Thứ Tư, 13/11/2024 Mới nhất
Zalo

Tự truyện "Một nửa sự thật" của Roy Keane (Chương 2): Peter Schmeichel - "nỗi nhục" của Old Trafford

Thứ Sáu 17/10/2014 15:55(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
“Cầu thủ Man Utd cực kì thông minh. Trong phòng thay đồ của họ, chẳng thể có cuộc lật đổ nào từ những gã trai trẻ”.

Người quyết định việc mua Ronaldo là John O'Shea?

Chúng tôi hướng thẳng từ Mỹ (vùng Seattle) đến Sporting Lisbon để chơi trận khai trương sân vận động mới của họ. Thực ra vào lúc đó, cả đội đều dính hội chứng lệch múi giờ, và bản thân tôi cũng cực kì choáng váng. Khi ra đến sân, tôi cảm thấy đỡ một chút và muốn thi đấu nhưng HLV để tôi nghỉ trên băng ghế dự bị cùng một vài người đồng đội khác. Tôi vẫn nhớ hôm đó, tôi ngồi cạnh Ryan Giggs. Chúng tôi nhìn vào sân xem họ thi đấu, chỉ trỏ và cười cợt một vài cậu nhóc đang ở ngoài kia chạy theo quả bóng.

Tôi đã thấy được uy lực của Ronaldo là khủng khiếp đến thế nào. Lúc đó cậu ta còn chơi cho Sporting, và người phải theo kèm Ronaldo là John O’Shea. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng O’Shea phải gặp bác sĩ gấp ngay giờ nghỉ giữa hiệp. Hắn nói bị đau đầu và chóng mặt, có lẽ hắn đã bị Ronaldo quay cho như dế. Chúng tôi từ đó về sau luôn đùa với Sheasy rằng có lẽ thương vụ mua Ronaldo sau đó của đội bóng thành công rực rỡ là vì hắn ta đã múa may như một gã hề trước mặt gã trai trẻ người Bồ. Thực ra hôm đó Sheasy bị lệch múi giờ cung như chúng tôi; nhưng dù sao tôi cũng nghĩ rằng việc CLB mua Ronaldo đã được chốt ngay sau trận đấu đó. Dù gì Man Utd cũng đã theo dõi Ronaldo trong thời gian dài trước đó rồi.

Ronaldo cập bến đội bóng ngay khi mùa giải 2003/04 khởi tranh và ngay lập tức tôi phải thích gã trai này. Thực ra thái độ của cậu ta khá tốt; nhưng cái khiến tôi đánh giá cậu ta cao hơn là Ronaldo có lựa chọn ở lại Lisbon dưới dạng cho mượn thêm một năm, nhưng cậu ta không đồng ý và đến thẳng Manchester không chút do dự. Đó quả thực là một quyết định dũng cảm của chú nhóc 17 tuổi. Sau một vài ngày đầu tiên, nhìn Ronaldo tập luyện phản ứng của tôi có thể tóm tắt là “Chú nhóc này có thể trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”. Tôi không bô bô điều này ra công khai với ai, đương nhiên rồi, vì tôi hiểu rằng ngợi ca một cầu thủ quá sớm là cách nhanh nhất để giết chết tiềm năng của cậu ta.

Ronaldo từng làm khổ đồng đội cũ O
Ronaldo từng làm khổ đồng đội cũ O'Shea khi còn khoác áo Sporting Lisbon

Nếu bạn gọi Zidane là một cầu thủ bóng đá giỏi, thì Ronaldo đích thị là một bản sao. Khung người, ngôn ngữ cơ thể - tất cả mọi thứ dành cho sự vĩ đại đều nằm ở đó, và đương nhiên kèm theo một chút cứng đầu và xấc xược. Nhưng thực ra cậu ta rất dễ mến, đến mức khiến chúng tôi, cho đến giờ này, đã quên tiệt việc Ronaldo đã đá kém và bị chỉ trích thậm tệ đến thế nào trong những trận đầu tiên. Giai đoạn đầu chứng kiến cảnh cậu ta… ngã ra ăn vạ rất dễ dàng bởi những cú tắc bóng, và kém cỏi trong các tình huống quyết định. Thực ra thì thông cảm được thôi, lúc đó cậu ta mới là một đứa trẻ 17 tuổi. Lúc 17 tuổi thì tôi làm được cái gì? Đá bóng cho Rockmount ở Cork. Điểm đáng ghi nhận là Ronaldo chẳng mất nhiều thời gian để trở thành cầu thủ chăm chỉ nhất United. Hầu hết các cầu thủ tôi biết đều rất chịu khó, nhưng Ronaldo còn là… thiên tài tập luyện.

