Có một điểm khác biệt rất lớn giữa Sir Alex và David Moyes. Đó là ngay cả trong lúc khó khăn nhất, MU bị đánh giá thấp nhất, Sir Alex vẫn thường khẳng định điều ngược lại. Còn Moyes thì không.
Với Sir Alex, MU luôn mạnh
Chẳng hay ho gì khi ảo tưởng vào khả năng của đội bóng, tự cho mình là đáng sợ trong khi thực chất chỉ là một kẻ hạng xoàng. Tất nhiên, MU với lực lượng từng có và đang có không đến nỗi “hạng xoàng”, song đúng là cũng chẳng đủ để sánh ngang với những ông lớn hàng đầu châu lục, ấy là nói về mặt con người. Đây là chuyện quá cũ mà hầu hết các cổ động viên Quỷ đỏ đều thầm hiểu, họ đều mong ngóng những bản hợp đồng chất lượng làm hoàn hảo đội hình. Nhưng sự hoàn hảo ấy chưa bao giờ đến, một phần là “tại” Sir Alex.
Mấy mùa giải gần đây, chắc chắn không dưới một lần các Manucians cảm thấy bất an, thấp thỏm khi đội nhà sắp chạm trán một đối thủ mạnh nào đó. Ai xem lâu đều hiểu MU có những vị trí còn yếu, có những hạn chế trong sức mạnh tổng thể của đội hình. Đã có những trận đấu tệ hại, những kết quả thất vọng xảy đến với MU, nhưng trên đường đua lớn và trước những trận đánh lớn, Sir Alex vẫn chỉ nhắc đi nhắc lại một quan điểm “MU đủ đẳng cấp, cầu thủ đủ giỏi để chinh phục, và không hề thua kém các kình địch”.
Nhiều cổ động viên có lẽ không tin lắm vào điều đó, khi mà MU cho thấy nhiều tồn tại, còn đối phương lại là những câu lạc bộ đầy rẫy ngôi sao, thường xuyên thắng to, thắng thuyết phục. Vấn đề là, Sir Alex luôn bình thản và tin vào lời ông nói, như thể đẳng cấp của MU là một chuyện hiển nhiên, một thứ quy luật đời thường vậy. Mặc cho ai lo ngại, mặc cho có những ca chấn thương, có những màn trình diễn dở, những cầu thủ năng lực có hạn, Sir Alex vẫn nói về đội bóng của ông như nói về những nhà vô địch.
Và như chúng ta đã biết, MU vẫn có những trận đấu thăng hoa, với chất lượng chuyên môn cao khi “va chạm” các siêu đối thủ. Các học trò của Sir Alex được ông truyền cho niềm tin rằng mình là một đội bóng hùng mạnh, có khả năng chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất, họ phát huy được 100% khả năng hoặc còn hơn thế, luôn giữ được quyết tâm và tự tin chiến thắng, sự tập trung để đạt mục tiêu. Sự chênh lệch khi tách lẻ cá nhân dần bị xóa nhòa, để một MU với sức mạnh chung luôn sẵn sàng chơi ngang sức với những Man City, rồi cả Real Madrid. MU đã thắng Man City một cách sòng phẳng, đã làm Real phải lao đao, tạo cảm giác ở cùng đẳng cấp với đội bóng nhiều ngôi sao nhất thế giới, chính Mourinho – người dẫn dắt Real thời điểm đó cũng thấy rõ điều này, và công nhận phải cần đôi chút may mắn mới giúp đội bóng của ông hạ được Quỷ đỏ.
Sự khiêm tốn của David Moyes
Khiêm tốn là một đức tính tốt. Chính Sir Alex đã bị ghét một phần bởi một số lời nói tự tin tuyệt đối vào đội bóng, những câu khen ngợi quá tầm dành cho các cá nhân học trò, dù đó là một cách khích lệ và làm tư tưởng. Tuy thế, khiêm tốn nhiều khi lại là một cản trở đối với sự bùng nổ, sự thăng hoa, nó rất ở gần với tự ti, với an phận, và ở cương vị nhà huấn luyện, David Moyes rất khó ngăn những hệ quả tiêu cực ấy lan tỏa nếu sự khiêm nhường của ông trở thành cứng nhắc.
Rất dễ hiểu thôi, đã hơn một thập kỷ Moyes làm việc ở Everton một cách tận tụy, ông đã quen với vị trí ấy lắm rồi, cái tầm của đội bóng cũng phù hợp với sự thâm trầm, khiêm tốn. Ở Everton Moyes không quen “ăn to nói lớn”, không quen sự tự tôn quá đà, một phần đó là bản tính ông vốn thế. Nay, khi phải làm quen lại từ đầu với một tập thể hoàn toàn khác, với những cái đích lớn lao, truyền thống và niềm kiêu hãnh khổng lồ, Moyes rõ ràng chưa hề chuẩn bị để cư xử như một “ông lớn”.
Huấn luyện viên quý ở hai phẩm chất: chiến thuật và tinh thần. Người ta đang đặt dấu hỏi về khả năng dùng người, bày binh bố trận của Moyes, chưa đủ những điểm sáng để đánh giá cao về nó. Chưa kể hiện tại, Everton ngay sau khi đổi người mới lên ghế chỉ đạo, họ vào guồng nhanh hơn hẳn, và đá cảm giác còn đáng gờm hơn cả dưới thời David Moyes. Về khía cạnh tinh thần, sự bất lực và thẫn thờ đã nhiều lần hiển hiện trên gương mặt người đàn ông này, tất cả đều “khó thở” hơn ông tưởng tượng. Ông chưa truyền được cho cầu thủ thứ mà Sir Alex từng làm, đó là sự tự tin vào đẳng cấp và mục tiêu mình muốn giành được.
Moyes luôn thừa nhận đội bóng còn yếu và sẽ phải mạnh tay cải tổ, nhưng cái đó thì ai cũng biết rồi. Phải chăng MU chọn Moyes vì ông “có sức hút” và sẽ mua được nhiều ngôi sao? Chắc là không. So sánh một chút, thì ở ngưỡng chuyên môn 7 điểm, Sir Alex có thể khiến học trò chơi những trận đấu điểm 8, điểm 9 bởi lòng tin và nỗ lực tập thể, còn với Moyes, chúng ta chỉ thấy từ điểm 7 trở xuống, chủ yếu là thấp hơn. Thì nếu chính huấn luyện viên cũng nghĩ đội mình không mạnh, thì các cầu thủ dựa vào cái gì, nghe ai, dùng phương án nào để chơi được đúng hoặc hơn khả năng của họ? Khó lắm.
Cứ dông dài, MU cũng có thể dần đi vào ổn định dưới tay Moyes, như ông từng làm với Everton. MU hơn Everton ở chỗ có thể đưa về những cầu thủ xuất sắc hơn, đắt giá hơn trong tương lai, có những tài năng trẻ để chờ đợi. Nhưng để MU ấy thực sự vươn tới đỉnh cao, có sức mạnh chinh phục ồ ạt, có sự bứt phá, có bước nhảy về trình độ, quay về đua tranh với những câu lạc bộ hàng đầu châu lục, thì quả thật còn cần rất nhiều điều để lo lắng. Không gì khác hơn, David Moyes phải nâng cao đẳng cấp của chính ông sau những tháng ngày trải nghiệm tại một câu lạc bộ lớn, có thế mới có thể gắn bó với MU lâu dài. Thời gian thì còn đó, nhưng chắc sẽ chẳng ai chờ đến hết bản hợp đồng 6 năm.
Theo Bongda