4 đội từng nhắc đến mong muốn chơi Tiki-taka, là Chelsea, Manchester City, Swansea và Liverpool đều không thể ghi nổi lấy một bàn thắng. Trong khi một đội cũng được coi là đại diện cho lối chơi tấn công đẹp mắt là Arsenal cũng im tiếng khá nhạt nhẽo. Premier League có cần Lionel Messi để không biến thành trung tâm quảng cáo ?
1. Nếu Messi chơi cho Chelsea, đội áo xanh chắc không phải chờ đến phút 39 mới sút được một cú về phía khung thành Manchester City, và Fernando Torres đã không mất thời gian để bực tức vì thiếu sức rướn trong những pha tăng tốc.
Nếu Man City có Messi, thì HLV Roberto Mancini có lẽ đã không phải tung đủ 4 chân sút của ông vào sân tại Stamford Bridge, từ mẫu tiền đạo sức mạnh như Dzeko, khéo léo như Aguero, vừa khỏe vừa tinh quái như Tevez, hay cá tính đến bất trị như Balotelli. Mà cuối cùng vẫn không ghi được bàn thắng. Từ không ít cơ hội tạo ra từ đầu đến cuối trận.
Trận Swansea và Liverpool cũng thế. Thế trận chuyền qua chuyền lại và ăn miếng trả miếng sôi động của hai đội cần thêm một Messi để tạo ra cú rướn quyết định đến bàn thắng. Arsenal thì cũng cần một Messi để kích thích lối chơi nhạt nhẽo của họ và làm cho nó trở nên có lửa hơn. Bằng một vài pha xử lý cá nhân bắt mắt và có thể khiến các khán đài rộ lên chẳng hạn.
Bàn thắng đã từng là niềm tự hào của Premier League, ngay cả khi giải đấu này chưa được coi là số một thế giới. Nhưng khi nó đã đi vào “quỹ đạo giải trí”, thì một vòng đấu mà rất nhiều đội đang cố tạo ra tính giải trí đều không thể ghi bàn, sản phẩm “vui vẻ” nhất của bóng đá.
2. Tiki-taka đang trở thành một sản phẩm quảng cáo của truyền thông Anh về các đội bóng của họ. Bằng cách nào? Swansea trở thành một hiện tượng mùa bóng trước với các đường chuyền ở đoạn ngắn, và được coi như một CLB nhỏ đủ phẩm chất đá Tiki-taka. Chelsea mua về các cầu thủ nhỏ bé theo trường phái Latin ở đẳng cấp cao (Oscar, Juan Mata), thế là được cho là sẽ chơi Tiki-taka đến nơi. Liverpool lấy về người đã tạo nên hiện tượng Swansea mùa trước là HLV Brendan Rodgers, thế là họ cũng được xếp vào danh sách Tiki-taka. Man City cũng thế. David Silva hay Sergio Aguero được coi là những cái tên đảm bảo cho lối chơi này.
Báo chí Anh, đặc biệt là tờ Guardian, thậm chí còn từng “vơ vào” rằng Arsenal cũng vận hành một lối chơi tương tự Barca, dù bản chất hai lối chơi này khác nhau. Arsenal thời kỳ đỉnh cao phát triển lối chơi một chạm theo chiều dọc và cố gắng đưa bóng lên phía trước nhanh nhất có thể, còn Barca đan bóng theo chiều ngang theo mạng lưới và có thể khiến các khán giả lẫn đối phương phải sốt ruột.
3. Tiki-taka, một lối chơi đã đủ tầm nâng lên thành trường phái, không hề được thai nghén dễ dàng. Không một đội nào kể trên có một lò đào tạo trẻ ra hồn, trừ Arsenal, nhưng đội bóng này những năm gần đây không còn giữ được “phong độ” thường thấy. Và ngay cả cách “đào tạo” của Arsenal cũng dựa nhiều vào việc phát hiện và mua các cầu thủ trẻ thường là đã ở độ tuổi phát triển tương đối 15-16, hơn là một nơi mang tính tự cung tự cấp cao như La Masia.
Chưa một đội bóng nào định hình rõ ràng được cách chơi của họ, từ Chelsea lúng túng trong trận đầu tiên của Rafa Benitez, Man City đang có nguy cơ “chết yểu” trong tay Mancini, Liverpool rối bời của Rodgers hay Arsenal trong giai đoạn chuyển giao (quá lâu?) kể từ thế hệ 49 trận bất bại.
Vòng đấu vừa qua, chúng ta đã nhìn thấy “Tiki-taka trên báo” của các đội bóng Anh thể hiện ra sao, và tôn chỉ tấn công mà bóng đá Anh tôn thờ đã trải qua một ngày ảm đạm thế nào. Trong những trận đấu dạng như thế, thì có lẽ chỉ có Messi mới khiến các khán giả vui vẻ hơn. Khi bàn thắng đi vắng, thì đôi khi, mọi sự tung hô và đánh bóng đều trở nên vô nghĩa.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)