Arsenal dẫn đầu bảng, Liverpool đứng ngay sau lưng. Hai đội bóng này có một điểm rất chung: Họ nhập cuộc nhanh và thắng nhẹ nhàng. Đó là lý do vì sao hai đội không được coi là ứng viên vô địch giờ lại chễm chệ trên đỉnh Premier League.
Bí quyết chiến thắng: “Vùi dập” ngay từ đầu?
Arsenal là một trong những đội nhập trận tốt nhất giải Ngoại hạng mùa này. Họ chọc thủng lưới đối phương 4 lần trong 20 phút đầu các trận đấu mà không để đội bạn ghi bàn. Hiệu số của Arsenal trong hiệp 1 là 7 bàn thắng/3 bàn thua, và Arsenal toàn thắng trong 4 trận mà họ dẫn trước khi kết thúc hiệp 1. Hiệp 2 hiệu số cũng khả quan (7/5), đặc biệt là khả năng ghi bàn của Pháo thủ trong thời gian từ phút 61 đến 70.
Arsenal và Liverpool là 2 CLB nhập cuộc tốt nhất từ đầu mùa
Trong khi đó, Liverpool có thành tích hiệp 1 tốt bậc nhất Premier League. Họ đốt lưới đối thủ tới 10 bàn trong hiệp 1 và chỉ để thủng lưới một lần. The Kop đặc biệt nguy hiểm từ phút 31 đến 40 với 4 bàn. Đá 7 trận thì tới 6 trận là Liverpool dẫn trước sau hiệp 1 (thắng 5, hòa 1). Tuy nhiên họ vẫn đứng sau Arsenal bởi thành tích hiệp 2: ghi 1 bàn nhưng để thủng lưới 4 bàn. Trong 2 trận thua Southampton 0-1 và hòa Swansea 2-2, Liverpool đều để mất điểm trong nửa sau trận đấu.
Ngoài ra, Man City là một trong những đội nhập trận tốt nhất ở Premier League với hiệu số 7/1 trong hiệp 1, tuy nhiên gần một nửa số bàn thắng của City đến từ 15 phút cuối hiệp (3 bàn). Khi bước sang hiệp 2, City ghi bàn rất nhiều (10 bàn) nhưng cũng sơ hở không ít (7 bàn thua). Vị trí thứ 5 của City đã phản ánh thực tế rằng họ phòng ngự không tốt trong hiệp 2, trong đó màn sụp đổ 2-3 trước Aston Villa là ví dụ (3 bàn thua đều trong hiệp 2).
Nhanh hay là “chết”?
Phải chăng cứ ghi bàn sớm và dẫn trước sau khi hiệp 1 kết thúc là thắng nhiều? Điều này đúng với Arsenal và Liverpool, nhưng nếu như Liverpool không chắc chắn trong hiệp 2 thì Arsenal lại rất cân bằng về mặt phong độ giữa hai hiệp. Man City đá hiệp 1 rất tốt nhưng khi sang hiệp 2 thì lung lay về phòng ngự, thậm chí mất điểm đáng tiếc vì hàng thủ chơi không chặt.
Manchester United là một ví dụ về sự nhợt nhạt trong hiệp 1. Hiệu số của M.U trong hiệp 1 là 3/4, và họ đặc biệt mong manh trong thời gian chuyển giao giữa hai hiệp (từ phút 41 đến 50) khi để thua 3 bàn. Phải sang hiệp 2 các cầu thủ của David Moyes mới bắt đầu nhập trận, và họ phải chờ nước đến chân mới nhảy khi có 3 bàn thắng đến trong 10 phút cuối?
Tuy vậy lý thuyết ghi bàn sớm là thắng nhiều không đúng hết với mọi đội bóng. Đội đứng thứ 3 Chelsea là ví dụ, họ chơi hiệp 1 chỉ ở mức trung bình (hiệu số 4/3) khi chỉ 2 lần dẫn trước sau khi hết hiệp và ghi có 3 bàn trong 20 phút đầu tiên. Nhưng bước sang hiệp 2 đội quân của Jose Mourinho chơi bùng nổ với hiệu số 6/1, đặc biệt là đã 3 bàn thắng của Chelsea được ghi trong 10 phút cuối trận. Càng sang hiệp 2 Chelsea càng chơi chặt chẽ hơn.
Lọt vào top 4 lúc này là một cái tên xa lạ, Southampton. Đừng nghĩ rằng họ chưa gặp đối thủ mạnh nào, bởi đây chính là đội đầu tiên đánh bại Liverpool trong mùa này. Bàn thắng duy nhất trong trận đấu ấy được ghi bởi Dejan Lovren, một trung vệ. Thực tế đó phản ánh cực kỳ chính xác phong cách của Southampton: Họ là một đội bóng thuần về phòng ngự và ghi bàn từ các pha bóng chết. Các hiệp 1 của The Saints không ấn tượng cho lắm, ghi 1 bàn và thủng lưới 1 bàn. Nhưng khi bước sang hiệp 2, họ đạt hiệu số 6/1. Cặp Dejan Lovren - Jose Fonte đang là cặp trung vệ tốt nhất giải Ngoại hạng với chỉ 2 bàn thua.
Dù vậy, có thể thấy rõ có bàn thắng sớm đã giúp Arsenal và Liverpool như thế nào sau 7 vòng đấu. Trong mùa giải 2012-13 mà Man United vô địch, họ dẫn đầu giải về số bàn thắng trong 30 phút đầu tiên của các trận đấu với 33 bàn, và hiệu số của MU sau hiệp 1 ở mùa đó là 45/17. Xu hướng ấy nhiều khả năng sẽ lặp lại trong mùa này với Arsenal và Liverpool. Premier League mùa này có thể là cuộc chơi “The Quick and the Dead” (Nhanh hay là chết), như tên bộ phim nổi tiếng của Russell Crowe, Sharon Stone và Leonardo DiCaprio.
(Theo Khám Phá)