Thời gian qua, bóng đá đã có nhiều biến động liên quan tới mối quan hệ của một số cá nhân cầu thủ với câu lạc bộ chủ quản, mối quan hệ của một số nhà cầm quân với ban lãnh đạo đội bóng. Có lẽ, từ khi Sir Alex giải nghệ, hiếm còn huấn luyện viên nào có thể đúng nghĩa là một “Bàn tay sắt”nắm mọi uy quyền như ông nữa.
Khi huấn luyện viên là “Người quan trọng nhất”
Đã bao giờ cổ động viên quay ra đả kích Sir Alex vì ông có mâu thuẫn với cầu thủ? khó đấy, thường thì cầu thủ ấy sẽ bị cổ động viên nhìn dưới ánh mắt tiêu cực nếu chống lại Sir – chính là chống lại lợi ích chung của đội bóng. Không phải tự nhiên mà như vậy, một huấn luyện viên để được như thế cần rất nhiều yếu tố. Cần có thâm niên để trở thành một huyền thoại không dễ đụng chạm, nhưng phải đi kèm thành công liên tục để cái lý, sự tin tưởng luôn nằm ở phía mình, và đặc biệt là ngay từ đầu mọi kỷ luật đã phải được áp dụng một cách sắt đá, thành quy ước không cần bàn cãi, đồng thời có được sự mềm mỏng, tinh tế, khôn ngoan, lõi đời.
Mancini cố gắng nhún nhường đến tối đa, quàng khăn xanh trắng suốt mấy năm trời nhưng cuối cùng ông vẫn chẳng là gì với Man City chỉ với một mùa không ổn. Arsene Wenger thì lâu nay không có sao “đủ lớn” để gây hiềm khích, danh hiệu cũng không – tất nhiên đó còn do hoàn cảnh riêng của Arsenal. Pep cũng phải rời Nou Camp theo một cách thiếu rõ ràng sau mùa giải thất bại, rồi quay lại nói những lời không hay về câu lạc bộ. Mourinho cũng không vượt qua được những thế lực phù phiếm ở Real.
Nhưng ở M.U, chuyện Sir Alex vì cho một cầu thủ - dù là quan trọng nhất dự bị mà những người khác nổi lên chống đối, vì thua một vài trận mà bị ban lãnh đạo thúc bách, đe dọa đến nghề nghiệp có lẽ là một cốt truyện hoang đường, không tưởng. Nói đơn giản thế này, siêu sao hạng nhất có thể tìm người mới, thượng tầng đội bóng có thể thay người mới, nhưng Sir Alex thì ai dám nói mình thay thế được, lặp lại được những thành công của ông? Dù là một huấn luyện viên xuất sắc, ai dám nói mình có thể đưa một đội bóng từ đáy vực lên tới đỉnh cao danh vọng, trở thành biểu tượng bóng đá phổ cập nhất toàn cầu như thế?
Không mua bom tấn hàng loạt như Real, Barca, thậm chí đôi lúc đá với một đội hình loại khá, nhưng chỉ trong 26 năm Sir Alex đã mang về tới 38/62 danh hiệu chính thức cho một câu lạc bộ đã có 135 năm tồn tại. Rất nhiều kỷ lục được ông lập nên, nhiều khoảng cách lịch sử bị ông san bằng, tất cả những gì người ta không thể tưởng tượng, không dám mơ mộng với M.U năm 1986 thì nay nó đã thành sự thật. 2/3 Champions League, 13/20 Premier League của câu lạc bộ được đem về chỉ bởi một huấn luyện viên duy nhất, đó là Sir Alex.
Ở Old Trafford, những huyền thoại chơi bóng cùng lắm chỉ cống hiến được 15 năm ở đỉnh cao phong độ, bởi vậy dĩ nhiên tất cả đều trở nên vô cùng nhỏ bé trước một huyền thoại một phần tư thế kỷ như Sir. Quyền lực, vị thế của ông là cực điểm, là bất khả xâm phạm. Sir Alex là trăng, dù không phải lúc nào cũng tròn trịa, hoàn hảo, nhưng vĩnh viễn không có ngôi sao nào sáng hơn trăng được. Đó là điều bất di bất dịch ở M.U, và việc David Moyes khi dùng tới từ “ước mơ” cũng chỉ mong đạt được 1/4 thành công của Sir Alex cũng không phải lời khiêm tốn thái quá.
David Moyes
Không biết David Moyes có thấy tiếc vì mùa hè năm ngoái đã tìm mọi cách ngăn cản Baines cũng như Fellaini đến M.U hay không, nhưng chuyện đùng một cái trở thành “ông chủ” của Old Trafford thì đúng là chỉ khi bước vào “Nhà hát của những giấc mơ” ông mới… mơ ra nổi, biết sao được mà tính trước. Trong các loại sức hút danh tiếng, tiền, cơ hội đoạt danh hiệu với những đồng đội hạng sang và huấn luyện viên hạng nhất, thì M.U hiện nay hầu hết đều không có để chèo kéo các ngôi sao.
Nói cách khác, Moyes đang gần như cầm nguyên đội hình cũ của Sir Alex, tuy các tài năng trẻ đều trưởng thành thêm một tuổi, nhưng những trụ cột kinh nghiệm cũng đã già đi một tuổi. Về chuyên môn, liệu cơm gắp mắm với những cầu thủ bậc trung thì Moyes làm tốt ở Everton, nhưng cá tính của M.U hoàn toàn khác, ông không chỉ huấn luyện 11 cầu thủ, ông phải gánh cả một truyền thống đồ sộ trên lưng, phải mau chóng nắm bắt và làm quen với niềm kiêu hãnh của một nhà vô địch. Chắc rằng một năm làm việc sắp tới, với việc ở chung sân với những Mourinho, Pellegrini, Wenger, cũng như vén màn bước ra Chamoions league, Moyes sẽ có thêm rất nhiều trải nghiệm.
Không nên kỳ vọng nhiều vào việc Mou sẽ không quá “làm khó” với Moyes như một sự nể mặt Sir Alex, vì đằng nào thì ngồi trên chiếc ghế mà Sir Alex từng ngồi nghĩa là sẽ phải đối đầu với những địch thủ muôn màu muôn vẻ, tài giỏi nhất. Ít ra Moyes cũng có những thứ mà nhiều huấn luyện viên tài năng khác không có, đó là sự tận tụy, ổn định, sử dụng tốt những quân bài “trung trung”, những tố chất xoay sở mang bóng dáng của Sir. Giả như đổi lại là Pep, Mou – những chiến lược gia hot nhất đương thời, e là họ cũng không quá tự tin tiếp quản một đội bóng ít sao nhưng nhiều áp lực như M.U, để chống lại những câu lạc bộ binh hùng tiền mạnh như Real, Barca, Chelsea, Man City, Bayern…
Dù làm gì, tin là David Moyes vẫn sẽ duy trì kỷ luật thép mà Sir Alex từng thiết lập. Hôm nay ông có thể “chưa là ai”, nhưng có huấn luyện viên nào không bắt đầu là như thế. Để tồn tại, giữ được sự bình ổn dài lâu như Sir Alex, cần có những “bàn tay sắt”, và cho dù huấn luyện viên là ai, họ cũng phải ở “cao hơn cầu thủ”. M.U sẽ vẫn phải là như thế.
(Theo Bongda)