Thứ Năm, 14/11/2024 Mới nhất
Zalo

Milan và tương lai bất trắc: Ngài còn muốn gì nữa, Silvio?

Thứ Bảy 24/04/2010 16:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Những ngày cuối cùng của Leonardo ở Milan đã được đếm. Trên thực tế, tương lai của vị HLV trẻ đã được đặt lên bàn cân cách đây hai tháng, khi những dấu hiệu tụt dốc đầu tiên của đội bóng được nhận thấy.

Milan giờ đây giống như một đội bóng hạng 2 thất bại, mà cứ mỗi mùa xuân đến câu hỏi quan trọng nhất đặt ra cho các tifosi không phải là “mùa bóng tới chúng ta sẽ đoạt những danh hiệu gì”, mà là “năm tới, chúng ta liệu có mắc lại những sai lầm này nữa không”, “ai sẽ dẫn dắt chúng ta” và “chúng ta đang đi về đâu”. Mùa xuân 2009, những câu hỏi về tương lai của Ancelotti trở nên nhức nhối, khi bắt đầu những tin tức mập mờ về hợp đồng bí mật với Chelsea và đi kèm theo đó là những câu hỏi về tương lai của Milan, từ nhân sự cho đến HLV và chính sách phát triển.

Câu trả lời nhanh chóng có vào mùa hè: Ancelotti sang Anh, Kaka sang Liga, Maldini giải nghệ. Tuyên bố ngầm của Milan rất rõ ràng: thời kì điên khùng cho những vụ chuyển nhượng đắt giá đã qua, đội bóng đang tái cơ cấu để cân bằng tài chính nhưng vẫn tìm cách bấu víu cho hình ảnh bằng các ngôi sao sắp hết thời và giờ là lúc hướng đến những thay đổi, trong một từ duy nhất, “trẻ”. Chỉ có tân HLV của Milan, Leonardo, là trẻ, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Báo chí mà Berlusconi kiểm soát ca ngợi đấy là một bước đột phá lớn trong chính sách “Guardiola hóa” Milan.

Thời gian Leonardo ở AC Milan chỉ còn đếm bằng ngày


Trên thực tế, Milan đã trẻ được bao nhiêu phần trăm? Zero. Những cầu thủ tuổi 19, 20 mà Galliani đưa về từ mùa hè chỉ để đá đội hình 2. Đội hình chính vẫn gồm những cựu binh mà Milan là đội già thứ hai của giải đấu, sau chỉ Bologna. Quá trình “Guardiola hóa” là một mĩ từ trống rỗng, vì nó thất bại thảm hại khi Berlusconi tìm cách tống cổ Leonardo khỏi Milan với lí do vô cùng “thuyết phục”: một đội bóng xuất sắc như Milan đáng lẽ phải chơi hay hơn và phải đoạt Scudetto.

Ông chủ của Milan chỉ nhìn thấy việc Milan đã từng chỉ cách Inter có 1 điểm cách đây 2 tháng mà không thèm đếm xỉa đến việc đội bóng sa sút như hiện tại bởi lí do gì. Ai cũng có thể chỉ ra đâu là nguyên nhân của những nỗi thất vọng, vốn được xây nên từ những ảo tưởng Scudetto hão huyền: đội bóng không có chiều sâu đội hình, thiếu những đầu tư hợp lí và khôn ngoan, tình trạng chấn thương lan tràn, thiếu một cơ sở chiến thuật nhằm đảm bảo việc thi đấu ổn định trong thời gian dài và đội ngũ luôn thiếu sức bật vào mùa xuân do không có tuyến trẻ. Không một HLV tài ba nào có thể đoạt Scudetto với một đội hình như thế. Kể cả Sacchi và Capello.

Bổ nhiệm Leonardo, Berlusconi vừa đạt mục tiêu có một HLV với mức lương thấp, vừa cố tạo cảm giác đã tìm ra một người tâm phúc của ông trong đội bóng. Trên thực tế, Leonardo không phải là một gã đần. Những ảo tưởng của anh về một thứ bóng đá đẹp để làm vừa lòng ông chủ trong những tuyên bố đầu mùa đã biến mất và được thay thế bằng những phản ứng hết sức thẳng thắn và mạnh mẽ của anh vào mùa xuân 2010, khi dám phản pháo những chỉ trích của Berlusconi (“Nếu ông ấy không muốn tôi ở lại, chỉ cần nói một câu”). Những phản ứng được cho là “hỗn” ấy là một lí do để Berlusconi đá đít Leonardo. Đấy là cách tốt nhất để Berlusconi phủi tay trước trách nhiệm làm cho đội bóng rơi vào một mùa bóng không thành công như ông đã chờ đợi, và Leo đã gây thất vọng đúng lúc ông hy vọng nhiều nhất. Nhưng trên thực tế, liệu ai dám đặt cược vào việc Milan sẽ thành công mùa này, có ai tin Milan sẽ tạo ra những hy vọng?

Không ai hết. Berlusconi phải cám ơn Leonardo, bởi anh đã làm được rất nhiều cho đội bóng và cho ông, con người mà lẽ ra trong thời điểm chuyển giao thế hệ thời hậu Ancelotti, Kaka và Maldini này, cần phải biết kiên nhẫn. Đội bóng của Leonardo đã có được hơn đội của Ancelotti những Nesta, Thiago Silva và Borriello. Ronaldinho đã lấy lại được phong độ và ảnh hưởng chiến thuật của mình. Thiếu Kaka, nhưng thậm chí đã chơi tạo ra một bản sắc rất riêng, rất táo bạo bằng lối đá tấn công trong một số thời điểm, Milan 2010 không hề là một thất bại nếu xét đến những dự đoán kinh khủng của các chuyên gia vào lúc Kaka và Ancelotti ra đi.

Vậy, thưa Silvio, ngài còn muốn gì nữa, mặt trăng ư?
 
 

Thay kẻ thế vai, bằng một kẻ thế vai

Báo chí Italia nói, Leonardo sẽ quay về Brazil để nắm một chân trong BTC World Cup 2014, và ở chỗ của anh sẽ là Filippo Galli. Anh có lẽ cũng sẽ chỉ là một kẻ thế vai không hơn không kém, và có thể anh sẽ lại rơi vào tình trạng như của Leonardo: con tốt thí cho những sai lầm và sự lần lữa cải tổ của những ông chủ. Người cựu trung vệ hiện đã 47 tuổi thường chỉ đóng vai phụ ở đại Milan của Sacchi và Capello những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990 mới chỉ một lần đóng vai chính, và chiến thắng rực rỡ khi thay vai trò của Baresi trong trận CK Champions League 1994, khi Baresi không đá chính vì bị treo giò. Ai có thể tin cái khoảnh khắc thăng hoa thần kì ấy có thể lặp lại ở Milan, trong một khung cảnh bẽ bàng như thế này?


(Theo Thể Thao Văn Hoá)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Bẫy việt vị kiểu Pellegrini: Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Xem thêm
top-arrow
X