Ronaldo đẹp trai và cậu ta biết điều đó. Thỉnh thoảng trông cậu ta thật ngu ngốc khi đứng trước gương và ngắm vuốt; tuy nhiên thực ra khi nhìn vào Ronaldo, suy nghĩ của tôi thường tích cực. Còn khi nhìn vào những gã trẻ khác đang soi gương tôi chỉ nghĩ “Đồ cá thiu chết tiệt”. Lí do là vì Ronaldo tương đối ngây thơ; cậu ta chẳng bao giờ vênh váo hay dừng công việc tập luyện lại. Ronaldo lo lắng cho các trận đấu nhiều hơn là soi gương. Tôi có cảm giác rằng bóng đá là tình yêu thực sự của cậu ta. Khi đã vào trận đấu, cậu ta cháy hết mình. Hồi World Cup 2006, cậu ta bị chửi rủa rất nhiều về việc ăn vạ, rồi thì khiến cho đồng đội Rooney bị đuổi khỏi sân khi hai đội gặp nhau tại Tứ kết. Theo tôi nghĩ cách chơi bóng đó là bản năng của các cầu thủ ngoài vương quốc Anh: ngã ra khi ở gần vòng 16m50, kiếm phạt cho đội nhà và khiến đối thủ rời sân trong bực dọc.

Câu chuyện của Gazza (Paul Gascoigne) rất được ưa chuộng, vì nó là một thảm hoạ sự nghiệp. Tuy nhiên, sẽ tuyệt vời hơn khi được nghe và chứng kiến những câu chuyện của một cầu thủ tận dụng tới tối đa tiềm năng bản thân và toả sáng. Có những người chê Ronaldo, nhưng rồi cũng phải câm họng vì buộc phải thừa nhận cậu ta đáng đồng tiền bát gạo. Chê làm gì khi mà càng chê thì cậu ta càng toả sáng. Bạn có thể thấy rằng Ronaldo hơi xui xẻo vì sinh cùng thời với Messi, nhưng không, trong mắt gã trai người Bồ này, Messi là một mục tiêu cố định. Cậu ta bảo: “Tôi muốn giỏi hơn Messi”.

Những cầu thủ trẻ luôn như thế, tràn trề năng lượng, nhiệt huyết và chẳng biết sợ là gì; họ sẽ thử làm mọi thứ có thể, kể cả là điên rồ nhất. Tôi 32 tuổi vào mùa 2003/04; tôi thấy mình chưa đáng để dẹp bỏ đi vì chỉ có bọn cầu thủ 38 tuổi trở lên là vô dụng. Tuy nhiên tôi hiểu thời của mình sắp hết, cánh cửa rời đi mở ra rộng vô cùng khi những Ronaldo, những Rooney, những cái tên trẻ lần lượt cập bến. Man Utd như một cỗ máy xay người vậy; tôi vẫn còn nhớ lúc khởi nghiệp, tôi đã phải chứng kiến Bryan Robson và Steve Bruce ra đi. Đứng trước tình cảnh đó tôi chẳng sợ, mà chỉ đơn giản nghĩ: bóng đá là thế, 32 tuổi là đã bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Một nhà tâm lý học thể thao đã nói thế này: việc sụt giảm phong độ sẽ đến rất từ từ, chậm rãi thôi; nhưng rồi đến khi bạn kịp hiểu là bạn đang kém đi thì “Bùm”, bạn chẳng còn nhận ra chính mình nữa. Ai cũng mong cái quá trình suy giảm đó đến từ từ thôi.

Cuộc chiến lúc nửa đêm với Peter Schmeichel

Tôi xuống phong độ ở Man Utd một cách khá đẹp mắt, vẫn ra sân, vẫn chơi tốt và không thấy xấu hổ. Đương nhiên tôi không thể thống trị cả trận đấu như đã từng làm nữa; nhưng điểm tích cực khi những cầu thủ giỏi nhất thế giới vây quanh bạn là bạn luôn muốn chứng tỏ giá trị bản thân. Họ phải gây ấn tượng với bạn và ngược lại. Thế nên mới có chuyện khi có người mới đến, đội bóng luôn tiến bộ. Ai cũng nghĩ rằng “Chết tiệt, tôi không muốn hắn ta thấy tôi là một thằng kém cỏi. Tôi không muốn hắn nghĩ rằng “Lão già này sắp phải cuốn xéo rồi”. Và thế là tôi cố gắng.”

