Không phải sau khi ĐT Italia thất bại ở World Cup 2010, vấn đề đào tạo trẻ tại xứ sở mỳ ống mới được nhắc đến. Tại EURO 2008, không ít tifosi đã lo cho sự xuống dốc của bóng đá nước này.
Lỗ hổng CLB
Nếu nước Đức hân hoan khi Bayern giành ngôi... Á quân Champions League 2009/10, thì phần đông NHM Italia lại hờ hững với những gì Inter đạt được. Một sự tương phản kỳ lạ ở hai nền bóng đá lớn của Cựu lục địa. Tuy nhiên, đó là một thực tế không thể chối cãi. Người Đức vui bởi họ phát hiện được 2 tài năng trẻ: Badstuber và Mueller. Còn người Italia, lâu rồi trong thành phần Inter, “chất Italia” không còn tồn tại. Chẳng thế mà HLV Marcelo Lippi thừa nhận: “Không có mối liên hệ nào giữa Inter và ĐT Italia cả”. Phát biểu trên có phần cay nghiệt, nhưng đã nói đúng bản chất cách dùng người của các CLB Italia hiện tại.
Vì không có đất sống ở Italia, Balotelli mới phải tìm đường sang Anh
Hôm qua, tờ Republica đã có bài bình luận khá sắc của tác giả Enrico Sisti về mối liên hệ giữa CLB và ĐTQG. Theo ông này, đào tạo trẻ tại Italia đang là vấn đề nhức nhối. Ai cũng biết, ĐTQG được hình thành do các CLB cung cấp cầu thủ. Chất lượng cầu thủ có tốt, đẳng cấp ĐTQG mới cao. Mối quan hệ giữa CLB và ĐTQG phải là mật thiết và tương hỗ. Tuy nhiên, gần một thập kỷ qua vấn đề đào tạo cầu thủ lại không được các CLB quan tâm đúng mức.
Có thể do tính chất căng thẳng tại Serie A, nên các đội bóng thích chiêu mộ cầu thủ đã thành danh hơn là đào tạo cầu thủ trẻ. Thống kê cho thấy, tỷ lệ cầu thủ Italia trong 20 CLB Serie A hiện nay chỉ chiếm 52%. Trong đó, Inter là đội có “hàng nội” ít nhất với chỉ 14%. Roma nhỉnh hơn với 40%. Còn Milan và Fiorentina cũng chỉ lần lượt chiếm 46% và 45%. Tuy nhiên, ngay cả khi phát hiện được tài năng trẻ, không ít CLB lại chẳng biết phát triển họ. Trường hợp của Paloschi (Milan), Giovinco (Juventus) hay mới đây là Balotelli (Inter)… là những ví dụ cụ thể.
Vai trò của FIGC
“Chi phí đào tạo trẻ hàng năm của Napoli chỉ khoảng 300.000 euro. Tuy nhiên, số tiền đó chỉ đủ trả lương cho Ibrahimovic 10 ngày. Đây là bất cập lớn mà không phải ai cũng biết”, Uliveri, chủ tịch Hiệp hội HLV Italia tâm sự.
Trở lại thất bại của ĐT Italia ở World Cup 2010. Rõ ràng, với thực tại bóng đá nước này, đó là điều tất yếu. Suốt 4 năm, kể từ chức vô địch trên đất Đức, Italia không phát hiện thêm 1 tài năng mới nào. Ngay cả một cầu thủ tầm tầm như Cassano cũng không có.
Tác giả Sisti giải thích, “Chiến thắng tại World Cup 2006 là kết tinh những thành công của lứa trẻ”. Từ năm 1992 đến 2000, Azzurri thống trị giải U21 châu Âu với 4 chức vô địch (1992, 1994, 1996 và 2000). Sau này, họ đều trở thành nòng cốt của ĐT Italia lọt vào chung kết EURO 2000 và đỉnh cao là chức vô địch World Cup 2006. Từ 2004 đến nay, bán kết U21 châu Âu 2009 là thành tích tốt nhất của lứa trẻ Italia.
Rõ ràng, việc sa sút của các cầu thủ trẻ khiến chất lượng ĐT Italia ngày càng kém. Hẳn LĐBĐ Italia (FIGC) không phải không hiểu điều này?
(Theo báo Bóng Đá)