm cỡ thế giới thì một mình M10 cũng chẳng thể làm nên chuyện. Hay như sự xuất sắc của Ozil tại Arsenal hiện nay. Về cơ bản, Wenger đã dày công gây dựng được một Arsenal gần hoàn chỉnh và Ozil chỉ là một "miếng ghép" làm cho bức tranh trở nên hoàn hảo chứ anh không phải là tất cả với "Pháo thủ". Tất nhiên, David Moyes mà "đỉnh cao" như người tiền nhiệm Fergie khi vẫn đưa được đội bóng tới chức vô địch Premier League mùa trước dù sở hữu tiềm lực hạn chế, "còi cọc", được xem là yếu nhất trong những năm Sir Alex cầm quyền thì quá tốt song đó phải là câu chuyện của thì tương lai (hoặc chẳng bao giờ xảy ra) còn mùa này, đừng mơ tưởng điều kỳ diệu sẽ được tái diễn. Thậm chí, với lực lượng mỏng, "vừa thiếu vừa yếu" như hiện nay, Man Utd chỉ cần lọt vào Top 4 thôi cũng sẽ được giới chuyên môn ghi nhận là một thành tích vĩ đại. Do đó, thay vì cứ mải miết theo đuổi kế hoạch mua một tiền vệ trung tâm mới thì hãy dành nguồn lực, công sức vào những mục tiêu khác cấp bách hơn.
Kết luận: Nếu Man Utd lại chỉ bổ sung được duy nhất một tiền vệ công giống như dịp mùa hè vừa rồi khi mang về một mình Fellaini thì khả năng "Quỷ đỏ" trắng tay trong mùa này sẽ trở nên hiện thực hơn bao giờ hết vì "một cánh én nhỏ chẳng thể làm nên mùa xuân".
Bảo Phương