Đội bóng thay da đổi thịt khủng khiếp. Peter Schmeichel rời đi vào năm 1999, và thay thế anh ta quả là khó khăn. Chúng tôi đã có Fabien Barthez, Mark Bosnich, Massimo Taibi, Roy Carroll… và tới lúc đó là Tim Howard. Tuy nhiên phải tới năm 2005, Edwin Van Der Sar mới có thể thực sự thay thế Schmeichel. Lại nói về anh chàng Đan Mạch này; thực ra chúng tôi đã có một chút xích mích hồi năm 1998, khi cả đội đi tập huấn hè ở châu Á. Khi đó chúng tôi ở Hongkong, tôi chỉ vừa trở lại sau chấn thương dây chằng. Nicky Butt và tôi vừa đi ra ngoài, hẳn là có uống một chút, và chúng tôi gặp Peter ở bàn lễ tân khoảng 2 giờ sáng. Chúng tôi trao đổi với nhau một vài lời không mấy thân thiện, có một chút cợt nhả, một chút kích động trong đó. Tôi về phòng Nicky, ăn một chiếc sandwich và đứng lên để đi về thì thấy Peter đợi ngay ngoài cửa.

Schmeichel là một huyền thoại ở Man Utd trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh, từng cùng CLB năm lần vô địch sân chơi này và đoạt thêm 10 danh hiệu lớn nhỏ khác, trong đó có một danh hiệu Champions League.
Schmeichel và Roy Keane rất ghét nhau vì kiểu "thích thể hiện" của thủ môn người Đan Mạch

Trước đó đã có nhiều xích mích giữa chúng tôi, lí do chuyên môn đơn thuần thôi. Tôi không khoái kiểu anh ta hét lên trên sân “Nhìn tôi đi!”, nó chẳng khác quái gì việc nói rằng “Nhìn vào những gì tôi phải đối mặt đây này!”. Thật không hợp lý khi nói với cả một tập thể như vậy, dù có là để tập trung và bình tĩnh đi nữa. Chúng tôi không phải anh em tốt, nếu không muốn nói là không ưa đối phương. Hôm đó, trông Peter khá căng: “Tôi chịu đựng đủ cậu rồi đấy. Giải quyết cho xong đi” - “Okay” - tôi đáp.

Chúng tôi đánh nhau trong khoảng 10 phút, thật ồn ào. Peter hẳn nhiên là không nhỏ nhắn gì cho lắm. Sáng hôm sau tôi thức giấc và chỉ mơ hồ nhớ về trận chiến đó. Tôi nói chuyện với Denis Irwin, và trễ một vài phút cho chuyến xe bus đến sân bay. “Các cậu đâu rồi?” - chúng tôi nhận được cuộc gọi. Denis là một trong những gã trai ngoan nhất mà bạn có thể may mắn gặp được, thế nên việc trễ xe bus như thể là một sự kiện lớn. Hắn mất lí trí và định nhảy vào đánh tôi như thể phê thuốc hay gì đó đại khái vậy. 

Tôi nói với hắn nhẹ nhàng “Tôi đánh nhau đêm qua rồi”. Lúc này tay tôi mới sưng lên và một ngón tay thậm chí còn quặt ngược ra đằng sau. Chúng tôi cùng nhau lên xe bus, ăn một trận chửi của HLV rồi nghe mọi người bàn tán về việc tôi đánh nhau đêm qua, và phải tới lúc đó mọi thứ mới dần dần hiện ra trong đầu tôi. Đêm qua Nicky Butt là người đã làm hoà chúng tôi như thể một trọng tài đấm bốc vậy. Peter nắm lấy tôi và tôi vít cổ anh ta. Trận chiến có vẻ khá lâu, và Nicky thậm chí còn có luôn biệt danh mới, Mills Lane, tên một trọng tài nổi tiếng trên võ đài. 

