- Những điểm đáng để chờ đợi từ trận bán kết Brazil - Đức
- Maradona:" Người Brazil phải học theo Argentina"
- World Cup 2014: Quyền của sự sống
1. Ở Việt Nam có quan niệm hễ chó tru lên là có điềm xấu, nhà có ma,... Vì vậy, một số nơi đã hình thành tập tục cứ thấy chó tru là nghĩ tới chú cún đó mang xui xẻo, tai họa đến nhà. Họ không ngần ngại bán hoặc làm thịt những chú chó đó. Nhưng trên thực tế, hiện tượng chó tru được lý giải trên góc độ khoa học là bởi bản năng gốc từ chó sói vẫn còn. Dù trải qua hàng ngàn năm tiến hóa để trở thành chó nhà nhưng đôi lúc, bản năng của loài sói vẫn được di truyền qua nhiều thế hệ. Đó là bản năng gốc không gì thay thế được.
Nhiều người cũng thắc mắc vì sao gấu trúc có 6 ngón ở chi trước. Gấu trúc vốn là loài ăn thịt nhưng trải qua giai đoạn dài tiến hóa, chúng trở thành loài ăn lá trúc như hiện nay. Ban đầu, chúng cũng chỉ có 5 ngón nhưng trải qua quá trình dài ăn lá trúc, chi trước của chúng mọc thêm một đoạn thịt nhỏ để tiện cho việc tước lá trúc cho vào miệng. Đó là sự thích nghi.
Brazil đá rất thực dụng tại World Cup 2014 |
2. Cả Brazil và Đức tại World Cup 2014 đều trình diễn một lối đá khác hoàn toàn so với những gì mà người ta gọi là bản sắc. Giờ đây, Đức tấn công phóng khoáng chẳng kém gì Brazil, còn người Brazil lại thực dụng chẳng khác gì Đức. Nhiều người cảm thấy không hài lòng vì điều đó. Nhưng thực tế cũng như gấu trúc, cả Brazil và Đức đều hướng đến sự thích nghi.
Trong bối cảnh không có nhiều ngôi sao tấn công để triển khai lối chơi Jogo Bonito truyền thống, HLV Scolari buộc phải thay đổi để tồn tại. Dựa trên hàng thủ gồm toàn những hậu vệ trứ danh như Thiago Silva, David Luiz hay Dante, Brazil vẫn tiến từng bước đến trận chung kết một cách vững chãi. Điều quan trọng của một vị tướng tài là phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu. Nhìn vào lực lượng của Brazil hiện tại, cách làm đó của Scolari là vô cùng sáng suốt.
Còn Joachim Low cũng thay đổi cho phù hợp với xu thế. Nắm trong tay dàn cầu thủ tấn công thượng thặng gồm những Thomas Muller, Schurrle, Ozil, Goetze... nếu cứ khư khư phòng thủ rồi bất ngờ cho đối thủ một đòn thì quá lãng phí và không thực tế. Vì vậy, ĐT Đức sẵn sáng phá bỏ lớp mặt nạ lạnh lùng để "nhảy múa" trên xứ Samba hè này.
3. Nhưng cả Brazil lẫn Đức vẫn còn đó thứ gọi là bản sắc chưa hề bị đánh mất. Trong hai trận ở vòng knock out, chính những hậu vệ lại là người mang về chiến thắng cho người Brazil. Thử hỏi tại World Cup 2014, có mấy hậu vệ đủ khả năng sút phạt trực tiếp thành bàn như David Luiz? Brazil cũng sở hữu cặp hậu vệ cánh Dani Alves - Marcelo đôi khi còn dâng cao hơn cả những cầu thủ tấn công. Đó là bản năng đã ăn vào máu người Brazil. Họ có thể thực dụng nhưng sâu thẳm trong huyết quản vẫn chảy dòng máu nóng đầy chất nghệ sĩ của xứ Samba.
Còn người Đức đã đánh mất đi sự lạnh lùng ư? Hãy xem lại trận gặp Algeria, Manuel Neuer đã có những pha dâng cao chặt đứt cơ hội tấn công của đối thủ. Liệu có mấy thủ môn dám quyết đoán lao ra ngoài vòng cấm - nơi duy nhất họ được dùng tay để đương đầu với đối thủ. Hay như trận gặp Pháp, Hummels không cần sự hoa mỹ để có bàn thắng duy nhất. Một cú đẩy Varane và một pha đánh đầu dứt khoát, bàn thắng đến. ĐT Đức trong những phút còn lại thi đấu đầy chắc chắn khiến hàng công từng nổ súng đến 10 lần trên đất Brazil của Pháp phải bó tay. 1-0. Vâng, 1-0 là đủ.
Đêm nay nếu Brazil tiếp tục trở thành những "công nhân", còn ĐT Đức trở thành "nghệ sĩ" thì cũng đừng ngạc nhiên. Và nếu một hậu vệ giúp Brazil giành chiến thắng trong một phút ngẫu hứng, hay Mannschaft đánh bại đối thủ bằng một pha bóng lạnh lùng thì cũng đừng ngạc nhiên.
Có những thứ vẫn nằm sâu trong huyết quản chỉ chờ bung ra. Nhưng có những thứ cần thay đổi để tồn tại.
Như Đạt