Suốt chuyến bay, Peter đeo kính đen và không cởi ra. Lúc ấy làm gì có nắng. Chúng tôi hạ cánh, tôi cũng không nhớ là ở đâu, nhưng đó là địa điểm cho một trận đấu mới. Và đương nhiên trước trận thì phải có họp báo. Hai người luôn trả lời họp báo lúc ấy ở Man Utd là tôi và Peter. Anh ta cởi kính ra trong phòng họp, khoe ra một bên mắt thâm xì. Một lô các câu hỏi bay vào mặt Peter: “Peter, chuyện gì xảy ra với mắt anh thế?”. Đoạn, anh ta trả lời: “Chúng tôi gặp tai nạn trên sân tập. Tôi bị dính một cùi chỏ của đồng đội.”

Thế là hết. Chuyến du đấu kéo dài trong 8 hay 9 ngày gì đó, và không còn một ai nhắc đến cuộc chiến nữa, kể cả các nhân viên. Tay tôi lành, còn mắt Peter cũng đỡ thâm. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu trở về đại bản doanh, HLV gọi tôi và Peter vào văn phòng: “Hai cậu đã đánh nhau”. Ông ấy còn gọi chúng tôi là nỗi ô nhục của đội bóng vì khi đánh nhau đã vô tình đánh thức Sir Bobby Charlton dậy và huyền thoại CLB đã chứng kiến cảnh tượng đó. - “Hai cậu có bất kì điều gì để nói không?”

Peter giơ tay lên: “Tôi xin lỗi, đó là lỗi của tôi. Tôi đã đợi sẵn Roy ở hành lang. Tôi muốn được chịu trách nhiệm”. HLV cười nhạt: “Ồ, cậu đùa vui quá đấy”, rồi đá đít chúng tôi khỏi văn phòng. Đến cả Sir Bobby cũng cố gắng giảng hoà. Thật ngưỡng mộ khi Peter dám chịu trách nhiệm cho lần đánh nhau đó.

Tôi... yêu Patrick Vieira!

Nhìn lại những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của tôi, nhiều lần nâng cúp hiện rõ mồn một trong tâm trí tôi. Nhưng nói thật là tôi chẳng mấy khi nhớ các mốc thời gian cụ thể. Tôi chỉ nhớ có lần duy nhất là chúng tôi cướp chức vô địch Premier League của Arsenal mùa 2002/03. Chúng tôi gặp Tottenham trên sân khách hồi cuối tháng Tư, và sau đó là Charlton. Chúng tôi đến White Hart Lane một ngày trước khi trận đấu bắt đầu; Arsenal phải đá trước Bolton và chúng tôi muốn họ sảy chân. Hôm đó trên xe bus để tới khách sạn là một trong những kỉ niệm đẹp nhất đời tôi. Arsenal dẫn trước 2-0 rồi Bolton gỡ xuống 2-1 bằng bàn thắng của Djorkaeff. Khi chúng tôi đến ga, tỉ số là 2-2.

Đương nhiên là chúng tôi vẫn phải thắng những trận đấu của mình, nhưng vào lúc đó mọi chuyện đâu có quá khó khăn. Chúng tôi chạy nhảy tán loạn, ôm hôn lẫn nhau vì biết rằng danh hiệu hôm đó đã là của Man Utd. Nếu bạn có đi qua ga Stockport vào lúc đó, bạn sẽ thấy một lũ đàn ông nhảy tưng bừng như bị… thần kinh vậy. Điều này làm chúng tôi lên dây cót tinh thần trước trận đấu. Làm gì có chức vô địch nào là dễ dàng. Thời còn nhỏ, tôi hay xem Liverpool thi đấu, và họ vô địch có vẻ như đi chợ, nhưng lớn lên tôi mới biết là chẳng bao giờ dễ cả. Chúng tôi phải chiến đấu vì danh hiệu này, chúng tôi khát khao có được nó. Không đời nào có cái chuyện no xôi chán chè vì danh hiệu cả. Tôi không bao giờ sống trong quá khứ cả.

Arsenal: Hãy tắc bóng, chiến đấu và cà khịa như Patrick Vieira  Roy Keane (trái) vẫn nhớ tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của Patrick Vieira
"Hãy tưởng tượng tôi và Patrick ở cùng một đội. Thật tuyệt vời"

Các cầu thủ ở đẳng cấp cao không bao giờ thoả mãn chỉ với 1 hay 2 cái cúp đơn lẻ. Thật may vì tôi được vây quanh bởi những cầu thủ có tư tưởng đó, luôn muốn thắng dù trước đó đã vô địch nhiều, và rõ ràng HLV và các CĐV không muốn chúng tôi dừng lại và ngủ quên trên chiến thắng. Giành thêm vinh quang là bản năng nằm trong DNA của tôi. 

Arsenal siêu mạnh. Arsene Wenger đã như thể sinh ra đội bóng này lần thứ hai với lối chơi phản công cực kì mẫu mực. Arsenal trước đây của George Graham hay Bruce Rioch luôn chơi 4-4-2 cực cứng nhắc, với nhiệm vụ chính của mỗi cầu thủ là giữ chắc vị trí; thế nên trước khi gặp Pháo thủ thời xưa, bạn luôn đoán được ai sẽ đá ở đâu. Lúc đó dưới thời Wenger, Arsenal chơi tốc độ hơn, di chuyển nhiều hơn, đổi vị trí cho nhau cực kì linh hoạt. Overmars, Bergkamp hay Henry đã thay đổi Arsenal, hay thậm chí là cả Premiership. Chính vì những điều này mà Arsenal trở nên cực khó để đánh bại. Họ có thể phủ đầu bạn cực nhanh, bởi khả năng phản công của họ đã lên một trình độ mới của thế giới, cả trên sân nhà và sân khách. Pháo thủ có những nhân cách lớn từ Vieira, Keown, Campbell, Adams hay Henry. Phải thừa nhận họ hay hơn chúng tôi một chút, nhưng thế lại tốt vì chúng tôi phải luôn cảnh giác trong từng trận đấu một.

Tôi và Vieira luôn là tâm điểm khi hai đội gặp nhau, và thú vị là chúng tôi không ai muốn trở thành một biểu tượng ở thời điểm đó cả. Vị trí của chúng tôi trong đội hình tạo nên tính cách chúng tôi; những tiền vệ trung tâm luôn là tâm điểm của các trận đấu. Bạn thấy đấy, rất ít hậu vệ lãnh đạo các đội bóng, dù Lee Dixon hay Denis Irwin là những hậu vệ rất giỏi. Trong thời điểm đó, tôi và Patrick (Vieira) ở hai đầu chiến tuyến, vì cả hai cùng “máu” vô địch. Trong nhiều dịp hắn làm tôi cực kì bực mình và đương nhiên tôi cũng không để hắn yên. Tôi không ưa hắn, nhưng tôi hiểu hắn đang làm tất cả những gì có thể cho đội bóng mà hắn yêu. Thực ra tôi luôn có suy nghĩ rằng sẽ thế nào nếu như tôi và hắn ở cùng một đội. Thật tuyệt vời. Chúng tôi vô địch mùa 2002/03 trong sự thất vọng của Patrick. 

Ruud van Nistelrooy và sự thông minh của những gã Hà Lan tại Old Trafford

Mùa bóng mới bắt đầu, và chúng tôi thắng 4/5 trận đầu tiên. Đó thực ra là phong độ mà chúng tôi đã kì vọng trước khi mùa bóng khởi tranh. Sau đó, chúng tôi thua Southampton bởi bàn thắng của Kevin Beattie sau pha đá phạt góc của Graeme Le Saux; rồi trước Arsenal, chúng tôi hoà 0-0. Ruud Van Nistelrooy bỏ lỡ một quả penalty bằng cách đá tung xà ngang. Vieira bị đuổi khỏi sân, và sau đó lũ lâu nhâu tại Arsenal lên tiếng chỉ trích chúng tôi vì cho rằng Ruud đã cố tình làm Patrick bị đuổi. Chúng tôi suýt đánh nhau, tôi đã phải ngăn Ruud lại. Nhưng tôi không ngăn được Giggsy và Ronaldo. Bọn họ đã làm loạn sân bóng cùng một vài gã khác bên phía đối diện. Chúng tôi luôn cười cợt vào những án phạt. Giggs đương nhiên là đã bị phạt, và khi tôi trở về từ phiên toà xử mình sau vụ Haaland, trong phòng thay đồ chẳng có sự thương cảm nào cho Giggs cả, mà chỉ có những lời như kiểu: “Ôi, thằng chết tiệt. Cú đó nặng đó, sao cậu làm được vậy?”.

Thực ra tôi không vui lắm. Chúng tôi đã sảy chân trước Arsenal. Kết quả 0-0 nghe cũng xuôi tai, nhưng không phải khi bạn bỏ lỡ một quả penalty; thắng họ có phải là tốt hơn bao nhiêu không. Tôi không bao giờ nghĩ đến việc một gã giỏi như Ruud lại đá hỏng penalty. Ruud là chân sút tốt nhất tôi từng gặp, nhất là trong những tình huống một đối một. Anh ta không phải là Danny Welbeck. Welbeck sẽ nghĩ khi giáp lá cà cùng thủ thành đối phương: “Chết tiệt thật, bổng hay sệt, mạnh hay nhẹ, lừa hay sút?”. Còn với Ruud, sự xuất hiện của thủ môn trong các tình huống đối mặt chỉ để cho đẹp. Thế nên việc hắn đá hỏng penalty có thể là do hắn bị xáo động tâm lý. 

Van Nistelrooy tỏ ra thán phục trước phong độ của Cris Ronaldo
"Ruud trông như một gã 21 tuổi khi anh ta giải nghệ"

Ruud rất hiền và suy nghĩ nhiều chứ không như tôi. Tôi vẫn còn nhớ vào năm 2004, ngay trước thềm một trận Bán kết FA Cup trước chính Arsenal tại Villa Park, Ruud gặp tôi tôi vào một buổi sáng: “Tôi không đá được, đầu gối tôi đau quá”. Lúc đó tôi cũng có vấn đề về dây chằng. Tôi hỏi lại: “Sao vậy?”, thì Ruud trả lời: “Tôi cảm thấy đau vào buổi đêm qua. Tôi chỉ có một cơ thể thôi, và tôi cần phải bảo vệ nó”. Lúc đó tôi nghĩ rằng hắn ta thật ngu xuẩn, nhưng bây giờ tôi mới thấy mình ngu xuẩn. Tôi ra sân thi đấu, và cái dây chằng đau đã giết tôi. Nó rách toạc, khiến sự nghiệp của tôi đi xuống. Ruud kết thúc sự nghiệp ở TBN, ở tuổi 39, trong bộ dạng của một gã trai 21. Thế mà tôi đã từng nghĩ hắn là một thằng ngu cơ đấy.

Tôi chơi khá thân với Ruud. Thực ra tôi thân với hầu hết những cầu thủ nước ngoài, và đã từng rất thích xem xem họ nghĩ gì. Tôi ước rằng mình được một chút như họ: lười một tí như Dwight Yorke, hoặc thông minh một tí như mấy gã Hà Lan. Tôi không ghen tị, mà tò mò về họ. Đối với người như tôi, không thi đấu khi gặp một vết đau nhẹ như kiến cắn rõ ràng là biểu hiện của sự hèn kém. Một cầu thủ chuyên nghiệp cần phải mạnh mẽ, và ra sân kể cả khi chấn thương, thậm chí còn không đề cập đến vết đau của mình. Để rồi đến bây giờ hậu quả thật rõ ràng: những gã thông minh biết giữ gìn không cần phải lết từng bước một ở tuổi 45, và cũng không cần phải thay xương chậu. Những anh hùng trong quá khứ với tôi bây giờ về già đều là những kẻ yếu đuối.
 
Tôi luôn tiêm thuốc giảm đau để thi đấu mỗi khi cần. Không ai cầm súng chĩa vào đầu để ép tôi làm thế, nhưng tôi rất trọng danh dự. Kể cả thái độ của các cầu thủ nước ngoài khi rời đội cũng thật khác biệt. Nemanja Vidic thẳng thừng nói sẽ rời đội vào cuối mùa mà không mảy may có những suy nghĩ kiểu “Ôi, họ sẽ nghĩ gì về tôi đây?”. Cậu ta chỉ biết là cậu ta sẽ rời đi sau khi có một mùa giải tốt cuối cùng cho Man Utd. Những cầu thủ nước ngoài rời đi, hoá ra lại trở thành món quà quý của các đội bóng khác với bồ kinh nghiệm họ tích luỹ qua nhiều năm tháng. 

(còn tiếp)

Ngày mai, chúng tôi sẽ gửi đến quý độc giả phần tiếp theo của chương 2 cuốn tự truyện gây sốc này.

Thành Nguyễn 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Xem thêm
top-arrow
X